(VTC News) - Dự thảo Nghị định thanh toán dùng tiền mặt trong đó có nội dung cấm mua nhà, ôtô bằng tiền mặt nhận được sự ủng hộ từ dư luận nhưng vẫn còn đó rất nhiều lo lắng.
Trao đổi với báo chí ngày 27/2, ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - cho hay, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng và hoàn thành Dự thảo Nghị định thanh toán dùng tiền mặt, trong đó có nội dung cấm mua chứng khoán, xe cộ, nhà bằng tiền mặt.
Các tổ chức cũng không được dùng tiền mặt với các giao dịch bất động sản, chứng khoán, tàu bay, tàu thủy, ôtô (bất kể giá trị giao dịch). Ngoài các giao dịch này, khi thanh toán cho tổ chức, cá nhân với số tiền vượt hạn mức thì các tổ chức cũng không được dùng tiền mặt.
Ngoài Nghị định này, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cũng có một loạt kế hoạch để đẩy nhanh Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, mục tiêu tới năm 2015, Việt Nam sẽ có 250.000 POS (điểm giao dịch chấp nhanh thanh toán thẻ). Thanh toán phi tiền mặt hạn chế được nhiều rủi ro
Thông tin này nhận được sự quan tâm đáng kể từ dư luận. Khá nhiều ý kiến đồng tình cho rằng việc thanh toán qua thẻ là rất văn minh và cần sớm được áp dụng. Tuy nhiên, chỉ nên khuyến khích chứ không nên ép buộc.
Phản hồi trên một trang báo điện tử, một độc giả chia sẻ: “Cách đây mấy ngày tôi có mua hàng ở một siêu thị máy tính và trả bằng thẻ, nhưng lại bị tính phí 1%, cũng may lúc đó sản phẩm tôi mua có giá trị nhỏ, thử hỏi mua một cái máy tính giá 20 triệu phí hết 200 ngàn, thì chẳng ai mà dại gì đi thanh toán thẻ”.
Một độc giả khác bày tỏ quan điểm: “Được thanh toán qua tài khoản và thẻ tín dụng là cực kỳ an toàn và tiện dụng. Tuy nhiên hãy nhìn lại cái hạ tầng của Việt Nam xem đã thích nghi và phù hợp chưa? Đó là chưa kể các nhà băng thi nhau thu các loại phí”.
Trong khi đó, các chuyên gia đều cho rằng dự thảo này là phù hợp nhưng cần phải cân nhắc việc thực thi.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng An Bình đánh giá đây là dự thảo đưa vào thời điểm hợp lý.
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam còn dựa rất nhiều vào tiền mặt. Việc sử dụng khối lượng lớn tiền mặt vào nền kinh tế gây nhiều bất lợi. Tiền mặt là phương tiện thanh toán vật lý cần in, chuyên chở, đếm, bảo quản, dự trữ, an toàn, an ninh. Nó là loại tài sản cồng kềnh. Ở Việt Nam do thói quen dùng tiền mặt nặng nề quá nên muốn thay đổi cần có lộ trình. Với người dân, tự dưng họ phải đem tiền mặt lên ngân hàng nộp để mua bán và mất phí, họ sẽ không thích. GS Đặng Hùng Võ
Vào giai đoạn phát triển mới, nền kinh tế cần được vận hành dưới mô hình nền kinh tế phi tiền mặt. Điều đó xảy ra ở nhiều nước trên thế giới rồi. Một quốc gia sử dụng quá nhiều tiền mặt bị xem là quốc gia còn chậm tiến so với sự phát triển của thế giới. Thành ra bắt buộc vào đi vào tình trạng càng ngày càng có nhiều giao dịch phi tiền mặt.
Để thực hiện việc đó, dự thảo đưa ra quan điểm tất cả mua bán bắt đầu từ mức nào đó cần chuyển khoản, phi tiền mặt là điều hợp lý.
