• Zalo

Cán bộ có thể sai nhưng nhân dân thì không sai

Thời sựThứ Sáu, 23/10/2015 11:26:00 +07:00Google News

GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Ủy viên hội đồng lý luận Trung ương cho rằng cán bộ có thể sai nhưng Nhân dân thì không sai

(VTC News) - GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên hội đồng lý luận Trung ương cho rằng cán bộ có thể sai nhưng Nhân dân thì không sai nên phải dựa vào dân để làm công tác cán bộ.

Đóng góp ý kiến vào Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XII, GS.TSKH Phan Xuân Sơn - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương trả lời phỏng vấn báo điện tử VTC News. Nói về sự quan tâm của người dân đến vấn đề nhân sự trước mỗi kỳ đại hội, Giáo sư Phan Xuân Sơn cho biết:
gstskh Phan Xuân Sơn
GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên hội đồng lý luận Trung ương (Ảnh: Phạm Thành) 
Công tác cán bộ được coi là quan trọng nhất trong xây dựng Đảng. Bác Hồ đã nói rồi, cán bộ là gốc của mọi việc. Mỗi kỳ Đại hội Đảng, đều có 2 vấn đề lớn mà ai cũng quan tâm là đường lối và nhân sự.

Trong lúc vấn đề đường lối ít nhiều có tính trừu tượng, thì vấn đề nhân sự lúc nào cũng cụ thể, liên quan đến những con người cụ thể, nên thường được bàn nhiều, sôi nổi, nhiều lúc “nóng”. Vì cán bộ là “gốc” của mọi việc, quyết định mọi việc, nên  không có cán bộ tốt thì đường lối cũng không thể thực hiện được. Có cán bộ tốt rồi thì đường lối do cán bộ hoạch định ra cũng sẽ tốt.


 - Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay những tiêu chuẩn của cán bộ còn rất mơ hồ, thiên về định tính mà thiếu định lượng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Tôi khẳng định việc lựa chọn nhân sự ở tất cả các cấp đều có tiêu chuẩn. Hiện nay, công chức, viên chức, cán bộ cấp ủy, tỉnh thành ủy, Ban chấp hành Trung ương,  Bộ Chính trị đều có tiêu chuẩn.

Tất cả các tiêu chuẩn đều có căn cứ vào yêu cầu từ thực tiễn và có sự tổng kết từ thực tiễn lãnh đạo của Đảng mà đặt ra. Tuy nhiên, phần lớn các tiêu chuẩn về cán bộ hiện nay đều chưa được lượng hóa và chủ yếu do các cơ quan làm công tác tổ chức, nhân sự đề xuất. Lần này Trung ương đưa ra 33 tiêu chuẩn đối với Ủy viên Trung ương.


 

Có những tiêu chuẩn rất khó xác định, ví như tiêu chuẩn trung thành với chủ nghĩa Mác – Lenin, không tham nhũng, không tham vọng quyền lực.
 
Trong đó, có những tiêu chuẩn rất khó xác định, ví như tiêu chuẩn trung thành với chủ nghĩa Mác – Lenin, không tham nhũng, không tham vọng quyền lực.

Tuy nhiên, việc kết luận ai trung thành hay không trung thành với chủ nghĩa Mác-Lenin phụ thuộc vào quan niệm trung thành như thế nào? Trung thành trên lời nói hay trong việc làm?

Trung thành theo “câu chữ” hay trung thành với tinh thần khoa học của học thuyết đó? Việc cụ thể hơn như ai tham nhũng hay không tham nhũng cũng đã là quá khó rồi.


Nói về tiêu chuẩn cán bộ, hiện đã có khá nhiều nghiên cứu khoa học trong nước, trên thế giới, chúng ta cần gắn công tác nhân sự với khoa học, cần học hỏi, áp dụng.

 - Nếu chúng ta không có tiêu chí thì làm sao đánh giá thực chất được cán bộ, thưa ông?

Đó là vấn đề lớn nhất trong công tác cán bộ. Nên nhớ “tiêu chí đánh giá” khác với tiêu chuẩn cán bộ. Đã có nhiều đề xuất xây dựng “hệ tiêu chí đánh giá cán bộ”, phải lượng hóa được và điều quan trọng nữa là cơ quan làm công tác tổ chức nhân sự phải biết đánh giá theo tiêu chí.

