Đều đặn 17h30 mỗi ngày, lớp học tình thương của lão nông Đoàn Minh Hùng (TP.HCM) lại tíu tít tiếng trẻ em nói cười. Ông Hùng và vợ ở đó từ hai tiếng trước để chuẩn bị đồ ăn cho trẻ vào học. Toàn bộ chi phí mở lớp dạy tình thương, sách vở, ăn uống…đều do vợ chồng ông chi trả.
Tính sơ sơ mỗi tháng, chi phí duy trì lớp học tình thương lên đến 30 triệu đồng. Chưa kể ông phải tìm địa điểm phù hợp, rộng rãi để mở lớp.
Ban đầu, người dân phường Tân Thới (quận Tân Phú, TP.HCM) đều nghĩ ông bà Hùng giàu có lắm. Chẳng thế mà ông bà có thể duy trì lớp học tình thương suốt 10 năm mà không thu một đồng nào, lại còn đài thọ sách vở, đồ dùng học tập.
Nhưng thật ra hoàn cảnh gia đình ông Hùng cũng không khấm khá hơn các gia đình khác là mấy, sự giàu có của ông là giàu tình yêu thương, yêu con chữ.
Ông Đoàn Minh Hùng xuất thân là nông dân, cuộc sống của hai vợ chồng ông tại TP.HCM tương khá khó khăn vì công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định.
Để có tiền mở lớp học tình thương, ông quyết định bán mảnh đất hương hỏa của gia đình tại quê nhà ở An Giang. Nhận được sự ủng hộ của gia đình, ông Hùng nói đó là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời mình.
Mười năm trước, trong xóm trọ nghèo có 2 đứa nhỏ bán vé số. Các em đều thích đi học nhưng gia đình không có điều kiện. Ông Hùng bàn với vợ mở lớp phụ đạo miễn phí cho các em. Tiếng lành đồn xa, lớp học sau đó cứ lớn dần về quy mô. Trung bình mỗi đợt đều có hơn 100 cháu theo học.
Chiều chiều, trong gian phòng nhỏ chừng 30m2 lại ê a tiếng trẻ con đọc bài. Nhìn những đứa trẻ hạnh phúc khi được đi học, ông Hùng cười hiền: “Điều nuối tiếc nhất cuộc đời của tôi là không được đi học đầy đủ. Vì thế tôi mong các cháu sau này sẽ có một cuộc sống, một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn”.
10 năm có lẻ mở lớp học tình thương, từ lão nông trở thành thầy giáo, ông Hùng thích nhất khẩu hiệu: “Học, học nữa, học mãi”.
Không chỉ những đứa trẻ nghèo được học mà bản thân ông bà cũng học được nhiều điều. Thứ ông Hùng học được nhiều nhất đó là học cách cho đi.
Mỗi ngày, bên cạnh việc mở lớp tình thương, công việc chính của ông bà là bán cơm chay để có tiền trang trải cuộc sống. Đợt dịch COVID-19, quán cơm đóng cửa, ông bà gần như không có thu nhập. Thế nhưng bất kỳ đứa trẻ nào có nhu cầu theo học, ông bà chưa bao giờ từ chối.
Những ngày cách ly xã hội, chiều nào ông Hùng cũng gõ cửa từng nhà, chuyển bài tập cho các em làm để không quên kiến thức. Bên cạnh sấp vở bài tập, ông Hùng cũng mang cho mỗi đứa trẻ một phần cơm như thường lệ.
Nhìn bóng hai mái đầu bạc trắng tận tụy vì con cháu, ai cũng cảm động. Ông Hùng tâm niệm, việc dạy học không chỉ là dạy con chữ mà quan trọng nhất là dạy cách làm người. Chính vì thế bên cạnh những kiến thức phổ thông, ông Hùng còn thường xuyên mời những người tâm huyết, thành công trong cuộc sống về phụ đạo những buổi học ngoại khóa.
"Ngày nào còn sức khỏe tôi sẽ cố gắng để mở lớp tình thương và dạy các em con chữ. Trong cuộc sống không ai là không cần học. Nhưng học thế nào mới là quan trọng. Tôi không chỉ dạy các em con chữ mà còn muốn dạy các em cách làm người. Tôi hy vọng những đạo lý các em học được sẽ giúp định hình các em trở thành một con người có ích cho xã hội”, ông nói.
Chị Nguyễn Thị Duyên, có 2 con đang theo học tại lớp học tình thương ông giáo Hùng. Từ ngày hai cháu đi học tại đây, gia đình chị đỡ được khoản chi phí ăn uống, sách vở. Điều tuyệt vời hơn cả là 2 đứa trẻ ham học này tiếp tục được đi học thay vì phải ở nhà phụ cha mẹ bán vé số.
Trường hợp của chị Duyên cũng giống như nhiều phụ huynh đang có con theo học tại lớp học tình thương. Bên cạnh việc giảng dạy cho các em, một trong những công việc ý nghĩa của vợ chồng ông Hùng đó là vận động phụ huynh cho con đi học.
Do hoàn cảnh khó khăn, nên nhiều phụ huynh không có điều kiện cho con đi học. Các em chủ yếu chơi ở nhà hoặc theo phụ bố mẹ bán hàng, đi bán vé số.
Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh, các con đi học, gia đình rất yên tâm. Đã không mất tiền lại còn được ông Hùng lại cho ăn uống, sách vở. Gia đình nào cũng biết ơn bác Hùng.
Tấm lòng của vợ chồng lão nông nghèo Đoàn Minh Hùng làm lay động nhiều người. Một số bạn tình nguyện viên, các tổ chức thiện nguyện cũng thường xuyên phụ giúp ông mở lớp.
Trong tương lai, điều mà vợ chồng ông bà mong muốn là có thể mở được thêm khoảng 2 lớp học tình thương nữa dạy học cho các cháu lang thang, cơ nhỡ, bán vé số.
Bình luận