Thứ hai, việc sử dụng tiền mặt nhiều gây rủi ro rửa tiền. Tất cả các tổ chức phi pháp trên thế giới, thu nhập của họ bằng tiền mặt. Ví dụ bán ma túy, tiền hối lộ, tiền buôn lậu,… tất cả lượng tiền đều là tiền mặt. Vì tiền mặt làm mất dấu vết của hoạt động liên quan đến tiền. Không có chứng từ, dấu vết. Thành ra trong một nền kinh tế có nhiều tiền mặt là nền kinh tế thuận lợi cho việc rửa tiền và các hoạt động phi phạm.
Điểm thứ ba khá quan trọng là vấn đề thất thu thuế. Nếu một người thu nhập của họ qua tiền mặt, họ có thể khai rất ít để trán thuế, trốn thuế. Nếu thu nhập của họ qua hệ thống ngân hàng với các chứng từ thì vấn đề thất thu thuế giảm đi rất nhiều.
Ngoài tất cả các điều đó, trong một nền kinh tế, mỗi ngày sự vận động của tiền lên đến cả tỷ tỷ đồng thì không thể vận chuyển bằng tiền mặt vật lý được mà phải qua điện toán.
Vì thế, một nền kinh tế muốn phát triển, và tránh được tất cả các sơ hở phạm pháp quarửa tiền, nền kinh tế đó phải xây dựng hệ thống thanh toán phi tiền mặt rộng rãi.
Dự thảo này là bước đầu trong các bước quan trọng đi đến nền kinh tế phi tiền mặt. Tuy nhiên, nó cũng sẽ gây ra những phiền muộn, khó chịu cho dân chúng. Ví dụ, người dân sẽ khó chịu nếu trước kia đi mua xe thoải mái mà bây giờ mua xe với số tiền không lớn lắm lại đi chuyển khoản. Những người chưa có tài khoản phải đến ngân hàng lập tài khoản. Ngoài ra, còn bất tiện cho những người ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận hệ thống ngân hàng.
Đó là những khó chịu, bực bội, không thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, đó vẫn là quy định hợp lý. Thanh toán qua ngân hàng gây ra sự tốn kém. Tuy nhiên sự tốn kém do việc thanh toán phi tiền mặt từ việc trả phí ngân hàng, mở tài khoản, chi phí xã hội khác,… so với chi phí, phí tổn thiệt hại gây ra từ thanh toán bằng tiền mặt được bù trừ xứng đáng.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá về mặt tư duy, dự thảo tốt về định hướng.
Trước hết, dự thảo thay đổi tư duy dùng tiền mặt của người Việt Nam. Dùng tiền mặt nhiều là xã hội lạc hậu chứ không phải tốt. Xã hội tiến bộ người ta không dùng tiền mặt nhiều, họ dùng credit card, tiền ngân hàng nhiều hơn.
Ở Việt Nam do thói quen dùng tiền mặt nặng nề quá nên muốn thay đổi cần có lộ trình. Với người dân, tự dưng họ phải đem tiền mặt lên ngân hàng nộp để mua bán và mất phí, họ sẽ không thích.
Vì vậy, cần hướng dẫn thực hiện mua bán tài sản lớn không dùng tiền mặt thì làm thế nào, cần có dịch vụ để người dân cảm thấy không dùng tiền mặt lợi hơn. Có lợi hơn người ta mới thay đổi dần tập quán dùng tiền mặt. Từ đó dẫn đến mua bán nhỏ cũng không dùng tiền mặt.
Thứ hai quan trọng hơn đó chính là các cơ sở giao dịch không nhận tiền mặt. Không dùng tiền mặt không chỉ là thanh toán qua chuyển khoản mà cần đa dạng hình thức toán như dùng credit card.
Tóm lại về phương hướng, dự thảo rất tốt nhưng cần đưa ra lộ trình để người dân thực hiện được. Đó mới là điều quan trọng. Khi người dân không dùng tiền mặt mà cảm thấy bị phiền hà, họ sẽ cho rằng chủ trương không đúng. Và ngược lại, khi thanh toán phi tiền mặt, nếu cảm thấy thuận tiện, có lợi, họ sẽ đánh gia chủ trương đúng đắn.
Thanh Hà
Bình luận