• Zalo

Cấm Hội phụ huynh đứng ra thu tiền tự nguyện

Giáo dụcThứ Tư, 07/03/2012 02:31:00 +07:00Google News

(VTC News)- Bộ GD&ĐT nghiêm cấm hội cha mẹ học sinh đứng ra thu tiền dưới hình thức vận động nhưng lại là tự nguyện một cách bắt buộc.

(VTC News)- Bộ GD&ĐT nghiêm cấm hội cha mẹ học sinh đứng ra thu tiền dưới hình thức vận động nhưng lại là tự nguyện một cách bắt buộc - đó là một trong những nội dung mà sáng nay, 7/3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

VTC News xin lược ghi một số vấn đề đông đảo bạn đọc quan tâm

Huỳnh Tư Định ([email protected]): Tôi xin hỏi bộ trưởng là vấn đề dạy chữ trước cho trẻ mầm non đến bao giờ mới cấm được, vấn đề này Bộ có biết không?

Học sinh lớp 1, ngày học bán trú, tối đến về nhà vẫn có bài tập, ngày thứ bẩy, chủ nhật vẫn đi học thêm, theo bộ trưởng có cần thiết vậy không?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời trực tuyến độc giả (Ảnh: Chinhphu.vn) 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Thứ nhất, về việc dạy chữ trước, chúng tôi khẳng định, Bộ GD&ĐT đã có văn bản cấm việc dạy chữ trước ở bậc mầm non. Còn ở tiểu học, chúng tôi cũng đã có chỉ đạo về việc này.

Thứ 2, các cháu đã học 2 buổi ở trường, về nhà lại phải làm bài tập đến đêm thì tôi thấy không cần thiết. Cháu tôi năm nay học trung học cơ sở. Tôi bảo với cháu, học 2 buổi ở trường rồi, không phải học nữa. Cháu nhà tôi học lớp 8, học rất tốt. Điểm số cũng  có hôm 9, 10 điểm, cũng có hôm 5,6 điểm, có hôm 3,4 điểm cũng không nên coi việc đó là điều gì quá ghê gớm.

Theo tôi, không cần thiết phải cho các cháu làm bài, học thêm quá nhiều sau khi chúng ta đã cho các cháu học 2 buổi/ngày.

Bà Dương Thị Nguyệt Ánh, Quận Hoàn Kiếm – Hà Nội:Xin Bộ trưởng cho biết cảm nghĩ khi xem những hình ảnh các bậc cha, mẹ, ông, bà xếp hàng cả đêm để nộp hồ sơ cho con, cho cháu vào trường mầm non? Vì sao tình trạng đó kéo dài nhiều năm rồi nhưng vẫn không được khắc phục ?  

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi có xem các hình ảnh phát trên truyền hình về việc xếp hàng rất sớm của các ông bà, bố mẹ các cháu. Chúng tôi xin chia sẻ khó khăn, vất vả mà các bậc phụ huynh đã phải chịu đựng trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn của ngành.

Để khắc phục việc này, chúng tôi phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai việc đạt chuẩn đối với các nhà trường, đạt chuẩn đối với thầy cô giáo, đạt chuẩn đối với cán bộ quản lý giáo dục, để cố gắng làm cho mức chênh lệch giữa các cơ sở giáo dục giảm dần đi, để các cơ sở giáo dục có điều kiện tương đối gần nhau hơn từng bước một, để giảm căng thẳng này.

Chúng tôi cũng đã chủ động làm việc nhất là với Hà Nội và TPHCM. Chúng tôi được thông tin là thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và TPHCM đã bàn và có giải pháp quyết liệt để chấm dứt nhanh nhất tình trạng chen chúc và chờ đợi từ nửa đêm để xin học cho các cháu.

Bà Ngô Thanh Hằng, ở Thanh Xuân – Hà Nội: Tình trạng lạm thu trong các trường học ở một số địa phương là vấn đề gây nhiều bức xúc trong phụ huynh và học sinh. Giải pháp nào cho vấn đề này thưa Bộ trưởng.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Vấn đề lạm thu trong các trường học chủ yếu là ở các thành phố lớn, các thị xã hay các vùng kinh tế phát triển đang gây nên bức xúc cho người dân. Chúng tôi cũng đã có điều tra nghiên cứu về vấn đề này.

