(VTC News) - Theo đại diện Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội), sau khi rút giấy phép và cấm trông giữ phương tiện tại một số tuyến phố, không còn chỗ đỗ cho xe ô tô, nên các xe đã tràn vào các ngõ nhỏ, đường ngang khiến giao thông khó khăn, người dân kêu rất nhiều.
>> Cấm giữ xe: Hy sinh lợi ích thiểu số vì 7 triệu dân HN
Đánh giá một tuần Hà Nội chính thức rút giấy phép và cấm tổ chức trông giữ phương tiện tại lòng đường, vỉa hè của 262 tuyến phố, thuộc 9 quận nội thành, đại diện các quận đều đánh giá đường đã thông, hè đã thoáng, ùn tắc giao thông theo đó cũng giảm đi nhiều.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội cho biết, qua một tuần thực hiện, người dân hết sức ủng hộ, kết quả ban đầu đã đạt được “đường thông, hè phố thoáng.”
“Song để giải quyết bài toán vừa đảm bảo lòng đường vỉa hè thông thoáng, vừa đảm bảo ổn định kinh tế xã hội, đời sống nhân dân trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng yếu kém là một việc rất khó. Tuy nhiên, chúng ta phải thống nhất rằng, lòng đường là để xe đi lại, vỉa hè là của người đi bộ”, ông Hùng cho biết.
Khó duy trì
Tuy nhiên, sau khi thực hiện, hàng loạt các vấn đề đã phát sinh. Thượng tá Trần Đình Cường, Phó trưởng công an quận Hai Bà Trưng dẫn chứng, sau khi rút giấy phép trông giữ phương tiện, khu vực vỉa hè phố Bà Triệu trước cổng Bệnh viện Mắt Trung ương đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, xung quanh khu vực này đã phát sinh nhiều điểm trông xe tự phát, khó xử lý.
Một điểm trông giữ xe mới phát sinh trong vị trí đất chuẩn bị xây dựng cao ốc tại ngõ 51, phố Đốc Ngữ, quận Ba Đình.
Thượng tá Cường dẫn chứng: “Trước nhu cầu của người dân, nhiều cửa hàng xung quanh khu Bệnh viện Mắt đã dẹp hàng hóa, bỏ bán hàng để làm điểm trông giữ xe trong nhà, và thu tiền với giá cao. Ngoài ra, chúng ta cấm trông giữ, nhưng nếu người dân dừng đỗ thì có bị xử lý không, điều này cũng cần làm rõ”.
Trong khi đó, theo đại diện Công an quận Cầu Giấy, sau khi quận rút giấy phép và cấm trông giữ phương tiện tại một số tuyến phố, không còn chỗ đỗ cho xe ô tô, nên các xe đã tràn vào các ngõ nhỏ dừng đỗ, đường ngang khiến giao thông khó khăn, người dân kêu rất nhiều.
Ngoài ra, các quận cũng đề cập đến hàng loạt khó khăn trong việc xử lý xe vi phạm, và việc duy trình để xe không tái phạm.
Thượng tá Cường cho rằng, về xử lý vi phạm lực lượng ngành gặp nhiều khó khăn do thiếu xe chuyên dụng để cẩu kéo. Nhiều trường hợp chủ xe có ngồi uống nước gần đó, nhưng khi lực lượng chức năng đến xử lý họ vẫn không ra mặt. Chỉ khi có xe chuyên dụng đến thì họ mới xuất đầu lộ diện. Để xử lý được một trường hợp ô tô như vậy cũng phải mất đến một tiếng đồng hồ.
Cũng theo Thượng tá Cường, lực lượng công an phường quá mỏng và còn nhiều việc phải giải quyết chứ không thể tập trung toàn bộ vào việc xử lý vi phạm lòng đường vỉa hè. Số trường hợp vi phạm xảy ra rất lớn, mật độ dày nên sẽ rất khó xử lý nghiêm, và duy trì lâu.
Điểm trông xe mới hình thành trong tòa nhà G4 - chung cư Trung Yên, quận Cầu Giấy.
“Văn bản Thành phố phía trên nêu cấm tổ chức trông giữ các phương tiện, ở dưới lại là không đỗ trên vỉa hè và lòng đường. Cần phải phân biệt rõ ràng khái niệm cấm và không được đỗ xe nhằm tránh trường hợp chủ phương tiện tranh cãi với lực lượng xử phạt”, Thượng tá Thời bày tỏ quan điểm.
Đại diện các quận cũng cho rằng, hiện nay việc rút giấy phép, nhổ biển báo các điểm trông giữ phương tiện đã xong, nhưng tại nhiều điểm, vạch sơn vẫn chưa được xóa, nên nhiều xe thấy vậy vẫn tới đỗ, khó khăn cho việc xử lý.
Đồng thời, các quận cũng đề xuất hàng loạt các công việc cần làm ngay, như sớm tổ chức, bố trí các tuyến phố được trông giữ phương tiện phục vụ nhu cầu dân sinh; hỗ trợ các quận xe kéo chuyên dụng; nghiên cứu cấp lại cho các quận số tiền xử phạt để đầu tư phương tiện hỗ trợ…
Thi nhau mở điểm trông giữ xe
Từ ngày 16/2, các lực lượng chức năng của Hà Nội chính thức xử phạt các trường hợp trông giữ, dừng đỗ phương tiện trên 262 tuyến phố. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân lớn, nhiều người đã tự ý mở các điểm trông giữ phương tiện, và thi nhau chặt chém chủ xe.
Ai sẽ là người quản lý những điểm trông xe tự phát như thế này? Ảnh chụp điểm trông xe trên đường Cầy Giấy, cạnh con ngõ số 229.
Trên phố Bà Triệu, do các bãi xe bên hè phố đã bị giải toả nên ngay tại các con ngõ trước Bệnh viện Mắt đã được biến thành nơi trông giữ xe cho người dân đến khám bệnh. Điều đáng nói, người dân gửi xe tại đây đều bị thu tiền gửi với mức giá cao gấp đôi so với ngày thường, và cao gấp 5-6 lần so với giá gửi xe nhà nước quy định, phổ biến ở mức 10.000 đồng/xe máy.
Tại một điểm trông xe trên đường Cầy Giấy, cạnh con ngõ số 229, đang có hàng chục ô tô đỗ trong bãi. Khi chúng tôi đến hỏi giá, người trông bãi xe này thách giá: “Ô tô loại 5 chỗ giá 1,5 triệu đồng/tháng, ô tô 7 chỗ giá 2 triệu đồng/tháng, nếu đồng ý kí 6 tháng một lần. Sau ba ngày không cho xe đến gửi coi như mất số tiền đặt cọc”.
Tại ngõ 51 phố Đốc Ngữ (quận Ba Đình), trên một mảnh đất vừa được giải toả rộng hàng trăm m2, mấy ngày nay được trưng dụng để lập bãi trông giữ ô tô. Ngày nào cũng vậy, chỉ trong vài tiếng buổi sáng, vài chục chiếc xe ô tô đã đỗ chật cứng trên diện tích không phép này.
Dọc theo trục những tuyến phố lớn nằm trong diện cấm của UBND TP. Hà Nội như Nguyễn Khang, Hoàng Cầu, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Tiến Đông, Nguyễn Trãi… không khó để tìm ra những bãi trông xe “chui”, với giá “cắt cổ” như vậy
Lê Việt
Bình luận