Mỗi mùa lễ Vu Lan đến cũng là dịp rặng thị cổ gần nghìn năm tuổi ở tổ dân phố số 5, số 6 (phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn, TP Hải Phòng) lại chín thơm lừng, vàng ruộm cả một góc trời, làm nhiều người nhớ về những ký ức tuổi thơ.
Những quả thị xanh, chín đan xen nhau.
Đồ Sơn có 17 cây thị cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là quần thể cây di sản Việt Nam vào năm 2014.
Các cây thị ở đây được đánh số, đặt tên như thị Bà Vải, thị Cộc, thị Khe...
Theo lời kể của các bậc cao niên, mỗi cây thị đều có một hình dáng riêng và được đặt một cái tên gần gũi với đời sống của nhân dân. Cây thị Bà Vải nằm trong vườn gia đình có người phụ nữ tên Vải, cây cao hơn 20m, đường kính gốc gần 2m; cây thị Khe mọc cạnh khe suối, thân rỗng có thể chứa được 2 người trưởng thành...
"Cụ thị" ít tuổi nhất cũng gần 300 tuổi, "cụ thị" cao niên nhất cũng gần 1.000 năm tuổi, tỏa bóng trên lối người dân đi về nằm trong khuôn viên từng gia đình, các nhà thờ họ.
Ông Nguyễn Văn Thể (57 tuổi) cho biết, ngay từ khi ông còn nhỏ, quần thể thị cổ dưới chân núi Ngọc đã xanh tốt, cao lớn như hiện tại, và gần như năm nào cũng cho quả sai trĩu. Đến độ tháng 7 Âm lịch, quả chín rụng vàng gốc cây.
Đứng từ xa cũng nhìn thấy cây thị cao vượt mái nhà thờ họ. Ngày bé, ông Thể thường trèo lên cây hái quả cho bố mẹ mang ra chợ bán, hay ngồi tụm năm tụm bảy với những đứa trẻ khác để mang thị ra nghịch chơi, ngửi mùi thơm dịu nhẹ của một loại quả từng đi vào văn học dân gian và thơ ca.
Để hái được những quả thị trên cao, người dân còn chế ra những dụng cụ từ cây giang, cây nứa dài tới 6-7m.
Thành quả sau khi hái thị.
Theo người dân, năm nay thị bị ong châm nên nhiều quả hỏng ngay từ trên cây.
Những người gắn bó lâu năm với thị, nhìn thoáng qua từ độ cao 6-7m là có thể phát hiện quả thị nào hỏng, quả thị nào căng mọng, trổ mã.
Bà Hoàng Thị Việt (66 tuổi, phường Ngọc Xuyên) cho biết, cây thị Cộc nằm ngay trước cổng nhà bà, năm nào cũng sai quả, quả to. Cây thường rụng lá vào dịp cuối năm. Những ngày mưa bão, nhiều cành cây cằn cỗi cũng bị gãy, đổ.
Cũng theo bà Việt, mỗi năm chỉ có 1 mùa thị vào dịp tháng 7, tháng 8 Âm lịch.
Thị chỉ chỉ thơm khoảng 3-4 ngày, nếu như thơm quá thành ra thơm hắc, mọi người sẽ hái bỏ đi hoặc quả rụng xuống vàng gốc.
Cây thị không phải chăm sóc gì, bao nhiêu đời nay cây tự xanh tốt như thế, quả sai hay thưa tùy thuộc vào thời tiết mỗi năm. Cây nào gần nhà dân, mọi người đổ nước ra thì tươi tốt hơn những cây khác.
Những đứa trẻ ở đây cũng thường nhặt thị để chơi thay cho những trò chơi điện tử trên máy tính, điện thoại.
Trẻ em thường đùa nghịch, bước đi trên con ngõ, nơi có quả thị rụng đầy, thơm lừng.
Bình luận