Xin ví dụ ở Quảng Ninh, có các giải pháp hay như họp khu phố, họp phụ huynh, ra nghị quyết triển khai việc này. Tôi cũng bố trí thời gian đến Quảng Ninh xem kỹ việc này.

Hà Nội cũng có những giải pháp như cấp tiền cho các trường với mức độ cao hơn, trước đây đối với trường tiểu học là 80% để thanh toán tiền lương, 20% còn lại lo các sinh hoạt khác của nhà trường, bây giờ ngân sách thành phố cấp lên là 25%. Đối với trung học phổ thông là đến 30%, để giảm việc thu của các cơ sở.

Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã vào cuộc, có giải pháp cụ thể. Về phía Bộ, chúng tôi đã xem xét, soạn thảo, đưa lên mạng interrnet để lấy ý kiến nhân dân và cũng đã ký ban hành điều chỉnh điều lệ của hội cha mẹ học sinh. Trong đó quy định, nghiêm cấm việc hội cha mẹ học sinh đứng ra thu tiền lo việc trang thiết bị cơ sở vật chất cho nhà trường, lo việc thưởng, bồi dưỡng các thầy cô giáo.

Các phụ huynh học sinh nào có tấm lòng, điều kiện hỗ trợ giúp đỡ nhà trường, các bậc phụ huynh ấy tự mình tới gặp ban giám hiệu, phòng tài vụ ủng hộ, nghiêm cấm việc hội cha mẹ học sinh đứng ra thu tiền dưới hình thức vận động nhưng lại là tự nguyện một cách bắt buộc.

Thanh kiểm tra 80 trường ĐH, CĐ

Ông Trần Thái Bình, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.Hiện hiện nay số trường đại học  được thành lập nhiều trong khi Bộ chưa đủ nhân lực để kiểm định chất lượng. Việc “thả  nổi” cho các trường tự chủ toàn diện về  tài chính cũng như công tác nhân sự, chuyên  môn có phải là một biện pháp thỏa đáng không?
Ảnh Chinhphu.vn 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Về kiểm định là công việc quan trọng để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, để các trường hoạt động tốt. Chúng tôi đã có các văn bản yêu cầu các trường tự đánh giá, tự chịu tách nhiệm. Cục khảo thí và kiểm định chất lượng cũng đã ban hành các văn bản nhưng chưa đủ, sắp tới sẽ tiếp tục hoàn thiện. Chúng tôi cũng cử cán bộ đi học nước ngoài về lĩnh vực này. Dự án Luật Giáo dục đại học có nội dung đưa kiểm định chất lượng giáo dục trở thành yêu cầu bắt buộc với các trường đại học.

Bà Lê Thị Nga ở Hà Nội: Hiện nay nhiều trường Đại học ngoài công lập tuyển sinh với số điểm rất thấp, cùng với đó là những hạn chế về trình độ của đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Vậy công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với những trường Đại học này như thế nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Thực hiện Nghị quyết 50 của Quốc hội, trong năm 2011, Bộ đã kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thành lập trường của các trường được thành lập trong 10 năm qua, trong đó có các trường ngoài công lập. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã có những cảnh báo, nhắc nhở, yêu cầu với các trường còn thiếu điều kiện này điều kiện kia, quyết định dừng tuyển sinh với 4 trường vi phạm nghiêm trọng.

Hiện nay, các đoàn thanh tra đang tiến hành thanh kiểm tra các trường được thành lập 10 năm qua, đợt này tiến hành với 80 trường. Tinh thần và cách làm cũng sẽ như đợt năm 2011.

Sư phạm, nông lâm được ưu tiên học phí


Anh Thanh Tùng ở 47, Quán Thánh, Quận Ba Đình – Hà Nội: Hiện nay các ngành nông-lâm-ngư nghiệp và sư phạm đang kém hấp dẫn hơn rất nhiều so với các ngành tài chính và ngân hàng. Do vậy, Bộ GD-DT có giải pháp gì để cải thiện tình trạng này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Cụ thể đối với ngành nông lâm ngư nghiệp và sư phạm, với giáo viên, chúng tôi có phụ cấp thâm niên đối với các giáo viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đào tạo, có phụ cấp đứng lớp, đối với tiểu học 25%, trung học 30%, đại học cao đẳng 25%, giáo viên Mác-Lê nin là 45%...

