Đánh ông tiến sĩ già
Vụ việc gần đây nhất xảy ra vào sáng 5/11 trên đường Trần Đại Nghĩa – Hà Nội. Khi tiến sỹ Nguyễn K. (76 tuổi, từng giảng dạy tại ĐH Bách Khoa HN) đi tập thể dục về thì va chạm với một phụ nữ đi xe máy ngược chiều.
Trong khi cả hai bên chưa kịp phản ứng gì thì một thanh niên đi ô tô phía sau nhảy xuống đấm túi bụi vào mặt ông giáo già khiến ông ngã xuống đường, máu mồm, máu mũi chảy ra đầm đìa.
Thấy bất bình, người đi đường mới xúm lại can ngăn và phân tích cho người thanh niên biết nguyên nhân xảy ra là do lỗi của cô gái.
Trước thái độ kiên quyết của mọi người anh ta đành xin lỗi và xin chở ông giáo đi cấp cứu. Lúc này mới lộ diện anh ta là chồng cô gái gây ra tai nạn.
Và một điều bất ngờ, người này lại là Phó giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ đối ngoại - đơn vị sự nghiệp của Sở Ngoại vụ Hà Nội.
“Còn một điều đáng suy ngẫm là sau tai nạn nhiều người thúc giục ông giáo khởi kiện người thanh niên nhưng ông một mực từ chối. Ông bảo rằng ông chỉ muốn sống yên bình chứ không muốn dây với bọn bất lương”, người đăng sự việc lên facebook viết.
Đánh nữ nhân viên cây xăng
Trước đó, vào sáng 24/10, ông Hoàng Hữu Đức (cán bộ Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam, chi nhánh Nghệ An) đi xe ô tô 4 chỗ đến cây xăng Nghi Phú (Nghệ An) mua xăng với số tiền 500.000 đồng rồi rời khỏi cây xăng.
Chừng 10 phút sau, ông Đức quay lại thắc mắc chị N.T. Ng. - nhân viên bán xăng bơm không chính xác. Sau đó, ông Đức lấy cò bơm xăng đánh vào đầu chị Ng. gây chảy máu.
Giải thích về hành động trên, vị cán bộ ngân hàng cho biết: “Tôi nóng quá, vì đặt niềm tin vào chiếc xe của tôi, xe mới mua có 1 tháng mà đã hỏng kim xăng. Hành động lỡ tay giật vòi bơm xăng chỉ là vô ý mục đích để chị Ng. đổ lại xăng cho tôi, ai ngờ lại khiến chị ấy chảy máu, tôi rất hối hận”.
Liên quan đến vụ việc, chị Ng. đã đi làm bình thường trở lại và có đơn đề nghị gửi công an xã Nghi Phú, Công an TP Vinh không xử lý ông Đức.
Tuy nhiên, ông Đức vẫn bị cơ quan tạm đình chỉ công tác.
Đánh nhân viên thu phí
Trưa 29/10, tại trạm thu phí quốc lộ 6 huyện Lương Sơn (Hòa Bình), ông Trần Quang Lâm lái ô tô đi vào làn thu phí hướng Hòa Bình - Hà Nội. Nhân viên Đặng Văn Ngọc đề nghị dừng mua vé qua trạm nhưng ông Lâm không mua mà còn lăng mạ.
Camera giám sát cho thấy ông Lâm đã tát, lao người qua cửa sổ cabin đạp nhân viên Ngọc. Anh Ngọc đã phản ứng tự vệ, đẩy ông Lâm ra ngoài. Vào can ngăn, nhân viên phân làn Lê Đức Dũng cũng bị ông Lâm đấm vào ngực.
Đáng chú ý, ông Trần Quang Lâm lại là cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Lương Sơn. Được biết, ông Lâm đánh người trong tình trạng nồng nặc mùi rượu.
Sau sự việc lùm xùm đó, ông Trần Quang Lâm đã bị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình đình chỉ công tác.
