Liên quan đến vụ việc gian lận phiếu bầu, một xã ở Thái Bình phải tổ chức lại Đại hội Đảng bộ, tối 20/5, đại diện UBND huyện Kiến Xương (Thái Bình) cho biết, cán bộ xã An Bình (Kiến Xương) gian lận phiếu bầu trong công tác bầu cử tại Đại hội Đảng bộ cơ sở vừa bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Đối với hành vi của ông Nguyễn Xuân Hoài - Cán bộ văn thư xã An Bình, tổ trưởng Tổ bầu cử Đại hội Đảng bộ xã có hành vi gian lận phiếu bầu (20 phiếu bầu khống, gạch tên người được bầu) làm cho Đảng bộ xã An Bình phải tổ chức lại Đại hội, trả lời PV VTC News, Luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, với hành vi giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu, làm sai lệch kết quả bầu cử, ông Hoài sẽ bị truy tố theo Điều 161 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Việc làm trên của ông Hoài khiến Đại hội Đảng bộ xã An Bình phải tổ chức lại việc bầu cử là tình tiết định khung theo khoản 2 của điều 161, mức hình phạt từ 1 năm đến 3 năm tù giam.
Cụ thể, Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân: Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử, tổ chức trưng cầu ý dân mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Có tổ chức; dẫn đến phải tổ chức lại việc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm.
"Xét hành vi khách quan, ông Hoài có hành vi giả mạo giấy tờ (lập các phiếu bầu giả), gian lận phiếu bầu (bớt phiếu bầu cho Bí thư Đoàn thanh niên của xã) nhằm mục đích làm sai lệch kết quả bầu cử theo ý mình.
Hành vi do lỗi cố ý của ông Hoài. Hậu quả của hành vi chưa xảy ra vì đã bị phát hiện kịp thời, tuy nhiên, đối với tội danh này thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm này, vì chỉ cần người phạm tội có hành vi giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử là tội phạm đã hoàn thành.
Việc kết quả bầu cử có bị làm sai lệch hay không chỉ có ý nghĩa đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi quy định hình phạt", Luật sư Nguyễn Minh Long cho biết.
Bình luận