Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có công văn chỉ đạo các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường THPT về việc quản lý dạy học trong thời gian học sinh nghỉ phòng dịch Covid-19.
Trong đó, Sở yêu cầu quá trình tổ chức dạy online của trường, giáo viên phải đảm bảo tính khoa học, sư phạm, chất lượng và không được thu bất kỳ khoản tiền nào đối với phụ huynh, học sinh (kể cả việc Ban đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của phụ huynh để hỗ trợ nhà trường, giáo viên).
Chỉ đạo của Sở khiến nhiều giáo viên đang giảng dạy tại các trường tư ở Hà Nội khá bức xúc. Theo họ, các giáo viên vẫn ngày đêm bỏ công sức chuẩn bị bài giảng, dạy học online cho học sinh nhưng nhà trường lại không có nguồn thu khiến chế độ của các giáo viên không được đảm bảo.
Chị N.T.Q.T., giáo viên một trường phổ thông liên cấp ở quận Bắc Từ Liêm cho biết, việc dạy học trực tuyến vất vả hơn rất nhiều so với việc hay học online. Khi dạy ở trường, các giáo viên sẽ trực tiếp trao đổi, kiểm tra và giảng giải cho học sinh hiểu được các kiến thức ngay trong tiết học đó, nhưng với học online thì giáo viên sẽ giao bài tập để đánh giá và liên tục nhắc nhở học sinh làm bài.
"Qua vài tuần dạy học online cho học sinh, tôi thấy việc giảng dạy thế này khiến chúng tôi mệt mỏi và tốn thời gian hơn rất nhiều. Từ việc giao bài tập, chấm bài để đánh giá kết quả học sinh sau mỗi giờ học cho đến việc chúng tôi phải luôn túc trực để giải đáp những thắc mắc của học sinh cả ngày lẫn đêm.
Đặc biệt, để có một bài giảng online hiệu quả, tôi cũng như nhiều giáo viên khác phải cùng nhau tìm hiểu và lên kế hoạch rất tỉ mỉ. Đối với những giáo viên trẻ như chúng tôi thì việc sử dụng công nghệ không có gì khó khăn, tuy nhiên, nhiều giáo viên lớn tuổi thì đó là một vấn đề quan trọng", giáo viên T. chia sẻ.
Cùng chung bức xúc với các giáo viên, cô D., hiệu trưởng một trường tư thục ở Cầu Giấy cho rằng, trường tư thục độc lập về mặt tài chính còn trường công vẫn có ngân sách nhà nước chi trả. Vì vậy, việc phụ huynh và nhà trường thỏa thuận với nhau về các hoạt động trong trường đều trên cơ sở pháp luật.
"Không đóng học phí thì lấy gì trả lương cho các giáo viên vẫn ngày đêm thiết kế bài giảng online và sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của học sinh mọi lúc mọi nơi?", vị hiệu trưởng đặt câu hỏi.
"Sở GD&ĐT Hà Nội khuyến khích các trường dạy học trực tuyến trong thời gian này nhưng lại không muốn cho các trường thu học phí của học sinh thì thật vô lý", hiệu trưởng D. nói.
Liên quan đến việc thu phí học online, ngày 17/3, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết, việc thu học phí đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015.
Trong đó, quy định thu học phí với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên theo số tháng thực học nêu rõ, không thực hiện thu học phí với những tháng học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, và chỉ thực hiện thu học phí với tháng đi học bù.
Cụ thể với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 9 tháng/năm; với cơ sở giáo dục đại học, học phí được thu 10 tháng/năm. Các trường ngoài công lập thực hiện việc thu học phí theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh học sinh.
“Bộ GD&ĐT chỉ quy định việc thu học phí các chương trình đào tạo theo quy định của Bộ. Còn các chương trình bổ trợ khác như củng cố kiến thức qua online … thì việc quy định mức thu cho các loại hình bổ trợ này là thỏa thuận tham gia học, đóng chi phí giữa nhà trường và gia đình học sinh. Bộ GD&ĐT không quy định chương trình và mức thu cho các chương trình bổ trợ này”, ông Khánh nhấn mạnh.
Vụ trưởng cho rằng, trong thời gian nghỉ học, khi các trường tổ chức triển khai dịch vụ hỗ trợ học online và thu chi phí, việc nay phải có sự đồng thuận giữa nhà trường với cha mẹ, và phải thông báo công khai ngay từ đầu.
Việc thu phí để dạy và học online gần như chưa có tiền lệ, đây là dịch vụ thỏa thuận nên việc thu hay không tùy thuộc vào các trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau trên cơ sở có chi phí hợp lý nhất để triển khai các hoạt động. Bộ GD&ĐT không thể đưa ra hướng dẫn việc này vì đây là các hoạt động ngoài kế hoạch và chương trình.
Do đó, các nhà trường phải căn cứ nội dung, khối lượng công việc để xây dựng tính toán mức thu hợp lý thu đủ bù chi cho các dịch vụ chứ không thể thu theo học phí năm học. Đồng thời phải thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh, sinh viên trước khi triển khai.
Bộ GD&ĐT đang rà soát khó khăn, vướng mắc của các cơ sở giáo dục, từ đó điều chỉnh một số văn bản hiện hành cho phù hợp. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ một số chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.
Video: Lớp học trực tuyến mùa dịch Covid-19 diễn ra thế nào?
Bình luận