Mới đây, các quan chức ở Phnom Penh đã cáo buộc Washington "can thiệp" trong chuyến thăm của quan chức Mỹ.
Trung tướng Suon Samnang, phụ trách chính sách và đối ngoại của Bộ Quốc phòng Campuchia, hôm 11/6 cho biết tùy viên quốc phòng Mỹ, Đại tá Marcus Ferrara muốn thị sát một địa điểm tại căn cứ hải quân Ream, nơi từng có các cơ sở do Mỹ xây dựng.
Các tòa nhà này bị phá bỏ mà không thông báo cho Washington vào năm ngoái, và việc hai công trình mới được hoàn thành nhanh chóng trong năm nay khiến Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc nâng cấp căn cứ. Campuchia đã xác nhận nhờ Trung Quốc tham gia nâng cấp căn cứ quân sự.
“(Ông Ferrara) đã cố gắng kiểm tra các bộ phận khác (của căn cứ), dù điều đó là không cần thiết và cũng không nằm trong đề xuất trước đó họ gửi cho chúng tôi. Ông ấy đột ngột đưa ra đề xuất mới, nhằm tiến gần đến nhà bếp và phòng ngủ của chúng tôi, can thiệp vào trung tâm”, ông Samnang nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết Trung Quốc sẽ giúp hiện đại hóa và mở rộng Ream, nhưng nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ không được đặc quyền sử dụng căn cứ này.
Bộ Quốc phòng tuyên bố các hành động của Mỹ có thể “tác động tiêu cực hơn nữa đến mối quan hệ quốc phòng” giữa hai nước và nhấn mạnh rằng Washington cần “tôn trọng chủ quyền và bí mật quân sự của Phnom Penh”.
Bộ nói thêm rằng các yêu cầu viếng thăm trong tương lai sẽ được xem xét nhưng các chuyến thăm này nên được giữ nguyên thay vì trở thành "kiểm tra hoặc khám xét".
Chuyến thăm của ông Ferrara tới căn cứ được Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đề nghị, sau khi bà tới thủ đô Campuchia vào ngày 1/6. Bà đã nói rõ “những lo ngại nghiêm trọng” về mức độ hiện diện quân sự của Trung Quốc tại căn cứ.
Ông Ferrara sau khi bị từ chối khảo sát đã kết thúc chuyến thăm và đề nghị các quan chức quân sự Campuchia sắp xếp lại một chuyến thăm khác trong thời gian sớm nhất. Đại sứ quán Mỹ cũng kêu gọi Campuchia để các phái viên quân sự Mỹ và nước ngoài tại Phnom Penh “định kỳ và thường xuyên” tới thăm căn cứ, nhằm "hướng tới sự minh bạch hơn và tin cậy lẫn nhau”.
Sek Sophal, một nhà nghiên cứu an ninh tại Đại học Châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan ở Nhật Bản, cho biết “quan hệ Mỹ-Campuchia, đặc biệt là quan hệ quân sự, đã bị tổn hại bởi sự mất lòng tin chiến lược”. Ông nhận định căng thẳng "có thể chưa phải là lần cuối cùng" và sẽ khó khăn để hai bên khôi phục lòng tin.
Trung Quốc là đồng minh nước ngoài thân cận nhất và là nhà đầu tư lớn nhất của Campuchia. Vào tháng 5, Bộ Thương mại Campuchia lưu ý rằng kim ngạch thương mại Trung-Campuchia đạt 3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 424 triệu USD trong giai đoạn tháng 1-4 năm nay, tăng 42%.
Sovinda Po, chuyên gia tại Đại học Griffith của Australia, cho biết: “Phnom Penh đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc chấp nhận viện trợ của Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu nâng cấp căn cứ hải quân trong khi đảm bảo với Washington rằng dự án sẽ không gây tổn hại đến an ninh và ổn định của khu vực (với sự hiện diện của quân đội Trung Quốc)".
Sovinda cho rằng Campuchia nên đa dạng hóa nguồn viện trợ cho căn cứ, chấp nhận nguồn viện trợ từ cả Mỹ và Trung Quốc, trong khi Washington cũng nên công nhận và đáp ứng nhiệm vụ phát triển hải quân nước nâu (gần bờ và trong sông) của Phnom Penh.
Bình luận