Xử lý nghiêm
Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về một cán bộ xã ở tỉnh Thái Bình có hành động gian lận trong công tác bầu cử khiến dư luận xôn xao, bất bình.
Cụ thể, ngày 13/5/2020, sau khi các đại biểu dự Đảng bộ xã An Bình (huyện Kiến Xương, Thái Bình) thực hiện xong phần bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, với vai trò là Trưởng ban kiểm phiếu, ông Nguyễn Xuân Hoài (SN 1962, là văn thư, thủ quỹ tại xã này) đã bê hòm phiếu từ tầng 2 xuống tầng 1 hội trường UBND xã để kiểm phiếu.
Lợi dụng sự lơ là của các thành viên Tổ kiểm phiếu, ông Hoài đã lấy hàng chục phiếu bầu cất giấu vào ngăn kéo tại phòng và định đánh tráo bằng các phiếu bầu chuẩn bị sẵn. Hành vi này bị phát hiện và Đại hội đã phải dừng lại.
Sau đó, ông Nguyễn Xuân Hoài bị khai trừ ra khỏi Đảng, đồng thời bị miễn nhiệm tư cách dự Đaị đội đại biểu Đảng bộ xã.
Ông Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp khẳng định, vụ việc ở Đảng bộ xã An Bình đã vi phạm trắng trợn Quy chế bầu cử trong Đảng, cần xử lý nghiêm minh, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân vi phạm, làm rõ nguyên nhân vì sao Trưởng ban kiểm phiếu lại có hành vi đánh tráo phiếu bầu để chọn người này, loại người kia.
“Cần xử lý nghiêm minh cá nhân vi phạm trong vụ việc này nhằm răn đe, phòng ngừa những trường hợp có ý đồ vi phạm bầu cử trong Đảng. Đây là bài học cho toàn Đảng, cho công tác chuẩn bị bầu cử tại Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng” – đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Bàn luận về vụ việc này, ông Lê Thanh Vân (đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau) cho rằng, việc Chi bộ thôn Bình Trật Bắc quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Hoài là thỏa đáng, bởi đây là hình thức xử lý cao nhất theo Điều lệ Đảng.
“Gian lận bầu cử gây hậu quả rất lớn nên cần phải xác định rõ tổ chức, cá nhân nào cố ý vi phạm nhằm mục đích thay đổi kết quả bầu cử để xử lý nghiêm theo điều lệ Đảng, vì 1 cá nhân thành viên ban kiểm phiếu tự bê thùng phiếu đi như vậy không phải là ngẫu nhiên. Vậy cá nhân, tổ chức nào đứng đằng sau vụ việc này?” - ông Lê Thanh Vân đặt câu hỏi.
Phân tích về hệ quả của việc gian lận trong bầu cử, ông Lê Thanh Vân cho biết, về mặt chính trị, hành vi gian dối này nếu thực hiện trót lọt sẽ làm hủy hoại uy tín, thanh danh của Đảng, của Nhà nước qua cơ chế bầu cử.
Việc gian lận nhằm mục đích đưa những người cùng phe cánh vào cấp ủy, vào bộ máy lãnh đạo. Từ đó, những người không xứng đáng này có cơ hội chui sâu, leo cao vào bộ máy, sử dụng hệ thống pháp luật theo hướng có lợi cho mình, thậm chí còn vi phạm pháp luật.
“Bằng cách gian lận bầu cử, họ đưa vào bộ máy những người không xứng đáng, khiến nhân dân bất bình, đòi hỏi phải xử lý nghiêm khắc trường hợp vi phạm bầu cử cũng như vi phạm pháp luật, điều lệ Đảng” – ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Giám sát chặt chẽ quá trình bầu cử
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, từ vụ việc ở Thái Bình đặt ra yêu cầu về nâng cao vai trò giám sát, cũng như cần phải có cách thức tổ chức bầu cử đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.
Bầu cử nói chung trước hết phải kiểm soát ngay từ đầu với quy trình chặt chẽ, quy trình đó thể hiện cụ thể như thời gian, thành phần, địa điểm tổ chức và những thành phần bảo đảm khác.
Nếu không quy định chặt chẽ, ngặt nghèo từ việc quản lý con dấu, phiếu bầu, số lượng phiếu với sự giám sát từ nhiều phía thì những cá nhân gian trá dễ dàng qua mắt.
Hơn nữa, việc kiểm phiếu phải có sự giám sát chặt chẽ từ lúc bỏ phiếu, bê thùng phiếu cho đến quá trình kiểm phiếu; đồng thời phải có cơ chế kiểm soát phiếu bầu ngay từ đầu, từ lúc đóng dấu, phát thành, cho đến số lượng phiếu phát ra, thu về, “việc này phải có sự kiểm tra chéo chứ không thể để cho 1 người phụ trách”.
“Đảng ta là Đảng cầm quyền, cho nên hậu quả từ việc gian lận bầu cử trong cơ quan Đảng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về bố trí nhân sự trong bộ máy Nhà nước.
Đại hội Đảng các cấp ngoài Văn kiện Đại hội còn có nội dung rất quan trọng đó là khâu lựa chọn nhân sự cho cấp ủy, chính quyền địa phương, cho nên hoàn toàn có thể sử dụng pháp luật để xử lý nghiêm khắc trường hợp này” – đại biểu đoàn Cà Mau nêu ý kiến về trường hợp vi phạm trong bầu cử ở Thái Bình.
Còn đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, theo quy định, Ban kiểm phiếu do Đoàn Chủ tịch giới thiệu, được đại hội biểu quyết thông qua. Đây là bộ phận rất quan trọng, phải là những cá nhân trung thực, khách quan, công tâm, vô tư, không có tên trong danh sách ứng cử, đề cử, đặc biệt không “thân quen” với lãnh đạo.
Để đảm bảo công bằng, khách quan, tránh những tiêu cực không đáng có trong quá trình kiểm phiếu, theo ông Hòa, cần quy định thêm thành viên tham gia đoàn giám sát tổ kiểm phiếu gồm thành viên Đoàn chủ tịch (không có trong danh sách ứng cử), đại diện đoàn cấp trên dự đại hội.
“Với cơ chế giám sát chặt chẽ như vậy sẽ phát huy được tinh thần trách nhiệm của Ban kiểm phiếu cũng như đảm bảo kết quả bầu cử khách quan, trung thực”- ông Phạm Văn Hòa nói.
Bình luận