• Zalo

Cảm động chuyện tình yêu của bệnh nhân mắc bạo bệnh

Sức khỏeThứ Hai, 10/09/2012 08:12:00 +07:00Google News

Một chàng trai dù biết bạn gái suốt đời phải gắn liền với chiếc xe lăn và giường bệnh nhưng vẫn không bỏ rơi người yêu.

Một chàng trai dù biết bạn gái suốt đời phải gắn liền với chiếc xe lăn và giường bệnh nhưng vẫn không bỏ rơi người yêu. Họ đã viết lên một chuyện tình đầy xúc động, khiến những ai biết đến đều khâm phục.

Gian nan vì bạo bệnh

Vừa học hết lớp 9 thì chị Nguyễn Thị Phương sinh năm 1979 ở xã Nghĩa Dũng (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, đó là u mạch máu trong tủy sống. Bố mẹ chị làm ruộng quần quật quanh năm cũng không thoát khỏi đói nghèo nhưng vẫn cố gắng đưa con đi khắp nơi tìm thầy tìm thuốc, hết Tây y lại đến Đông y mà bệnh vẫn không khỏi.

Sau đó, bố mẹ Phương đã đưa chị đến Bệnh viện Quân y 103 Hà Đông. Gần hai tháng nằm điều trị tại đó, Phương đã được các bác sĩ mổ lấy khối u. Nửa năm sau chị có thể đi lại được như người bình thường.

 

Về quê, Phương cũng nghỉ học luôn từ đó, ra đồng chăn trâu, cắt cỏ, kiếm củi, làm ruộng đỡ bố mẹ. Thời thơ ấu của Phương đã trôi qua trong lam lũ, thiệt thòi. Cho đến khi thành một thiếu nữ, do buồn chán, chị đã rủ một số người bạn vào Nam làm thuê.

Đầu năm 2000, Phương xa gia đình, xin làm cho một công ty da giày. Tuy lương thấp nhưng chị vẫn cố gắng tiết kiệm chi tiêu, dành chút ít gửi về đỡ mẹ. Cũng năm đó, Phương yêu anh Trương Văn Chín (một anh bộ đội người Tiền Giang, đóng quân ở Quân đoàn 4), lớn hơn Phương một tuổi.

Hạnh phúc chẳng tày gang khi tương lai, tình yêu mới chỉ bắt đầu thì bệnh cũ tái phát. Còn gì đau khổ hơn khi trong người mang bệnh hiểm nghèo. Phương hụt hẫng, thất vọng vô cùng nên đã khóc rất nhiều, nhưng cuối cùng phải gạt nước mắt để tự lo cho mình.

Sau 6 tháng trời lê lết và nằm liệt một chỗ, Phương đã nghĩ đến chuyện buông xuôi tất cả để cho mình thoát khỏi cảnh khổ đau. Suốt thời gian điều trị bệnh, Chín vẫn dành cho Phương một tình yêu trọn vẹn dù có lần chị đã gợi ý chia tay để khỏi ảnh hưởng đến người yêu. Quan trọng nhất là chị nghĩ sẽ không bao giờ mang lại được hạnh phúc cho Chín.

Lúc đó, anh Chín lấy khăn lau những dòng nước mắt đang trôi trên má bạn gái và nói: “Em ngốc lắm, anh đã bảo rồi, cho dù em có làm sao thì anh vẫn cứ yêu em. Em mãi là người mà anh yêu thương nhất, hãy hứa với anh đi, chúng mình sẽ không bao giờ rời xa nhau…”

Đang lâm vào cảnh tuyệt vọng, nhờ giáo sư, tiến sĩ Võ Văn Thành (Trưởng khoa Cột sống A, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình) giúp Phương gặp một giáo sư người Pháp. Ông điều trị bằng phương pháp bơm tắc động mạch, nhờ đó chị đã dần hồi phục, trở lại công ty giày tiếp tục làm việc.

Tết năm 2002, Chín đưa Phương về ra mắt gia đình. Mọi người ai cũng quý mến và vun đắp cho tình yêu của hai người. Bố mẹ Chín nói, đầu năm 2003 sẽ tổ chức đám cưới cho hai con. Chính Phương cũng tin bệnh của mình đã khỏi hẳn, rồi một ngày sẽ được lên xe hoa về nhà chồng, sẽ có con, sẽ được hưởng hạnh phúc.

Nhưng đó chỉ là một giấc mơ ngọt ngào trong tưởng tượng. Phương đã bị rơi từ đỉnh cao hy vọng, bởi căn bệnh quái ác của cô chỉ tạm lui có 15 tháng thì lại tiếp tục tái phát…

Phương tiếp tục giấu bố mẹ, không cho ai biết về bệnh tật của mình. Chị kể: “Tôi nghĩ Sài Gòn không có bệnh viện nào chữa được bệnh của mình, nên lại nhờ bạn gửi thư điện tử sang Pháp cho vị giáo sư ngày trước. Ông ấy hồi âm và nói phải 6 tháng sau mới quay trở lại Việt Nam.

