• Zalo

Cán bộ xã đá thau cá của dân: Phải xử lý nghiêm người dân vi phạm

Thời sựThứ Sáu, 06/10/2017 13:08:00 +07:00Google News

Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm người dân bán hàng dưới lòng đường, vỉa hè trong vụ việc cán bộ đá thau cá ở Đắk Lắk.

Video "Trưởng công an xã dẹp vỉa hè đá bay hàng hóa của dân" ở Đắk Lắk đang được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Khi báo chí phản ánh, vị Trưởng công an xã đã lên tiếng giải trình về hành vi của mình và gửi lời xin lỗi người dân.

Hành vi của vị cán bộ này là không đúng, đã phải viết kiểm điểm, bị cấp trên khiển trách và chờ xử lý. Nhưng tại sao họ phải làm thế? Rõ ràng, nguồn cơn của sự việc này bắt nguồn từ sự vô ý thức, bất chấp vi phạm pháp luật để mưu sinh của những người dân buôn bán trên vỉa hè lòng đường.

Video: Trưởng công an xã dẹp vỉa hè đá thau cá của người dân

Có ý kiến cho rằng, qua vụ việc này không chỉ xử lý cán bộ, không thể để người dân vi phạm hả hê khi cán bộ bị xử lý, còn mình thì vô can, được đà tiếp tục làm sai. Nếu cứ thế này, họ sẽ thành kiêu binh, không bao giờ chấp hành pháp luật.

Bình luận về sự việc, bà Phan Thu Lê, giảng viên trường Đại học Thành Đông, nghiên cứu sinh luật Học Viện Khoa học Xã hội chia sẻ: "Việc vị Trưởng công an xã đi dẹp trật tự vỉa hè, lòng đường là đúng nhưng hành vi "đá thúng đụng nia" của người này là sai trái. Tuy nhiên, về góc độ pháp luật, cần nhìn từ nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hành động được cho là phản cảm đó.”

Bà Lê cho rằng, chắc chắn người dân họ biết việc buôn bán dưới lòng lề đường là sai nhưng họ vẫn cố tình vi phạm. Họ nói rằng đó là vì mưu sinh, vì cuộc sống khó khăn...nên bất đắc dĩ phải vi phạm. Cái vi phạm của người dân không phải ngày một ngày hai mà đã từ rất lâu rồi nhưng lực lượng chức năng không thể xử lý hết được.

"Một số người dân lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng để làm vống lên sự việc. Thế nhưng, chính bản thân người dân cũng cần xem xét lại những hành vi của mình. Không thể cứ lấy mãi lý do vì mưu sinh mà vi phạm pháp luật. Cả xã hội mà dựa vào lý do mưu sinh để vi phạm pháp luật thì xã hội chúng ta sẽ loạn đến đâu. Trước pháp luật, mọi người đều bình đẳng như nhau. Không thể phân biệt giàu nghèo, sang hèn hay lý do mưu sinh để vi phạm pháp luật.

Pháp luật là những quy phạm được đặt ra để điều chỉnh hành vi của con người nằm trong những khuôn khổ nhất định. Không thể vì một hành vi bộc phát đó để lợi dụng rồi tiếp tục vi phạm. Tôi cho rằng cần xử lý nghiêm những vi phạm của người dân. 

capture2-1706141-1358255

Hình ảnh cắt từ clip. 

Nếu chúng ta cứ xoáy sâu vào lỗi của ông trưởng công an thì rõ ràng hành vi vi phạm pháp luật của người dân sẽ bị lu mờ đi. Nếu chỉ là lần một, lần hai sẽ không bao giờ ông Trưởng công an xã có hành động như thế. Hành động của vị cán bộ còn thể hiện việc bất lực trước những vi phạm tràn lan, triền miên của người dân", bà Lê phân tích.

Cũng theo bà Phan Thu Lê, việc người dân buôn bán lấn chiếm lòng lề đường gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra chỉ vì người dân vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường. Chúng ta phải đánh mạnh vào việc nâng cao ý thức của người dân để buộc họ phải tuân thủ pháp luật. Đó cũng chính là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bức xúc chung của xã hội.

 
Nếu không có việc dừng xe ở lề đường mua hàng, không có việc người bán tràn xuống đường sẽ không có chuyện vị công an bức xúc như trên.

PGS.TS Lê Quý Đức

Trong khi đó, PGS.TS Lê Quý Đức - Phó viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển cũng bày tỏ quan điểm, dư luận nên dừng lại hành động phê phán, chỉ trích ông Trưởng công an xã. Thay vào đó, những người đang quan tâm đến vụ việc nên nhìn lại chính bản thân mình.

"Vì sao mà những người bán hàng nhất thiết phải bày biện hàng hóa xuống lòng đường, vỉa hè bất chấp cả tính mạng của mình và người đi đường. Bởi vì đó là nhu cầu của người mua hàng, nhu cầu của người Việt là muốn tiện cho bản thân mà bỏ qua những quy định của pháp luật. Nếu không có việc dừng xe ở lề đường mua hàng, không có việc người bán tràn xuống đường sẽ không có chuyện vị công an bức xúc như trên. Đây là vấn đề chung của cả xã hội chúng ta chứ lỗi không của riêng ông Trưởng công an xã", PGS.TS Lê Quý Đức nhận định.

Ông Đức cho rằng, liệu khi vị công an xin lỗi công khai, những người dân kia có còn vi phạm nữa hay không? Hay ngay hôm nay, ngày mai và cả những ngày sau nữa họ vẫn tiếp tục bất chấp luật pháp, vô tư bán hàng trên lòng đường, vỉa hè.

"Xin lỗi không giải quyết được vấn đề. Vấn đề ở đây là ý thức chung của toàn xã hội, là việc nâng cao cơ sở hạ tầng và ý thức pháp luật của người dân. Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Nếu người công an đã nhận thức được hành vi của mình và điều chỉnh hành vi đó thì chúng ta nên cảm thông, chia sẻ. Chúng ta nên nhìn sự việc rộng hơn để thấy vấn đề nhỏ nhưng chứa đựng trong đó nhiều bức xúc của xã hội. Tất cả đều phải điều chỉnh chứ không phải riêng ông trưởng công an", PGS.TS Lê Quý Đức nói.

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn