Những ngày trung tuần tháng 10 vừa qua, khi cơn lũ lớn đang hoành hành, chưa có dấu hiệu dừng lại ở dải đất miền Trung, thì trên mạng xã hội Facebook lan truyền một loạt ảnh hết sức xúc động, cảm phục về những giáo viên trường mầm non Phương Mỹ (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) dầm mình trong nước lũ, có đoạn ngập ngang cổ người lớn để di dọn đồ đạc, trang thiết bị dạy học.
PV đã vượt cả trăm cây số ngược lên ngôi trường này để tìm gặp, chuyện trò với chính những cô giáo rất đỗi mến yêu, hết lòng yêu nghề, yêu trẻ vừa trải qua cơn lũ ấy.
Lũ đã đi qua nhưng nước mắt các cô vẫn cứ rưng rưng khi thuật lại những câu chuyện ít người biết tới.
"Nghĩ lại, vợ chồng em liều quá"
Phải vượt cả trăm cây số, lại phải đợi đò vì chiếc cầu phao duy nhất qua bên kia con sông Ngàn Sâu bị lũ đánh tả tơi, hư hỏng nặng, nên phải tới tầm trưa chúng tôi mới có mặt tại trường mầm non Phương Mỹ. Dù các cô, phụ huynh, bộ đội, các đội tình nguyện viên đã miệt mài thu dọn, vệ sinh, thì tàn tích của 2 trận lũ lớn vừa qua vẫn còn hiện hữu trên mỗi bức tường, sân chơi, mỗi cành cây, ngọn cỏ của ngôi trường nằm bên dòng sâu Ngàn Sâu nước còn chạy đục ngầu này.
Vừa gặp cô Ngô Thị Hà, Hiệu trưởng trường mầm non Phương Mỹ, tôi rút ngay điện thoại, mở những tấm hình lan truyền trên mạng gây nhiều xúc động rồi đề nghị cô sắp xếp cho gặp những cô giáo ấy. Cô Hà bảo, hình ảnh các cô trên mạng chỉ là một phần rất nhỏ, không thể diễn tả hết những khó khăn, hiểm nguy mà các cô phải đối mặt trong “cuộc chiến” giành giật từng chiếc nồi, sách vở, thực phẩm, trang thiết bị phục vụ dạy học với dòng nước lũ bủa vây, nhấn chìm lên đến tận tầng hai.
“Chỉ trong tích tắc nước đổ về ngập hết toàn bộ tầng 1. Chỉ còn khoảng 20cm nữa, nước tràn vào tầng 2. Do địa điểm nhà trường nằm ở nơi thấp trũng nên các tình nguyện viên không có phương tiện vào giúp đỡ nhà trường. Lúc đó không còn cách nào khác ban giám hiệu nhà trường phải huy động các cô chèo xuồng vào để dọn dẹp, bởi nếu chậm trễ, tất cả những đóng góp của nhân dân, của nhà nước, công sức của nhà trường sẽ bị lũ cướp trắng”, cô Hà thuật lại.
Tại cuộc gặp mặt các giáo viên dầm mình trong lũ sau đó, nhớ lại giây phút các cô giáo được chồng, người thân băng lũ dẫn vào trường để di dời tài sản, cô Hà và nhiều cô khác đã nhiều lần rơi nước mắt vì chưa hết hoảng sợ. “Giờ lũ qua rồi tôi nghĩ lại vẫn chưa hết sợ hãi. Tôi vẫn không nghĩ là các cô có thể đến được trường trong lúc lũ ngày một chảy xiết, dâng cao như thế. Nếu hôm đó có cô nào mệnh hệ gì thì giờ chắc tôi phải tự trách mình lắm thay”- nữ hiệu trưởng đã có gần chục năm phụ trách ngôi trường tiểu học này gạt nước mắt chuyện trò.
Một trong những cô giáo đã khiến toàn thể giáo viên trường mầm non tiểu học Phương Mỹ phải một phen lo lắng tột độ, là cô giáo Hồ Thị Thu Lam, SN 1982. Nhắc lại giây phút sinh tử ấy của hai vợ chồng, cô Lam vẫn còn sởn da gà.
“Hôm đó khi nhận được điện thoại của ban giám hiệu nhà trường thông tin lũ về nhanh, cần có mặt gấp để chuyển đồ đạc lên tầng. Vì nước lũ lên nhanh, em phải nhờ chồng em dẫn đi cùng. Nhà em ở chỗ cao hơn, khi đi thì nước còn chưa ngập, nhưng thu dọn xong quay trở về với hai đứa con nhỏ đang chờ ở nhà, thì nước đã dâng ngập con đường về nhà. Quay trở lại thì không được nữa, vì khi đó lũ đang lên, nếu quay xe lại thì không biết rồi hai đứa con ở nhà sẽ ra sao, nên vợ chồng em quyết dắt xe máy đi.
Đi được một đoạn nước tống xe bọn em rơi xuống đồng. Chồng em níu lấy xe, còn em kéo tay chồng. Khi đó bọn em rất hoảng loạn, chỉ còn nghĩ về những đứa con nếu bọn em có mệnh hệ gì thì ai chăm chúng. Nghĩ vậy, em bảo chồng thả xe rồi cùng bước nhanh về phía trước. Đúng là vợ chồng bọn em thoát nạn trong gang tấc. Giờ nghĩ lại chúng em thấy mình liều và may mắn quá. Chỉ cần tích tắc nữa thôi thì không biết sự sống của vợ chồng em sẽ ra sao”, cô Lam thuật lại.
Bị nạn nằm viện vẫn mơ màng mình đang… dọn lũ
Với cô giáo Lê Thị Trâm Oanh, 54 tuổi, người đã có hơn 20 năm chăm bẵm những đứa trẻ ở rốn lũ Hương Khê và hiện chỉ còn một năm nữa sẽ nghỉ hưu, đây là trận lũ đáng nhớ, đáng sợ nhất mà cô đã từng trải qua.
Cô Oanh vốn là mang trong mình căn bệnh cao huyết áp, sức khỏe không được tốt lắm, nhưng khi cơn lũ tràn về, chứng kiến ngôi trường với nhiều tài sản, là những gì tâm huyết nhất của các cô trước nguy cơ bị lũ nhấn chìm, người cô như khỏe lại. Cách nhà chỉ chưa đầy cây số, nhưng ròng rã suốt 5 ngày 5 đêm cô không về nhà. Cô không ngần ngại lội sâu trong nước, cũng thức trắng đến tận 3h sáng dọn bùn, lau chùi như các cô giáo trẻ. Công việc nặng nề, cộng với việc dầm mình trong nước quá nhiều, nên đôi chân, đôi tay cô mệt lử. Rồi cô gặp nạn đáng sợ.
Ấy là buổi cuối cùng khi nước lũ còn lúp xúp trong nền nhà tầng 1. Dù đã luống tuổi, nhưng thấy bùn vẫn còn bám ở phía trên khung cửa sổ, cô Oanh trèo lên một tay níu thanh cửa sổ, tay còn lại cầm bàn chải đánh bùn. Thật không may do bùn đất trơn, sức lại yếu, tay níu cửa sổ bị trượt khiến cô ngã nhào xuống nền gạch lát. Cú ngã mạnh, đầu đập xuống nền cứng làm cô bị đau, choáng. Thấy cô Oanh bị đờ người ai cũng lo cho tính mạng của cô. Cô Oanh được sơ cứu tại chỗ trước khi được thuyền cứu hộ của chính quyền đưa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê chữa trị.
“Những ngày điều trị trên đó, giấc ngủ của cô khi nào cũng chập chờn. Cứ chợp mắt được tí là hình ảnh lũ lụt, hình ảnh các cô thu dọn lũ lại hiện về. Lắm lúc cô cứ ngỡ như mình đang leo trèo, lau chùi, đẩy bùn vậy”, cô Oanh kể.
Vừa trở về từ bệnh viện, sức khỏe chưa ổn định lắm, nhưng quá nhớ trường, nhớ những đứa trẻ như cháu chắt ruột thịt nên cô Oanh đã quay trở lại trường ngay.
Nhìn lại những gì đã qua trong cơn lũ, những người như cô Hà, cô Lam, cô Oanh, cô Trang và những cô giáo khác ở trường tiểu học Phương Mỹ nói rằng, chỉ có tình yêu với lũ trẻ, chỉ có niềm nhiệt huyết với nghề, các cô mới vượt qua được những phút giây đầy khó khăn mỗi khi những cơn đại hồng thủy đi qua.
(Còn nữa)
Video: Nước lũ dâng cao, hàng ngàn ngôi nahf ở miền núi Hà Tĩnh bị cô lập
Bình luận