Hành hung nữ nhân viên hàng không
Sự việc tốn nhiều giấy mực nhất trong thời gian qua có lẽ là vụ hai hành khách ngang nhiên hành hung nữ nhân viên hàng không ngay tại sân bay Nội Bài chiều 18/10.
Theo cơ quan chức năng, vụ việc xảy ra tại khu C, tầng hai nhà ga hành khách T1.
Hành khách Đào Vịnh Thuấn có hành vi túm vai áo chị NLQA - Đội phó Đội Dịch vụ hàng không chuyến bay.
Cùng lúc này hành khách Trần Dương Tùng (người đi cùng anh Thuấn) lao vào đánh mạnh nhiều cái vào đầu chị QA khiến chị này choáng váng, buồn nôn, phải nhập bệnh viện Xanh Pôn kiểm tra.
Được biết, ông Đào Vịnh Thuấn (37 tuổi, Hà Nội) là cán bộ đội thanh tra cầu đường bộ trực thuộc Thanh tra Sở GTVT Hà Nội. Sau khi sự việc xảy ra, ông Đào Vịnh Thuấn đã bị tạm đình chỉ công tác.
Ngoài ra, Cục Hàng không cũng quyết định cấm bay 12 tháng đối với hành khách Trần Dương Tùng, cấm bay 6 tháng đối với ông Đào Vịnh Thuấn.
Ngôn từ bất lực, bạo lực lên ngôi
Sau hàng loạt những vụ cán bộ công chức ra tay đánh người, dư luận tỏ rõ sự phẫn nộ và lên án gay gắt cách hành xử "côn đồ" của những người có học thức.
Anh Quang Huy (Q.9, TP.HCM) nói: “Thanh niên lại là công chức nhà nước mà đánh ông già, phụ nữ là hành động không thể chấp nhận được. Quá tệ hại về cả mặt đạo đức và pháp luật”.
Nhiều bạn đọc phẫn nộ cho rằng, các anh cán bộ đường đường là đàn ông mà lại ra tay đánh phụ nữ, người già - những người yếu thế hơn mình. Chuyện đúng sai gì không biết, nhưng chỉ việc thấy đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn là không văn minh, thiếu đạo đức.
Và mới đây, trả lời PV VTC News về vụ cán bộ Sở Ngoại vụ đánh tiến sĩ 76 tuổi, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói: "Điều đó không thể chấp nhận được, dư luận cũng không thể chấp nhận được. Thực tế, lên đến chức vụ đó cũng được học hành đến nơi đến chốn, có hiểu biết mà lại hành xử như vậy là không được và phải xử lý nặng”.
Video: Chậm chuyến, hai nam hành khách lăng mạ, đánh nữ nhân viên sân bay Nội Bài
Chia sẻ trên Báo Tuổi Trẻ, ThS tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung cho rằng: “Có rất nhiều người nghĩ khi dùng vũ lực sẽ chấm dứt mâu thuẫn. Bạo lực được dùng như cách cuối cùng để thể hiện sức mạnh, bản lĩnh của cá nhân trong việc giải quyết vấn đề. Nhưng đó là một quan niệm sai lầm”.
Việc dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn thể hiện con người đang cư xử với nhau bằng bản năng nhiều hơn, cạn kiệt về ý tưởng và khả năng kiểm soát cảm xúc để tìm ra cách để giải quyết vấn đề.
Bản chất của mâu thuẫn là không ai chấp nhận mình sai và không ai dám thừa nhận là người kia đúng.
Ai cũng muốn giành phần đúng về mình và khi nhu cầu giành phần đúng về mình không được người kia thừa nhận thì mâu thuẫn lên đỉnh điểm.
Khi xảy ra mâu thuẫn, nếu chúng ta không có điều kiện tìm đến cơ quan chính quyền để can thiệp thì các bên nên bình tâm nhìn lại xem mình đúng chỗ nào, mình chưa đúng chỗ nào.
Nếu mình chưa đúng thì nên can đảm thừa nhận. Một lời xin lỗi không ảnh hưởng đến lòng tự trọng, đến “cái tôi” mà còn thể hiện mình là người sống bản lĩnh.
Bình luận