Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội vừa đề xuất tổ chức hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp ở dọc sông Tô Lịch (đoạn gần Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) đến khu Cầu Giấy, quận Cầu Giấy) và tuyến đường quanh công viên Hòa Bình - đường Hoàng Minh Thảo (quận Bắc Từ Liêm). Dự kiến kinh phí cho thí điểm hai tuyến đường trên gần 10 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, tuyến dọc sông Tô Lịch được đầu tư 970 triệu đồng, tuyến xung quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo 8,8 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, để xây dựng làn xe đạp tại công viên Hòa Bình, thành phố cần sửa chữa vỉa hè, tạo đường ưu tiên cho xe đi hai chiều, rộng 3m. Đường Hoàng Minh Thảo sẽ tổ chức giao thông dành riêng cho xe đạp trên cơ sở làn xe hỗn hợp hiện có. Làn dành cho xe đạp mỗi chiều rộng 2m, phần 4,5m còn lại dành cho xe máy và xe thô sơ.
Tổng tuyến đường dành cho xe đạp dài khoảng 5,7km, trong đó khu vực đi trên vỉa hè quanh công viên Hòa Bình 1,8km, đi trên đường Hoàng Minh Thảo gần 4km.
Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất bổ sung 4 trạm xe đạp công cộng bao quanh khu vực công viên Hòa Bình, tăng cường kết nối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng lân cận.
Ghi nhận của PV, hiện tại vỉa hè khu xung quanh công viên Hòa Bình (mặt đường Phạm Văn Đồng) có hai hàng cây xanh mát, mặt đường tại khu vực này sạch đẹp, thu hút người dân đi bộ, đi xe đạp. Dọc tuyến đường cũng có các trạm xe buýt để phục vụ hành khách đi xe đạp kết nối với các tuyến vận tải công cộng.
Tuy nhiên, một số khu vực trên đường Hoàng Minh Thảo là nơi người dân trưng dụng để bán hàng rong. Đặc biệt, trên tuyến có rất nhiều điểm tập kết rác thải, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Tuyến đường dọc sông Tô Lịch đoạn từ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) đến quận Cầu Giấy dài 2,3km, rộng 4m, dự kiến được cải tạo thành đường dành cho xe đạp đi hai chiều rộng 3m và 1m dành cho người đi bộ. Tuyến đường này kết nối với ga Láng của đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và ga số 8 của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội.
Ngoài ra, tuyến đường sẽ kết nối với các tuyến xe buýt trên đường Láng thông qua 6 trạm chờ. Các đơn vị liên quan sẽ bổ sung 6 trạm xe đạp công cộng dọc tuyến.
Đường đi bộ dọc sông Tô Lịch được Sở GTVT Hà Nội đầu tư xây dựng năm 2019 với kinh phí 64 tỷ đồng. Hiện nay, một số đoạn nền đường đã xuống cấp, lan can hoen rỉ... Đặc biệt, khu vực này thường xuyên thành điểm tập kết rác thải và nơi đỗ xe ô tô.
Anh Lê Văn Vinh (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh rất vui khi biết trên tuyến đường đi bộ này được đề xuất mở đường dành cho xe đạp. "Tôi thấy lượng phương tiện di chuyển qua tuyến đường rất đông đúc. Việc mở tuyến đường dành cho xe đạp sẽ giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông", anh Vinh nói.
Tại mỗi điểm giao đều có rào chắn và biển báo cấm xe máy, ô tô. Đây từng là dự án được kỳ vọng rất nhiều để thay đổi bộ mặt hai bên bờ sông Tô Lịch.
Tại khu vực cầu 361 - Nguyễn Khang, người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi bán nước, bịt kín lối đi của người đi bộ.
Những bãi rác tự phát, cỏ mọc um tùm, không được cắt tỉa thường xuyên.
Bình luận