Video: Giám đốc 'né' phóng viên, trưởng khoa bị truy xét ở bệnh viện tâm thần
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vừa khởi tố kẻ cầm đầu Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, trú tại tổ 22 khu Ga, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) và 5 đồng phạm trong đường dây lập "động bay lắc", mua bán trái phép chất ma túy ngay trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (huyện Thường Tín, TP Hà Nội).
Đáng chú ý, trong số này có Nguyễn Anh Vũ (Kỹ thuật viên Khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) bị khởi tố về tội "Không tố giác tội phạm", theo Điều 390 Bộ luật Hình sự.
Trả lời VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sự TP Hà Nội) nhận định, trong thời gian tới, cơ quan công an sẽ tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án và cần làm rõ thêm hành vi buông lỏng quản lý, tiếp tay, thậm chí giúp sức cho hành vi "Mua bán, Tàng trữ, Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" để có căn cứ xử lý các cán bộ hoặc lãnh đạo bệnh viện liên quan.
"Đây là vụ án nghiêm trọng gây chấn động dư luận xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Không chỉ bệnh nhân trong bệnh viện thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà còn có dấu hiệu giúp sức, tiếp tay, thậm chí đồng phạm của một số cán bộ bệnh viện. Trong đó, có nhiều sai phạm từ hành chính đến dấu hiệu hình sự có thể nhìn thấy trong vụ việc này", luật sư Cường nhận định.
Theo luật sư Cường, để xảy ra việc bệnh nhân cải tạo phòng điều trị của bệnh viện tâm thần trở thành phòng "bay lắc", mua bán ma túy cho thấy sự buông lỏng quản lý, thậm chí làm ngơ của lực lượng cán bộ bệnh viện.
Đối với việc này, những cán bộ phụ trách và lãnh đạo bệnh viện có thể bị xem xét xử lý kỷ luật ở mức cao nhất, đồng thời có thể xem xét xử lý hình sự các tội về chức vụ.
Ngoài Nguyễn Anh Vũ bị khởi tố về tội "Không tố giác tội phạm", nếu cơ quan điều tra xác định được cán bộ khác của bệnh viện tham gia vào việc buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma tuý thì những người này sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" theo Điều 255 Bộ luật Hình sự hoặc tội "Chứa chấp người khác sử dụng trái phép chất ma túy" quy định tại Điều 256 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, nếu cơ quan công an xác định cán bộ bệnh viện nhận tiền để tiếp tay, giúp sức cho các đối tượng mặc sức tung hoành, sử dụng trái phép chất ma túy trong bệnh viện thì có thể bị xử lý về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.
Trong số các tội danh trên, hình phạt cao nhất mà những cán bộ, lãnh đạo bệnh viện có thể phải đối mặt là mức án tử hình trong quy định về tội "Nhận hối lộ".
"Những năm gần đây, cơ quan bảo vệ pháp luật liên tục phát hiện ra nhiều kẻ phạm tội có giấy chứng nhận tâm thần giả. Những giấy chứng nhận này được cấp từ một số cán cán bộ, bác sĩ thiếu đạo đức nghề nghiệp, bất chấp pháp luật và bị cám dỗ vật chất.
Những giấy chứng nhận tâm thần giả là bùa hộ mệnh cho các đối tượng giang hồ cộm cán thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Do đó, ngoài việc xử lý hình sự các đối tượng tội phạm về ma túy thì không thể không xem xét đến trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo đơn vị này. Cần phải làm rõ và xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật, đồng thời cần phát hiện loại bỏ các cán bộ, bác sĩ không đủ đạo đức ra khỏi bộ máy y tế", luật sư Cường nói.
Còn về hành vi của kẻ cầm đầu Nguyễn Xuân Quý và đàn em, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đây là hành vi thể hiện sự lộng hành, coi thường pháp luật nên cơ quan công an khởi tố Quý về tội "Mua bán, Tàng trữ, Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" là đúng người, đúng tội.
Theo Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015 tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" và Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015 "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" thì khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. Trong khi, mức án cao nhất cho tội "Mua bán trái phép chất ma túy" là tử hình, theo Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015. Như vậy, tổng hợp các tình tiết, mức án cao nhất Quý và đồng bọn có thể phải đối mặt là tử hình.
Bình luận