• Zalo

Cầm đồ mùa Euro: Õng ẹo chê khách

Kinh tếThứ Năm, 16/06/2016 07:07:00 +07:00Google News

Sở dĩ chủ các tiệm cầm đồ "làm cao" như chỉ nhận điện thoại và xe máy đắt tiền vì diện tích mặt bằng chứa không nhiều, đề phòng phải đi thanh lý còn kiếm được chút tiền.

Mỗi mùa Euro đến cũng là thời điểm làm ăn bận rộn của các tiệm cầm đồ. Số khách đến cầm cố xe máy, điện thoại, laptop, iPad...đều tăng hơn so với ngày thường.

Theo quan sát của phóng viên VTC News, tại một số tiệm cầm đồ ở Hà Nội đã kín chỗ để chứa xe bên trong tiệm, một số tiệm phải để xe máy ra bên ngoài.

Tuy nhiên, nhân viên một số điểm cầm đồ cho hay, mới vào giải nên số lượng người đến cầm đồ chưa nhiều. Sở dĩ xe máy nhiều là một phần do khách cầm đồ trước khi Euro diễn ra khi ần tiền gấp. Còn trên thực tế, số khách đến giao dịch có tăng nhưng chưa đến mức tấp nập.

"Thông thường vào đến các vòng đấu loại trực tiếp sẽ có nhiều người đến cầm đồ. Đó là thời điểm có người muốn gỡ gạc nên sẽ liều hơn", anh P. chủ một tiệm cầm đồ ở Hà Nội cho biết.

cam 1

 Nhiều cửa hàng thích cầm cố đồ công nghệ vì nhanh gọn và không tốn chỗ chứa (Ảnh minh họa)

Mặc dù, số giao dịch cầm đồ đông nhất là sáng sớm sau 8 giờ sáng, nhưng các tiệm cầm đồ ở đường Láng (Đống Đa), Đặng Dung (Ba Đình) hay một số nơi khác ở Hà Nội đều đóng cửa khá muộn. Đây cũng là cách để đáp ứng mọi nhu cầu cầm đồ của khách hàng.

Theo nhân viên một số cửa hàng cầm đồ, những ngày thường khoảng 21-22 giờ là cửa hàng cầm đồ đóng cửa, nhưng khi có Euro, World Cup diễn ra thường đóng cửa muộn hơn khoảng 23-0h. Nói là đóng cửa nhưng khi khách hàng cần vẫn có thể liên lạc qua di động.

Sau 9 giờ sáng, nhiều cửa hàng cầm đồ trên phố Đặng Dung (Hà Nội) bắt đầu tấp nập khách. Trong vai người muốn cầm đồ, chúng tôi đưa một chiếc iPhone 6 vào một cửa hàng. Sau khi nhìn qua bên ngoài, kiểm tra một số chức năng của máy, chủ tiệm cầm đồ định giá 4 triệu đồng. Sau khi cò kè nâng thêm 4,5 triệu đồng.

"Điện thoại này mua lại của người khác cũng đã cũ rồi. Thêm vào lại còn màn hình trầy xước, camera chụp mờ, phím Home không nhạy...nhận cầm đồ kiểu này có khi khách không quay lại lấy lại mất công thanh lý. Nên mức giá đó là ưu đãi lắm rồi, lãi suất 1.500 đồng/ngày/triệu. Nếu muốn thì làm giấy tờ", một nhân viên cửa hàng cầm đồ nói.

Không đồng ý với mức giá này, chúng tôi toan ra về thì một nam thanh niên gần 30 tuổi còn ngáp ngắn, ngáp dài sau trận bóng đêm qua đến cầm đồ sợi dây chuyền 5 chỉ. Không cò kè thêm bớt, nam thanh niên cầm xấp tiền 100.000 đồng rồi phóng xe đi ngay. "Khách quen nên giao dịch nhanh lắm, khách lạ lại phải giải thích, có khi tư vấn xong vẫn không tin còn đi hỏi. Những ngày này, chỉ muốn cầm đồ các đồ vật nhỏ như đồ công nghệ hay dây chuyền, còn xe máy thì phải lựa chọn sợ không có chỗ để", nhân viên cửa hàng cầm đồ nói trên tiếp lời.

Còn tại một cửa hàng cầm đồ khác trên đường Láng, anh Đ. (Cầu Giấy, Hà Nội) thất thểu bước ra khỏi tiệm cầm đồ với xấp tiền 200.000 đồng dày cộp. Trò chuyện một lúc về mức lãi suất, anh Đ. cho biết, mức lãi suất khoảng 2.000 đồng/ngày/triệu. "Tôi phải cầm đồ để trả nợ cá cược với mấy đứa bạn. Nghĩ là đùa, tưởng nắm chắc phần thắng cuối cùng lại thua nên phải cầm đồ để trả gấp, rồi đi chuộc lại sau", anh Đ. lắc đầu cho biết.

