Gần 1 tháng qua, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (cơ quan chịu trách nhiệm công bố các bản tin cảnh báo bão) sáng đèn suốt đêm.
Rạng sáng 28/10, thời điểm bão số 9 mạnh nhất 20 năm qua chuẩn bị đổ bộ đất liền các tỉnh Đà Nẵng - Phú Yên, tại tầng 12 (Trung tâm điều hành tác nghiệp khí tượng thủy văn), từ giám đốc đến các bộ phận liên quan đều làm việc thâu đêm để cập nhật diễn biến cơn bão.
Chị Nguyễn Thị Thanh Bình, dự báo viên Phòng Dự báo số viễn thám chia sẻ, công việc của chị và đồng nghiệp không phải chỉ làm 8 tiếng hành chính rồi về mà phải làm việc không kể ngày đêm.
“Ngày hôm qua tôi làm hành chính, chiều tôi về sớm hơn 1 tiếng, 19h tối tôi phải đến cơ quan để 19h30 có mặt và sẽ duy trì ca trực cho tới 7h30 hôm sau. Như vậy, chưa tính thời gian làm ban ngày mà tính thời gian làm ban đêm là chúng tôi làm 12 tiếng liên tục không nghỉ chút nào, không rời khỏi màn hình máy tính”, chị Nguyễn Thị Thanh Bình chia sẻ.
Để có được bản tin về bão phục vụ người dân xem vài tiếng một lần, chưa kể những bản tin nhanh, các dự báo viên phải cập nhập ảnh mây vệ tinh, ảnh radar và một loạt mạng radar quét 10 phút một lần để cập nhật số liệu mới, xem xét đường di chuyển của bão thay đổi thế nào và cường độ ra sao. Bởi khi vào gần bờ, mỗi thay đổi nhỏ của cơn bão đều rất quan trọng. Bão càng tiến gần bờ thì công việc của dự báo viên càng bận hơn rất nhiều lần.
“Theo dõi 10 phút một lần như vậy thì 1 tiếng chúng tôi phải ra được một bản tin nhanh của cơn bão, sau từ 2 -3 tiếng chúng tôi phải họp nhóm để ra một bản tin chính thức của cơn bão và tất cả chỉ mong thiệt hại ít nhất”, chị Bình nói.
1h ngày 28/10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nghe các chuyên viên báo cáo về diễn biến bão số 9 trên hệ thống radar và mức độ ảnh hưởng qua số liệu của các trạm quan trắc địa phương.
Người đứng đầu cơ quan dự báo khí tượng tiếp tục tham vấn, trao đổi nghiệp vụ với các dự báo viên ở từng vị trí khác nhau để thống nhất các khả năng nhận định cho bản tin bão khẩn cấp của cơn bão số 9, phát lúc 2h30.
Các dự báo viên mỗi người mỗi hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng những ngày tình hình thiên tai bão lũ căng thẳng như hiện nay họ đều phải thức trắng đêm miệt mài làm việc.
Đối với những cán bộ nữ, họ sẽ có nhiều áp lực hơn bởi ngoài công việc ở cơ quan thì họ còn phải lo công việc của gia đình và con cái. Những dự báo viên có con còn nhỏ thì thực sự phải cố gắng lớn để chu toàn được việc nước, việc nhà.
“Tuy nhiên, khi chúng tôi đã ngồi trong Trung tâm điều hành tác nghiệp Khí tượng Thủy văn và với những áp lực tình huống bão lũ thế này thì chúng tôi quên đi hết những việc mình còn đang làm dở dang ở gia đình”,cán bộ khí tượng chia sẻ.
Chị Bình cho biết, sau mỗi ca trực, những dự báo viên như chị vẫn chưa thực sự thoải mái đầu óc. Họ phải xem diễn biến cơn bão thế nào, xem báo chí đưa những thiệt hại ra sao, rồi thời tiết xảy ra có sát với những thông tin trung tâm dự báo hay không để xem xét lại và nghiên cứu thêm. Do đó, một ca trực của dự báo viên rất dài, thậm chí nó còn chiếm cả tâm trí ở quãng thời gian sau đó.
Tháng 10 vừa qua có rất nhiều bão, lũ và áp thấp nhiệt đới. Cơn bão số 8 vừa mới kết thúc thì tiếp tục phát tin cơn bão số 9. Công việc của dự báo viên không đếm ngày đếm tháng, không đếm thứ Bảy, Chủ nhật mà đếm trên từng cơn bão, đếm theo từng trận lũ, trận mưa.
Với mỗi cơn bão thường người dân sẽ chỉ chú ý khi bắt đầu tác động vào đất liền và ven biển. Nhưng với mỗi dự báo viên thời tiết, áp lực đặt lên họ là thời điểm khi bão chưa vào Biển Đông. Sau đó, các dự báo viên còn theo nó suốt cả một chặng đường.
Công việc của dự báo viên không chỉ căng thẳng khi bão tác động đến, nhìn thấy mưa lớn, gió mạnh mà căng thẳng ngay từ khi bão hình thành đầu tiên. Ai cũng ý thức được, những thông tin dự báo sớm đưa ra càng chính xác bao nhiêu thì công tác phòng chống thiên tai càng hiệu quả bấy nhiêu.
Bình luận