• Zalo

Cận cảnh kính viễn vọng 'bằng 30 sân bóng đá' ở Trung Quốc

Tư liệuThứ Năm, 23/02/2023 09:27:34 +07:00Google News
(VTC News) -

Nằm ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, kính viễn vọng này có diện tích tiếp nhận tương đương 30 sân bóng đá và có thể phát hiện các thiên thể ở xa trên thời gian thực.

Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ năm trăm mét ở Trung Quốc, còn gọi là FAST hay Sky Eye (Thiên Nhãn) - là kính viễn vọng vô tuyến một đĩa lớn nhất thế giới – được cho là sẽ góp phần giúp các nhà nghiên cứu khám phá vũ trụ với tốc độ nhanh hơn.

Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc xem FAST là một trong số 10 đột phá khoa học hàng đầu năm 2021, giúp nước này nâng cao vị thế về nghiên cứu vũ trụ trên toàn cầu.

Cận cảnh kính viễn vọng 'bằng 30 sân bóng đá' ở Trung Quốc - 1

Hình ảnh từ trên cao của kính viễn vọng Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Nằm ở tỉnh Quý Châu, FAST có diện tích tiếp nhận thông tin tương đương 30 sân bóng đá (190.000 m2) và có thể phát hiện các thiên thể ở xa và tối thông qua định vị thời gian thực.

FAST đã tìm thấy 500 sao xung (sao gồm các hạt neutron phát ra bức xạ nhanh, định kỳ) mới — gấp bốn lần con số được tìm thấy bởi tất cả các kính viễn vọng khác trong cùng thời kỳ trên thế giới cộng lại, theo Đài quan sát Thiên văn Quốc gia thuộc Viện Khoa học Trung Quốc. Thời gian quan sát hàng năm của kính viễn vọng này cũng vượt quá 5.300 giờ, nhiều hơn nhiều so với các thiết bị tương tự trên toàn cầu. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Trung Quốc tin rằng FAST sẽ có thể nhìn thấy hình ảnh từ ranh giới của vũ trụ sau vài năm nữa.

Cận cảnh kính viễn vọng 'bằng 30 sân bóng đá' ở Trung Quốc - 2

(Ảnh: Tân Hoa xã)

Theo Lin Hao, thanh tra cấp một của Sở Khoa học và Công nghệ Quý Châu nói trên China Daily trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, ý tưởng xây dựng FAST lần đầu tiên được đề xuất tại một hội nghị của Liên minh Khoa học Vô tuyến Quốc tế tổ chức tại Kyoto, Nhật Bản, vào năm 1993. Các nhà khoa học lúc đó nhất trí rằng nên xây dựng một kính viễn vọng vô tuyến khổng lồ để khám phá nguồn gốc của vũ trụ.

Nhà thiên văn học Trung Quốc Nan Rendong đã tham dự cuộc họp và sau đó thảo luận với các nhà khoa học khác ở quê nhà, từ đó đưa ra ý tưởng chế tạo kính viễn vọng vô tuyến đầu tiên trên thế giới có đường kính 500 mét. Vào thời điểm đó, kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất ở Trung Quốc chỉ có đường kính 25 mét.

Cận cảnh kính viễn vọng 'bằng 30 sân bóng đá' ở Trung Quốc - 3

Các nhân viên (góc phải) được nối với bóng khí heli để tiến hành bảo trì kính. 

Việc lựa chọn địa điểm và nghiên cứu sơ bộ cho dự án bắt đầu vào năm 1994, và vào năm 1995, một nhóm đặc biệt được thành lập cho chương trình. Vào cuối những năm 1990, kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới là Kính viễn vọng Arecibo đường kính 305 mét củaMyx, đặt tại Puerto Rico.

Việc xây dựng FAST bắt đầu vào năm 2011, hoàn thành vào tháng 9/2016, mở cửa cho các nhà thiên văn học trong nước vào tháng 4/2019, mở toàn cầu vào tháng 4/2021.

Nơi xây dựng FAST nằm sâu trong núi, có dạng địa hình phong hóa đá vôi đặc biệt gọi là karst, được cho là giúp kính viễn vọng không bị ảnh hưởng bởi nước mưa hoặc chuyển động quay. Chỉ riêng quá trình tìm địa điểm xây dựng này đã mất tới 10 năm.

Quá trình xây dựng Kính viễn vọng FAST. (Nguồn: CNS)

Ngoài ra, nhằm thực hiện hoạt động bảo trì, từ năm 2017, nhóm dự án đã phát triển mô hình “người nhện vi trọng lực” - nhân viên bảo trì được nối với các bóng bay khí heli để giảm trọng lượng – giúp họ thực hiện hoạt động kiểm tra ở bất kỳ đâu với tác động tối thiểu đến thiết bị. Tuy nhiên, với chi phí cao, hiệu quả thấp và rủi ro an toàn, sau này họ đã đề xuất phát triển hệ thống sử dụng robot.

Phương Anh(Tổng hợp )
Bình luận
vtcnews.vn