Jal Mahal Jaipur là một cung điện nằm ở giữa hồ Man Sagar ở thành phố Jaipur, thủ phủ của bang Rajasthan, Ấn Độ. Nơi đây còn được biết đến là “cung điện nước” có với kiến trúc tinh tế và thiết kế lộng lẫy làm say lòng du khách. Đây là ví dụ điển hình nhất về kiến trúc Rajput và sự xuất sắc về kỹ thuật xây dựng vào thế kỷ 18.
Được xây dựng bởi nhà vua Maharaj Madho Singh, ban đầu tòa kiến trúc chỉ được dựng lên đơn thuần như một địa điểm nghỉ ngơi cho ông sau khi đi săn vịt. Trong suốt thế kỷ 18, con trai của Madho, Madho Singh II đã quyết định nâng cấp vẻ đẹp của tòa nhà bằng cách thêm sân trong và thay đổi ngoại thất.
Đây là một tòa nhà 5 tầng với điều thú vị là 4 trong số 5 tầng nằm chìm hoàn toàn ở dưới nước, chỉ có tầng trên cùng là lộ ra trên bề mặt. Lí do cho việc cung điện nước bị ngập 4 tầng dưới là do công trình kiến trúc này được xây dựng bằng đá sa thạch đỏ, một loại đá mềm và dễ bị xói mòn bởi nước.
Qua thời gian, cấu trúc của cung điện dần bị suy yếu và hư hỏng. Ngoài ra, việc xây đập trên sông Dharbawati, nguồn nước chính của hồ Man Sagar, đã khiến mực nước của hồ dâng lên, gây ngập lục cho 4 tầng dưới của cung điện, chỉ còn một tầng trên cùng.
Sự hùng vĩ về kiến trúc của cung điện trở nên sống động đặc biệt là vào buổi tối, khi toàn bộ khu phức hợp được bao phủ bởi ánh đèn.
Hình ảnh phản chiếu của Jal Mahal trong hồ Man Sagar tạo ra ảo ảnh về những tầng cao sừng sững trên mực nước rât ấn tượng. Bên trong cung điện, những bức tranh tay được bảo quản tốt lấp đầy mọi sảnh và phòng, phần cầu thang và sân thượng được thiết kế rất đẹp mắt.
Cung điện Jal Mahal chắc chắn là một trong những công trình sáng tạo vĩ đại nhất của Ấn Độ vẫn được bảo tồn tốt cho đến ngày nay. Đây cũng được xem là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Jaipur, thu hút nhiều du khách đến tham quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình kiến trúc độc đáo này và cả khung cảnh tuyệt vời của hồ Man Sagar bao quanh.
Bình luận