Không đưa được tiêu chí đánh giá cụ thể, hoặc “tiêu chí” hình thức, thì việc sử dụng sẽ rơi vào tùy tiện. Tuy nhiên, tiêu chí là một việc, các tiêu chí có khoa học, có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hay không là một việc khác nữa.


Hiện nay một số tiêu chí độ tuổi, bằng cấp, quy hoạch,…có thể được lượng hóa. Trong đội ngũ công chức, viên chức có một số yếu tố được lượng hóa trong Luật. Vấn đề là những yếu tố đó được áp dụng trong mô hình công vụ nào?

Không đổi mới mô hình công vụ, không gắn tiêu chí với hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế-xã hội, thì lượng hóa mấy cũng vô ích. Phải đánh giá cán bộ theo tiêu chí “đầu ra”, tức theo kết quả công việc, chứ không đánh giá theo tiêu chí “đầu vào”, tức theo hồ sơ, lý lịch, bằng cấp, thâm niên, sự trung thành, mẫn cán…mặc dù những yếu tố đó rất quan trọng.


 - Vậy có nghĩa là chúng ta làm ngược thế giới?

Công tác nhân sự, dù chẻ nhỏ ra có nhiều việc, nhưng chung quy lại bao gồm 4 bước. Thứ nhất phát hiện, thứ hai là tuyển chọn, thứ ba đào tạo (bồi dưỡng, rèn luyện), thứ tư là sử dụng.

Hiện nay, tất cả các bước này, tất cả cán bộ trong hệ thống chính trị đều do bộ máy nhân sự của Đảng làm với nguyên tắc “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ”. Nếu phương thức lãnh đạo công tác cán bộ của Đảng tốt, thì đội ngũ cán bộ sẽ tốt.

Trong bối cảnh hiện nay, đất nước đứng trước những vận hội lớn, thời cơ nhiều mà thách thức cũng lắm, nhân dân mong đợi những người có tâm, có tầm, có trí, có tài ra gánh vác việc dân, việc nước. Nhưng nhìn vào đội ngũ cán bộ hiện nay, đảng viên thì băn khoăn, lo lắng, dư luận bức xúc.

Trong dân truyền nhau câu: “Thứ nhất hậu duệ, thứ hai tiền tệ, thứ ba là quan hệ, thứ tư trí tuệ”. Kiểu làm công tác cán bộ như vậy, đã khiến cho chất lượng cán bộ không cao. Vì sao như vậy? Lại là do cơ chế tập trung quan liêu, do tham nhũng, “lợi ích nhóm” nó lũng đoạn.

Công tác cán bộ của Đảng mà không gắn với dân, không lo cái lo của dân, không vui cái vui của dân, thậm chí vô cảm trước nỗi khổ người dân, thì không bao giờ có cán bộ tốt. Nếu có, cũng chỉ là ăn may.

Hiện nay, qua năm bước ba vòng hiệp thương mà dân vẫn chưa tự chọn cho mình người đề bầu mà vẫn là bầu người của “Đảng cử” thì khó có cán bộ vì dân được. Dân ta có quyền giám sát cán bộ, công chức, đảng viên. Ở cơ sở hàng năm lấy phiếu tín nhiệm cán bộ. Nhưng còn hình thức lắm. Phiếu có thấp mà “bộ máy” bao che cho nhau thì dân cũng chẳng làm gì được.

 

Ta thì Đảng chọn trước rồi đưa ra dân bầu. Mặt khác số lượng người của Đảng đưa ra, hiện nay “có số dư” đấy, nhưng vẫn ít nên nhân dân rất khó lựa chọn. Cho nên, quanh đi, quẩn lại vẫn những người Đảng “chấm” thôi.
 
Kinh nghiệm của nhiều đảng trên thế giới là, người ta đưa người ra dân bầu trước, nếu dân tín nhiệm mới đưa vào giữ trọng trách trong Đảng. Nhờ đó, nếu đảng có thắng cử mới có thủ tướng, nghị sĩ, bộ trưởng, tỉnh trưởng…


Ta thì Đảng chọn trước rồi đưa ra dân bầu. Mặt khác số lượng người của Đảng đưa ra, hiện nay “có số dư” đấy, nhưng vẫn ít nên nhân dân rất khó lựa chọn.

Cho nên, quanh đi, quẩn lại vẫn những người Đảng “chấm” thôi. Hiện nay, có thí điểm dân bầu trực tiếp chủ tịch xã, nhưng cũng đang ở phạm vi hạn chế, chưa có tổng kết.


- Ông có đề xuất giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?