Từ tháng 9/2002 đến tháng 3/2003 là một quãng thời gian quá dài đối với một người mắc bệnh hiểm nghèo. Tiền hết, bệnh thêm nặng, tôi càng cố đi làm để đợi giáo sư. Mặc dù có người yêu và bạn bè giúp đỡ nhưng tôi vẫn phải âm thầm chịu đựng những nỗi đau dai dẳng trong người…”.

 
Em ngốc lắm, anh đã bảo rồi, cho dù em có làm sao thì anh vẫn cứ yêu em. Em mãi là người mà anh yêu thương nhất, hãy hứa với anh đi, chúng mình sẽ không bao giờ rời xa nhau…
Anh Chín
Mấy tháng trời chị phải lê lết đi làm nhưng chỉ cố gắng được ba tháng vì quá đau, hai chân dần dần liệt. rồi khi đôi chân liệt hoàn toàn, chị mới cho bố mẹ biết tin.


Cuối cùng thì ngày vị giáo sư người Pháp sang Việt Nam đã đến. Nhưng lần này, dù đã cố gắng nhưng ông vẫn chịu bó tay. Bao nhiêu hy vọng tan thành mây khói. Lúc này chị viết một bức thư chia tay người yêu, gửi qua bạn bè rồi về quê, chờ đợi cái chết.

Chị nằm liệt ở góc nhà chứng kiến nỗi vất vả của gia đình, muốn chết nhanh hơn và có ý định hủy hoại mạng sống của mình để bớt gánh nặng cho gia đình. Nhưng chị đã không dám làm điều đó. Sau bốn tháng về quê, bất ngờ một ngày người yêu tìm về tận nhà chị.

Ai cũng tưởng anh ấy đã quên, bởi một người tàn phế thì còn ai dám yêu. Đúng hai ngày sau khi người yêu Phương đến tìm, chị nhận được tin của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh báo: Đoàn giáo sư người Pháp mới sang Việt Nam, mời chị nhập viện.

Hy vọng đó là cơ hội, nên gia đình Phương đã vay khắp nơi để có tiền đưa con vào tiếp tục điều trị. Cũng như lần trước, ca mổ lại thất bại. Phương phải nằm điều trị thêm sáu tháng và mổ tiếp một lần nữa vẫn không được, bệnh viện trả về.

Phương đã liệt hoàn toàn từ ngực trở xuống, không chủ động được chuyện vệ sinh cá nhân,  người gày gò chỉ còn 28 kg, mong manh như ngọn đèn dầu trước gió. Ngoài ra, Phương còn bị nhiều căn bệnh khác đồng loạt tấn công như sỏi mật, bỏi bàng quang, yếu tim, yếu thận, viêm dạ dày, viêm đại tràng, thiếu máu…

Tình yêu đơm hoa

Tiền mất tật mang, tình trạng còn thảm hại hơn khi chưa mổ. Biết bệnh Phương không bao giờ khỏi, nhưng anh Chín vẫn theo người yêu về Nghệ An để chăm sóc. Mặc dù ai cũng khuyên anh nên về quê xây dựng gia đình, tìm kiếm hạnh phúc riêng nhưng Chín nhất quyết xin ở lại để chăm sóc người yêu, dù bữa đói bữa no, chịu trăm ngàn khổ cực.

Có lẽ, tình yêu đẹp và đầy nước mắt của Phương và Chín đã thấu tận trời xanh. Ông trời đã ban tặng cho hai người một món quà vô giá, đó là một đứa con trai kháu khỉnh. Nhưng để có “thiên thần bé nhỏ” này, chị Phương đã phải chịu trăm nghìn khó khăn trong gần chín tháng mang thai.

Giờ “bông hoa” là kết của tình yêu đẹp của Chín - Phương đã được 4 tuổi, hay ăn, chóng lớn, ngoan ngoãn. Suốt những năm tháng chiến đấu với bạo bệnh, Phương đã cần mẫn đều đặn từng ngày cầm bút ghi những dòng nhật ký kể về tình yêu đẹp của mình, kể về những ngày nằm trên giường bệnh gian nan chiến đấu với bệnh tật, đấu tranh giữ sự sống và cái chết của mình.

Tháng 7/2012 cuốn nhật ký “Cổ tích tình yêu” của Phương đã được NXB Công an nhân dân in và phát hành. Ngày giới thiệu sách cũng là ngày vợ chồng Chín - Phương vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trao giải thưởng “Sống đẹp”.

Một tình yêu, một kết quả tốt đẹp đã đến, cũng như số phận đã mỉm cười với một người phụ nữ trải qua những tháng ngày đầy nước mắt. Song thời gian tới, anh chị vẫn phải đối mặt với khó khăn, gian truân của cuộc sống. Cầu chúc anh chị có thêm nghị lực để đối diện với nó, chắt chiu những giọt hạnh phúc để sống đẹp, sống tốt hơn…


Diên Khánh/Pháp luật Việt Nam

Bình luận
vtcnews.vn