Nam thanh niên này vừa ra khỏi cửa hàng thì một người đàn ông ngoài 40 tuổi đỗ xe máy trên vỉa hè rồi vào giao dịch. Người này muốn cầm cố chiếc laptop còn khá mới, nếu mua "đập hộp" sẽ có giá trên dưới 20 triệu đồng. Tuy nhiên, chủ tiệm cầm đồ chỉ định giá 10 triệu. Suy nghĩ chần chờ một lúc, người đàn ông gật đầu mức lãi 2.000 đồng/ngày/triệu, dù mức này cao gần gấp đôi ngày thường. 

Để chuẩn bị cho dịp kinh doanh mùa Euro, các cửa hàng cầm đồ đều có sự chuẩn bị trước cả tháng trời. "Tôi đã phải huy động nguồn vốn để phục vụ khách cả mùa Euro. Khách nhìn chung tăng gấp đôi, cho nên khi nhận cầm đồ cũng phải tinh tường để định giá đúng. Lãi suất nhìn chung tăng nhưng không phải gấp 4-5 lần như nhiều người nói. Ngày thường 1.000 đồng/1 triệu/ngày thì bây giờ có thể là 1.500 đồng - 2.000 đồng/triệu/ngày Giờ các tiệm cầm đồ mọc lên nhiều, không cầm đồ ở đây thì họ đi nơi khác chứ làm sao mà nâng lãi lên cao được", một chủ tiệm cầm đồ không chia sẻ.

Tiệm cầm đồ "làm cao", chỉ thích xe máy, điện thoại đắt tiền

Khách đông hơn, tài sản cầm cố cũng đa dạng nên tiệm cầm đồ cũng có cớ để nâng lên đặt xuống mức định giá. Theo lời chủ các cửa hàng cầm đồ, khi số khách đông hơn ngày thường, nếu bất cứ tài sản nào cũng cầm cố thì không có chỗ chứa. Một nam thanh niên là nhân viên tại cửa hàng cầm đồ trên đường Láng (Hà Nội) cho biết, mấy ngày nay đều bở hơi tai dắt xe vào ra để bên trong cửa hàng bớt chật chội. Mặt bằng các tiệm cầm đồ thường không mấy rộng rãi 15-20m2 nên nếu nhận ồ ạt thì phải tìm thêm chỗ để xe.

"Kể cả có người tận dụng nhà riêng để chứa thêm xe cộ cầm cố. Nhìn chung nhiều người kinh doanh cầm đồ thích cầm cố hàng công nghệ hơn vừa gọn, nhẹ, không tốn thêm mặt bằng mà lãi cũng tương đương như cầm cố xe máy. Khó là cầm cố đồ công nghệ cũng phải tinh tường để xác định được chất lượng. Nếu vấp phải khách cầm đồ điện thoại, laptop gần "tã" cũng khổ, vì không biết thanh lý thế nào nếu như họ không quay lại lấy", nam thanh niên này nói.

xe 1

 Các loại xe ga được chuộng khi nhận cầm cố hơn cả (Ảnh minh họa)

Còn anh D. (Chủ tiệm cầm đồ ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, có người đi nhiều tiệm mà điện thoại hay xe máy vẫn không cầm cố được, điều đó không hiếm. Bởi vì, có giá nhất hiện nay là iPhone hay các dòng xe tay ga, còn nếu nhận cầm cố xe số và các dòng điện thoại cũ sẽ thêm chật chỗ. 

"Như cửa hàng của tôi mà nhận ồ ạt thì ngăn chứa điện thoại cũng chả có chứ chưa nói là chỗ để xe máy rồi còn nhân viên vất vả dắt ra, dắt vào, để mắt trông coi nữa. Nếu xe, điện thoại, đồ công nghệ tốt, giá ổn thì sau này nếu khách bỏ của vì không có tiền để trả gốc và lãi thì còn thanh lý được chút ít. Nói thật chứ ai còn lạ gì giá điện thoại mua mới xong cũng rớt nhanh chứ đừng nói là hàng đã cũ rồi", anh D. phân trần.

Đi dọc đường Láng tìm địa điểm nhận cầm chiếc điện thoại cảm ứng mới dùng được 1 năm, anh T. (Lê Văn Lương, Hà Nội) nhễ nhại mồ hôi. Đi tới đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Theo lời anh T. có cửa hàng nói thẳng chỉ cầm iPhone khi tôi vừa rút điện thoại ra. 

"Đi gần hết các cửa hàng dọc đường Láng mà không nơi nào nhận cầm chiếc điện thoại. Có một cửa hàng cầm đồ trong ngõ nhận thì định giá có 2 triệu đồng với mức lãi 5%, trong khi tôi cần 5 triệu đồng, ", anh T. ngao ngán nói.

Nghi Dung
Bình luận
vtcnews.vn