Hòn Bà (Vũng Tàu)
Con đường nằm giữa biển dẫn ra hòn Bà ở Vũng Tàu là một trong những con đường thoắt ẩn thoắt hiện "thách thức" du khách nhất. Đường dẫn ra đảo tùy thuộc vào con nước trong ngày, khi thủy triều rút, một con đường nhỏ sẽ hiện ra để du khách có thể đi bộ ra đến đảo Hòn Bà.
Tuy nhiên, việc canh đúng giờ đúng giấc để chiêm ngưỡng con đường này thì khá... tùy duyên. Bạn có thể hỏi vài mẹo của người dân địa phương về "lịch đi bộ" để đi cho đúng. Và nếu đứng đợi mãi vẫn không thấy đường đâu, bạn vẫn có thể đi thuyền hoặc ghe ra thăm Hòn Bà. Và nếu có cơ hội đi bộ qua con đường này, nhớ cẩn thận các hòn đá sắc bén và đừng để hàu cứa vào chân.
Đảo Điệp Sơn (Khánh Hòa)
Con đường bộ dẫn ra đảo Điệp Sơn là con đường nổi tiếng nhất trong số các cung đường rẽ biển ở Việt Nam. Với độ dài chưa tới 1 cây số và có mức thủy triều ở mức nông, du khách hoàn toàn có thể đi bộ ra đảo Điệp Sơn thoải mái.
Con đường này thường xuất hiện vào khoảng 6 giờ sáng mỗi ngày. Và khi đặt chân đến đảo Điệp Sơn, chắc chắn bạn sẽ bị thu hút và đắm chìm trong khung cảnh nơi đây.
Đảo Yến (Khánh Hòa)
Đảo là nơi sinh sống, làm tổ của hàng ngàn cá thể chim yến với trữ lượng yến thiên nhiên được khai thác lớn nhất Việt Nam. Đảo Yến còn sở hữu con đường giữa biển đẹp nhất nhì Việt Nam với bãi tắm đôi - một bên nóng, một bên lạnh.
Để ngắm bãi tắm đôi đẹp nhất thì bạn nên đến lúc gần trưa, lúc này biển vẫn xanh và nắng không bị quá gắt. Nếu chịu khó leo lên núi Hạ Du, bạn sẽ có thể ngắm nhìn toàn cảnh đảo Yến trong xanh rất ấn tượng.
Nhất Tự Sơn (Phú Yên)
Đây được xem điểm đến nổi tiếng dành cho những ai thích sự yên tĩnh và vắng người. Con đường giữa biển của Nhất Tự Sơn thường hiện ra khi thủy triều xuống, thường vào tầm 4 - 5 giờ chiều mỗi ngày.
Thông thường, từ mùng 1 đến 15 Âm lịch thì thủy triều sẽ rút vào buổi chiều, còn từ mùng 15 đến cuối tháng Âm lịch thì thủy triều sẽ rút vào buổi sáng. Chỉ cần căn thời gian theo quy luật ấy khi ghé thăm đảo, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng trọn vẹn con đường rẽ biển này.
Bình luận