Đối với giáo viên hoạt động ở vùng sâu, xa, dân tộc đặc biệt khó khăn, có phụ cấp thu hút cao nhất lên tới 70%. Các giáo viên giảng dạy trường chuyên biệt cũng có phụ cấp để thu hút người lao động có trình độ chuyên môn vào làm việc trong ngành giáo dục

Đối với học sinh sư phạm, được miễn học phí. Đối với các ngành nông lâm ngư nghiệp, chúng tôi có chính sách khuyến khích học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được miễn thi đại học vào học những ngành gần với môn học mà các cháu đạt giải.

Trong những ngành đó, có nhiều ngành liên quan trực tiếp hoặc gần với nông lâm ngư nghiệp, sư phạm cũng như các ngành khoa học cơ bản cũng như những ngành mà đất nước chúng ta cần.

Học phí khối các trường và các ngành đào tạo về nông lâm ngư nghiệp hiện nay được chỉ đạo xây dựng với mức thấp nhất trong tất cả các ngành học.

Tuyển sinh thêm khối A1


Nguyễn Thị Hà, tỉnh Vĩnh Long:Xin Bộ trưởng cho biết, trong năm 2012 này, việc tổ chức thi và tuyển sinh Đại học, Cao Đẳng có gì thay đổi so với trước ?
 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Về thay đổi kỳ thi 2012, các bạn nên tham khảo trên trang web của Bộ. Tôi xin nói khái quát: về cơ bản, kỳ thi sẽ giữ ổn định như năm 2011, chỉ có một số thay đổi chi tiết nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh và người nhà. Ví dụ, về khối thi, mở thêm khối A1 là Toán, Lý, Anh văn, nhưng với các trường năm trước đã tuyển sinh khối A thì nay phải tuyển cả A và A1 để tránh bất ngờ cho thí sinh.

Một thay đổi khác là mở rộng cụm thi Vinh và Hải Phòng, các thí sinh ở lân cận Hải Phòng và Nghệ An có thể về đây để thi.

Thí sinh số lượng rất lớn, nếu tập trung thi một đợt thì không đủ thầy cô, cơ sở phòng thi, các phương tiện liên lạc, ăn uống nghỉ ngơi… Việc phục vụ kỳ thi sẽ rất căng thẳng. Do đó, không thể tổ chức thành 1 đợt thi mà phải tổ chức thành 2 để vừa phù hợp khả năng của các cơ sở giáo dục, vừa phù hợp hạ tầng phục vụ.

Ông Nguyễn Văn Huân, ở Thanh Xuân, Hà Nội:Việc Bộ năm nay không phát hành cuốn Những điều cần biết trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 được báo chí phản ánh là đã khiến cho thí sinh “rối như canh hẹ” với nhiều sai sót.Tất cả những điều đó gây hoang mang và thiệt thòi cho thí sinh. Bộ trưởng nói gì về vấn đề này ?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Thông tin mà Bộ không phát hành những điều cần biết là vừa đúng, vừa không đúng. Bộ không phát hành chỉ tiêu tuyển sinh của các trường mà các trường tự đăng ký trên cơ sở các điều kiện, yêu cầu của Bộ. Bộ giao cho NXB Giáo dục xuất bản cuốn sách này và vẫn do các vụ, cục cân chỉnh các thông tin. Hiện cuốn sách chưa được phát hành do một số  lý do, như còn có sai sót cần điều chỉnh, một số trường đăng ký lượng tuyển sinh quá cao, chúng tôi đã nhắc nhở.

Tôi chắc chắn là những thông tin do các đơn vị khác đưa ra là không đáng tín cậy, ít nhất là đến sáng hôm qua, vẫn có 40 trường chưa có thông tin về Bộ. Thông tin chính xác nhất sẽ có trong hôm nay để giao cho NXB GD.

Khởi Nguyên( lược ghi)


Bình luận
vtcnews.vn