Video: Cận cảnh bãi cọc gần nghìn năm tuổi vừa phát lộ tại Hải Phòng
Chiều 20/12, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng, các sở, ban, ngành cùng các nhà sử học, chuyên gia tham gia thực nghiệm hiện trường tại bãi cọc ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, nghi là bãi cọc phục vụ trận thủy chiến chống quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288.
Theo nhận định của các nhà khoa học, niên đại và không gian của cọc gỗ được mang đi giám định nằm trong quần thể cọc gỗ ở đây khớp với trận thủy chiến Bạch Đằng thời Trần.
Cọc gỗ dựng đứng, đầu cọc như mũi giáo.
Dù dựng đứng hay chéo thì đầu cọc đều được vót nhọn.
Theo Bảo tàng Hải Phòng, kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ tại xã Liên Khê cho thấy, các cọc phân bố theo chiều Đông - Tây, đường kính từ 26 - 46cm, trên cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Các cọc phân bố không thẳng hàng và có thể được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.
Giáo sư Lê Văn Lan cho biết, những người khai quật rất cẩn trọng lkhi àm các cột địa tầng, xác định được nguồn gốc, niên đại của các lớp đất. Về mặt khai quật, khảo cổ học, vấn đề địa tầng được giải quyết tốt.
“Tôi cũng đánh giá cao việc những chiếc cọc được khai quật không phải theo kiểu tìm đồ cổ. Ở đây, các nhà khoa học giữ nguyên được hiện trạng và có phương pháp".
"Phương pháp đó là mặt cắt, là đỉnh, đáy và cả những địa tầng lớp đất xung quanh đều được giữ. Theo đó, ai cần phản biện, ai cần suy nghĩ thêm đều có cơ sở. Không như việc khai quật ở một số nơi khác, hơi nóng vội, bóc tuột tất cả những thứ ở bên trên, chỉ còn đáy” – Giáo sư sử học Lê Văn Lan nhận định.
Theo Giáo sư Lê Văn Lan, những chiếc cọc cũng được các nhà khoa học bảo quản tốt.
Có chiếc cọc gỗ đường kính lớn cả mét, đang trong quá trình mục ruỗng.
Dân địa phương chứng kiến cuộc thực nghiệm chiều 20/12.
“Chúng ta phải chờ những mẫu khác để có kết quả tổng hợp đầy đủ, chính xác hơn về niên đại của các cọc gỗ được tìm thấy. Nhưng chúng ta yên tâm hơn vì cọc gỗ được giám định không nằm trơ trọi một mình mà nằm đồng bộ nên có thể tiêu biểu cho gần 30 cọc gỗ ở đây. Như vậy, con cháu, hậu duệ ở Quảng Ninh và Hải Phòng đều có thể hả lòng rằng, ông cha, tổ tiên chúng tôi cả trên đôi bờ của dòng Đá Bạc dẫn tới Bạch Đằng đều có công với đất nước, với lịch sử dân tộc”, GS Lê Văn Lan nhấn mạnh.
Bình luận