Trước thực trạng này, tôi cho rằng đã là cán bộ (tức là nói đến các vị trí dân cử, còn công chức bàn sau) định cho giữ các cương vị quan trọng từ Trung ương đến cơ sở, phải đưa ra dân bầu trực tiếp. Khi dân bầu ra rồi thì Đảng sẽ đưa vào các vị trí quan trọng trong Đảng, mà nếu chưa đảng viên thì thì thu hút người ta vào Đảng.

Còn đội ngũ công chức, viên chức, có phương thức khác là thi tuyển (có quy phạm pháp luật rõ ràng) do người đứng đầu cơ quan đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu, trước Đảng, trước dân.

Như vậy, cần đổi mới phương thức lãnh đạo công tác cán bộ, từ mô hình tập trung quan liêu (bộ máy làm tất) sang dân chủ pháp quyền (dựa vào nhân dân và pháp luật). Chuyển công tác cán bộ từ trong “ghế salon” ra với dân. Công tác cán bộ cũng phải của dân, do dân, vì dân; dân là gốc và phải luôn dựa vào dân.


 - Theo ông, yếu tố nào đang cản trở việc dân bầu trực tiếp lãnh đạo?

Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên trong lịch sử, trong điều kiện “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” hoành hành mà dân ta đã tổng tuyển cử thành công, bầu ra Quốc hội của toàn dân. Những vị trúng cử vào Quốc hội khi đó cũng toàn là gương mặt sáng giá, uy tín, rất vững vàng có thể chèo lái con thuyền đất nước trong lúc vận nước đang “ngàn cân treo sợi tóc”. Cần phải nhắc lại, những người ủng hộ Việt Minh lúc đó, những người đi bầu ra cán bộ khi đó, đa số là những người dân Việt Nam mù chữ.

Hiện nay, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập tiểu học. Việt Nam là một trong mười nước sử dụng Internet nhiều nhất thế giới, có trên dưới 400 trường đại học, cao đẳng, số lượng GS, PGS,TS đứng đầu Đông Nam Á.

Vì vậy, hiện nay nếu ai vin vào dân trí Việt Nam thấp để hạn chế quyền dân chủ của dân thì không có lý. Không cứ bầu cử, mà bất cứ việc gì đưa ra dân lo liệu thì đều xong. Dù trình độ dân trí của Việt Nam như thế nào thì cũng phải dựa vào nhân dân. Tránh việc nói “dân là gốc” mà không tin dân, nói dựa vào dân mà khinh dân.

Cán bộ có thể sai nhưng Nhân dân thì không sai. Dựa vào dân để làm công tác cán bộ, tốt nhất là để dân bầu, Đảng dùng.

Đối mới phương thức Đảng lãnh đạo công tác cán bộ là lãnh đạo các cơ quan nhân sự của Đảng phải đặt đúng vị trí người dân trong công tác cán bộ; làm tốt quá trình “Dân bầu, Đảng dùng” này. Ý Đảng lòng dân cũng là đây.

 - Hiện nay, nhiều ý kiến băn khoăn về yếu tố 'hậu duệ'. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Trong những năm gần đây, dư luận bàn tán nhiều đến chuyện “hậu duệ”. Những ngày gần đây rộ lên nhiều bình luận liên quan đến một số trường hợp con các đồng chí cán bộ cấp cao được bổ nhiệm các chức vụ quan trọng khi còn rất trẻ. Để kết luận và đánh giá cũng cần khách quan, kỹ càng.

Hầu hết các trường hợp bổ nhiệm đều đạt yêu cầu theo các tiêu chuẩn chung của Đảng. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn, nếu những vị trí chủ chốt như vậy liệu có bổ nhiệm con em dân thường hay không?

Trong thời phong kiến, hay các nước quân chủ, ngôi Vua là thế tập, vua truyền ngôi cho con và được chế định. Ngày nay, trên thế giới vẫn có chuyện “con vua thì lại làm vua”.

Tuy nhiên phải xem xét cụ thể mới đánh giá được. Ví dụ như gia đình ông Bush ở Mỹ, gia đình ông Kim Nhật Thành ở Triều Tiên…Nhưng chuyện ông Bush con làm Tổng thống Mỹ, ông Bush em làm Thống đốc bang người ta lại không cho là “dở”. Trong lúc đó kiểu “thế tập” ở Triều Tiên thì người ta lại không cho là “hay”.


