Như VTC News đã phản ảnh qua bài viết Cán bộ ngân hàng ngang nhiên đánh lộn ngay tại tòa, về vụ việc bà Nguyễn Thị Lụa (sn 1966, trú thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) bị cán bộ ngân hàng Nông nghiệp Đông Gia Lai Võ Thị Như Băng (sn 1981, trú phường Tây Sơn, TP. Pleiku) đánh ngay tại tòa khi đang hòa giải tranh chấp hợp đồng dân sự.
Trước đó, theo thông báo kết quả giải quyết tố giác về tội phạm số 11/TB-CSĐT ngày 10/7/2017 của Công an huyện Ia Grai (Gia Lai), khoảng 6h ngày 10/11/2016, vợ chồng bà Nguyễn Thị Lụa (SN 1966, trú thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) và vợ chồng bà Võ Thị Như Băng (SN 1981, trú phường Tây Sơn, TP. Pleiku) đến Tòa án nhân dân huyện Ia Grai để hòa giải tranh chấp dân sự với nhau.
Đến khoảng 11h30 cùng ngày, khi việc hòa giải không thành, hai bên có xảy ra tranh cãi, bà Băng đã xông vào túm tóc, đấm đá túi bụi bà Lụa kéo xuống nền nhà ngay tại phòng làm việc của thẩm phán Lưu Anh Tuấn. Mọi người thấy vậy xông vào can ngăn thì bà Băng mới chịu dừng tay.
Kết quả giám định pháp y về thương tích số 117/TgT-TTPY ngày 19/5/2017 của Trung tâm pháp y Gia Lai kết luận, bà Lụa bị tổn hại 4% sức khỏe.
Công an huyện Ia Grai xác định, việc bà Băng gây thương tích cho bà Lụa là có thật, song chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Vì vậy, Công an huyện Ia Grai đã kết thúc điều tra, ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Băng về hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác.
“Tôi bị đánh rạn xương sườn số 7, khắp người đầy thương tích, đau đớn vô cùng. Song điều khó hiểu là sự việc xảy ra vào ngày 11/10/2017 nhưng mãi đến ngày 7/5/2017, nghĩa là hơn 7 tháng sau cơ quan điều tra mới đưa tôi đi giám định thương tích, thử hỏi kết quả như trên liệu có còn khách quan?”, bà Lụa bức xúc hỏi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, bà Băng hiện đang làm ở chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đông Gia Lai (trụ sở TP. Pleiku).
Bà Lụa đã gửi đơn tố cáo đến Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Gia Lai để tố cáo việc bị bà Băng gây tổn hại sức khỏe nhưng cơ quan này không hề hồi đáp.
Sự việc kéo dài tới 3 năm. Hồ sơ cho thấy, nội tình vụ án có quá nhiều uẩn khúc. Vụ án đã hai lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm lần 1 tòa tuyên hủy án.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 1, vợ chồng bà Lụa bị vợ chồng bà Băng khởi kiện, nghĩa là đứng vai trò bị đơn.
Sau khi Tòa án nhân dân huyện Ia Grai tuyên án sơ thẩm lần I, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phát hiện có quá nhiều sai phạm nên ra quyết định kháng nghị bản án, vợ chồng bà Lụa cũng làm đơn kháng cáo và hội đồng xét xử phúc thẩm lần I đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, tiến hành xử lại.
Song kỳ lạ thay, ở giai đoạn sơ thẩm lần II, vợ chồng bà Lụa bỗng trở thành nguyên đơn và ngược lại vợ chồng bà Băng là bị đơn(?).
Vào ngày 7/7/2017, Hội đồng xét xử phúc thẩm lần II do thẩm phán Võ Đình Sớm làm chủ tọa đã ra quyết định mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vào ngày 28/7/2017.
Tại bản triệu tập những người tham gia phiên tòa không có đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai thực hành quyền công tố.
Đến ngày 28/7/2017, hội đồng xét xử tuyên hoãn phiên tòa vì nguyên đơn là vợ chồng bà Lụa đề nghị triệu tập thêm người làm chứng và yêu cầu bị đơn Băng phải có mặt. Phiên tòa ngày 15/8/2017, Hội đồng xét xử cũng tuyên hoãn vì lý do tương tự. Dự kiến, ngày 24/8/2017 phiên tòa sẽ mở lại.
Bà Lụa cho rằng không hiểu vì sao mình từ vai trò bị đơn lại biến thành nguyên đơn và thẩm phán Võ Đình Sớm có dấu hiệu không khách quan khi thực hiện công vụ.
“Ông Sớm đã từng nhận hối lộ, giờ làm chủ tọa vụ này tôi cảm thấy không yên tâm nên đã làm đơn đề nghị thay đổi thẩm phán”, bà Lụa cho biết.
Ông Võ Đình Sớm - Thẩm phán trung cấp, Chánh toà Toà Kinh tế Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai bị phát hiện có hành vi tư vấn pháp luật và có nhận số tiền 10 triệu đồng để giúp nguyên đơn trong một vụ án dân sự “tranh chấp quyền sử dụng đất” ở giai đoạn phúc thẩm.
Video: Hành trình chạy án dang dớ của 1 thẩm phán
Tại Công văn số 350/TB-TCCB ngày 20/11/2014, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đánh giá hành vi của ông Sớm là vi phạm đạo đức của thẩm phán, công chức ngành Toà án; gây nên dư luận xấu trong nhân dân; làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Thẩm phán, công chức ngành Toà án.
Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hảo (phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai) cho biết ông Sớm sau vụ đó đã bị cơ quan kỷ luật cảnh cáo, hiện đã hết thời hiệu kỷ luật nên thẩm phán này vẫn được xét xử bình thường.
“Nếu, đương sự chứng minh được ông Sớm thực hành công vụ không khách quan thì Tòa án sẽ xem xét thay đổi thẩm phán này”, ông Hảo nói.
Bình luận