Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định Công văn số 1042/C67-P3 có nội dung yêu cầu việc chụp ảnh CSGT phải xin phép đang khiến dư luận “dậy sóng” những ngày qua có nhiều nội dung có dấu hiệu trái luật, cần phải được xử lý.
TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, hôm nay 22-8 đã ký văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thông báo về kết quả kiểm tra công văn số 1042/C67-P3 của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (C67- Bộ Công an) có nội dung yêu cầu phải xin phép khi chụp ảnh, quay phim CSGT đang thực thi công vụ.
Theo đó, bước đầu, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phát hiện công văn 1042 do Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, ký ban hành có dấu hiệu trái luật.
Pháp luật không cấm chụp ảnh, quay phim lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ - Ảnh minh hoạ |
“Tôi đã phải thức trắng đêm qua để nghiên cứu về văn bản này” - TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, nói.
Theo TS Sơn, công văn 1042 nêu 2 nhóm hành vi “có lời nói đe dọa, lăng mạ”, “hành vi chống đối cảnh sát giao thông” với hành vi “quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ” đã thể hiện sự thiếu thận trọng khi kết nối các nhóm hành vi có bản chất, mức độ khác nhau.
Việc này có thể hiểu rằng khi bất kỳ người nào quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm buộc phải “được phép đồng ý” của CSGT đang làm nhiệm vụ. Và từ đây CSGT có quyền yêu cầu xuất trình giấy tờ để xác định “đúng là nhà báo” hay “giả danh nhà báo”.
“Điều này là không phù hợp với các quy định hiện hành về quyền nhà báo hoặc người dân khi quay phim, chụp ảnh bởi pháp luật hiện hành chỉ quy định trường hợp vì bí mật nhà nước, các khu vực an ninh, quốc phòng mà có quy định cấm hoặc hạn chế người dân hoặc phóng viên quay phim, chụp ảnh thì mới buộc công dân phải tuân thủ khi quay phim, chụp ảnh” - TS Lê Hồng Sơn nhận định.
Hơn nữa về nguyên tắc, cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ duy trì trật tự an toàn giao thông đường bộ được giao phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Qua rà soát, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chưa thấy có quy định nào của pháp luật cấm công dân quay phim, chụp ảnh cán bộ, công chức và chiến sĩ công an đang thi hành công vụ nếu không thuộc trường hợp cấm, hạn chế. Việc quay phim, chụp ảnh lực lượng CSGT không phải hành vi bị pháp luật cấm.
“Cán bộ, chiến sĩ CSGT cũng không được quyền truy hỏi người đang quay phim, chụp ảnh là được phép hay không được phép, cũng không được quyền truy xét về giấy tờ để xác định là nhà báo hay giả danh nhà báo” - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định.
Một nội dung gây bức xúc trong văn bản 1042 của C67 là “nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản”, theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật là không phù hợp với nhiệm vụ của lực lượng CSGT đang tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông.
Theo đánh giá của Cục Kiểm tra văn bản, quay phim hay chụp ảnh CSGT khi đang thực thi công vụ không phải là ghi hình ảnh riêng tư của một hay một vài cá nhân cụ thể, không thuộc phạm trù bí mật đời tư theo quy định của Bộ Luật Dân sự.
Đây thực chất là ghi hình người thi hành công vụ của cơ quan, cá nhân đại diện cho Nhà nước tại nơi công cộng (công khai) là bình thường, không cần phải được CSGT hay bất kỳ cá nhân nào có mặt ở nơi công cộng này “cho phép”. “Nhờ những hoạt động giám sát đó mà những hình ảnh đẹp của lực lượng CSGT được tôn vinh, những sai phạm được kịp thời phát hiện, xử lý” - ông Sơn nói.
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định: Xét về thẩm quyền thì những nội dung liên quan đến việc định “quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ” cũng như việc xác định người quay phim, chụp ảnh là “nhà báo” hay “giả danh nhà báo” tại văn bản 1042 không thuộc thẩm quyền quy định của một lãnh đạo C67.
“Chúng tôi thấy rằng công văn 1042 có nhiều nội dung có dấu hiệu sai trái cần phải được xử lý”- TS Lê Hồng Sơn nói và cho biết việc xử lý văn bản này trước hết thuộc thẩm quyền của Bộ Công an (C67, Vụ Pháp chế, lãnh đạo Bộ Công an). Trường hợp Bộ Công an không xử lý thì Bộ Tư pháp sẽ thực hiện trách nhiệm kiểm tra, xử lý theo quy định của Chính phủ.
Bình luận