Vấn đề là ở chỗ, ngày nay “cuộc đua” vào các vị trí phải công bằng, bình đẳng; phải hợp lệ, hợp lẽ, hợp thức.

Nói theo ngôn ngữ chính trị là phải có “tính chính đáng”. Có những người trong gia đình toàn làm chính trị, giữ các cương vị trọng yếu của quốc gia nhờ truyền thống, gia phong. Yêu thích chính trị, tích lũy tri thức, kỹ năng chính trị, tham gia chính trị, thăng tiến trên con đường chính trị diễn ra tự nhiên, thuận lợi, cho dù không ai định hướng, sắp xếp cả.

Có người thì ngược lại, giữ các cương vị cao là nhờ cái “thế” của “con cha, cháu ông”, nhờ bố trí, sắp xếp của “nhóm quyền lực”.

 

Ở nước ta, tôi chưa nói về trường hợp cụ thể nào, nhưng việc một cán bộ con quan chức cấp cao mà tự khả năng mình thăng tiến, hoặc trường hợp do gia đình sắp xếp mà lên cao cũng đều tồn tại trong thực tế.
 
Ở nước ta, tôi chưa nói về trường hợp cụ thể nào, nhưng việc một cán bộ con quan chức cấp cao mà tự khả năng mình thăng tiến, hoặc trường hợp do gia đình sắp xếp mà lên cao cũng đều tồn tại trong thực tế.


Trong những trường hợp nào đó, khi dư luận cho rằng có “tiêu cực” thì chúng ta cần trông cậy vào các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý công khai, làm yên lòng dư luận. Nếu các hiện tượng tiêu cực chi phối công tác nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao, đến mức nhân dân phàn nàn, bất bình, thì thiệt thòi trước hết là thuộc về Đảng.

Vì như thế thì dân không tin Đảng, Đảng không lãnh đạo được dân, sự nghiệp của Đảng sẽ tiêu tan. Bên cạnh đó, dư luận cũng cần xem xét cẩn thận và cần tìm các nguồn tin cậy để xác minh, tránh chỉ sống với tin đồn.

 - Nếu được quyết định, ông sẽ xử lý vấn đề này ra sao?

Làm nhân sự, “trình độ” bằng cấp, chuyên môn chỉ là một yếu tố thôi. Để bố trí, đề bạt một cán bộ có nhiều yếu tố mà trong thực tế, ít có trường hợp nào có những người ngang bằng nhau đến mức phải chọn con em quan chức hay con người dân thường. Rồi còn tùy lĩnh vực công tác mà chọn người nữa.

Nhưng cứ giả sử là có trường hợp như thế đi thì thế nào? Dạo này tôi đọc một số sách về tuyển người cho doanh nghiệp, thấy họ khuyên không chọn con nhà giàu, con nhà quan chức vì các “cậu ấm”, “cô chiêu” này làm thì ít hoạnh họe thì nhiều (!).

Nhiều doanh nghiệp lại thích đối tượng này vì họ có nhiều mối quan hệ có lợi (!). Chắc trong cơ quan nhà nước cũng vậy. Có những lĩnh vực đòi hỏi cao về chuyên môn, có những lĩnh vực đòi hỏi cao về lịch sử chính trị, phẩm chất đạo đức, lý lịch…Ngoài ra còn yếu tố “con người” trong công tác nhân sự. Người làm công tác nhân sự vẫn là con người. Họ có những cảm xúc riêng, cảm tình riêng, sở thích riêng…

Ngoài những yếu tố “tiêu chí”, “tiêu chuẩn” có tính kỹ thuật rất rõ ràng, nên dành phần “chủ quan”, những “linh cảm” nghề nghiệp (mà không tiêu chí nào đo được) cho những người làm công tác nhân sự. Họ sẽ quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Khi những người được giao làm công tác nhân sự thì chúng ta cũng phải phải tin vào lương tâm, trách nhiệm và khả năng của họ, tin vào con mắt “anh hùng chọn chốn trần ai mới già” của họ.

Không nên gây áp lực cho họ về việc chọn giữa con dân thường và con quan chức (giả sử có trường hợp ngang bằng nhau về nhiều tiêu chí).

Tuy vậy, tôi vẫn muốn chốt lại một vấn đề. Ngoài con mắt của người làm công tác nhân sự, chính xác nhất, đúng nhất vẫn là đưa ra để nhân dân bầu và ủy quyền cho người mà họ tin cậy.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh  - Phạm Thành (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn