• Zalo

Cán bộ cần có văn hóa từ chức

Thời sựThứ Bảy, 10/11/2012 02:35:00 +07:00Google News

(VTC News) - Các đại biểu đồng quan điểm nếu mức tín nhiệm quá thấp, cán bộ nên từ chức trước khi bị bãi nhiệm, miễn nhiệm.

(VTC News) - Các đại biểu đồng quan điểm nếu mức tín nhiệm quá thấp, cán bộ nên từ chức trước khi bị bãi nhiệm, miễn nhiệm.

Sáng 10/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Góp ý cho dự thảo, các đại biểu có chung một số ý kiến sau: chỉ nên lấy phiếu đối với các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn; người được bỏ phiếu nên từ chức nếu có tỷ lệ tín nhiệm thấp và mức độ tín nhiệm cũng chỉ nên chia thành hai mức là tín nhiệm hoặc không.

Hầu hết các đại biểu đều cho rằng phạm vi lấy phiếu gồm 49 người gồm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa an nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi, tỉnh Phú Yên phát biểu chỉ nên thí điểm lấy phiếu ở những chức danh chủ chốt. Mở rộng diện lấy phiếu đến Phó chủ tịch, các ủy viên của Hội đồng dân tộc, Phó chủ nhiệm, ủy viên các ủy ban của Quốc hội là quá rộng, quá dàn trải.

Về đóng góp ý kiến, hầu hết các đại biểu đều đồng tình với việc mức độ tín nhiệm cũng chỉ nên chia thành hai mức là tín nhiệm hoặc không, chứ không nên để mục không có ý kiến. Các đại biểu phản đối việc mục “Không có ý kiến vì cho rằng đại biểu quốc hội buộc phải thể hiện thái độ của mình.

Đại biểu Phạm Văn Tam cho rằng đại biểu không nên không có ý kiến vì như vậy bỏ lỡ cơ hội đóng góp của mình.
Một vấn đề làm nóng trong nghị trường hôm nay chính là vấn đề từ chức. Các đại biểu đồng tình cho rằng khi đạt mức tín nhiệm quá thấp, cán bộ nên từ chức trước khi bị miễn nhiệm, bãi nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá, tỉnh Trà Vinh đề xuất nếu cán bộ mặc chiếc áo quá rộng hay nói thẳng ra là không đáp ứng được yêu cầu nên tự từ chức. Đại biểu dân biểu phải giúp họ lột bỏ chiếc váo vay mượn đó. Đừng để tới lúc quá muộn, hết thuốc chữa.

Trước đó bà Khá ví von lấy phiếu tín nhiệm cần thiết "như cơm phải ăn, nước phải uống, áo phải mặc". Cũng chính vì sự cần thiết này nên phải "tránh ăn uống quá nhiều hay qua loa, tránh mặc quá rộng hay quá chật". Việc nào cũng ngang sức ngang tầm, lấy phiếu, bỏ phiếu phải đúng đối tượng, đúng quy trình.

Đại biểu Phạm Văn Tam cũng đồng tình tới ý kiến cán bộ nên từ chức nếu không được tín nhiệm. Đại biểu đề nghị nên tạo điều kiện cho văn hóa từ chức, khiến người từ chức cảm thấy được tôn trọng. Nhưng ông cũng nhấn mạnh cần có chế tài chặt chẽ tránh trường hợp từ chức để trốn tội, “hạ cánh an toàn”.

Nhiều đại biểu có cùng chung quan điểm là thời điểm lấy phiếu tín nhiệm nên lùi lại một kỳ họp (tức là vào kỳ thứ hai năm thứ hai thay vì kỳ họp đầu tiên của năm thứ hai nhiệm kỳ Quốc hội) để có thời gian đánh giá kết quả công việc của các chức danh.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh về việc cung cấp thông tin. Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh, tỉnh Phú Thọ đánh giá cao vấn đề cung cấp thông tin cho đối tượng lấy ý kiến. Ông Khánh cho biết dự thảo Nghị quyết chưa quan tâm thỏa đáng điều này.

Ông đề nghị phải cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác, đa chiều để đại biểu đủ căn cứ niềm tin đánh giá các chức danh cần xét. Đặc biệt, hiện nay thông tin trên các mạng xã hội rất lớn. Nếu không có  thông tin chính thống thì dễ bị ảnh hưởng, sai lệch.

Nghị quyết này sẽ được thông qua vào ngày 21/11.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn