Chiều 4/8, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh đã đăng đàn, trả lời chất vấn các đại biểu HĐND thành phố xung quanh các vấn đề về dạy thêm, học thêm đang làm nóng dư luận trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đặt vấn đề: Ngành Giáo dục TP.Hồ Chí Minh sẽ có bước chuẩn bị, thực hiện như thế nào trước yêu cầu cấm dạy thêm học thêm trong nhà trường, bắt đầu từ đầu năm học sắp tới?
Đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu lên việc cấp giấy phép dạy thêm, học thêm cho giáo viên sẽ thực hiện ra sao, khi có chỉ đạo này?
Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy thì đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh làm rõ những lý do khiến thành phố đưa ra quyết định cấm dạy thêm và học thêm trong nhà trường.
Cho phép giáo viên và học sinh dạy học ở trung tâm có khi còn làm cho thêm phức tạp. Khi đưa ra quyết định này có tham khảo ý phụ huynh chưa?
“Giải pháp tham mưu của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh như thế nào trong thời gian tới, khi rất nhiều trường không tổ chức cho học sinh học hè năm học 2015 – 2016, khi mà phụ huynh đi làm thì vẫn có nhu cầu gửi con ở chỗ an toàn, yên tâm” – đại biểu Nguyễn Thị Hồng Thảo chất vấn.
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung, Lê Thị Ngọc Thanh thì tiếp tục nêu trăn trở: Việc đưa dạy thêm học thêm ra trung tâm sẽ được tổ chức như thế nào? Tiêu chuẩn ra sao? Trình độ của giáo viên? Cách kiểm soát tình hình thật tốt? Thù lao của giáo viên có phù hợp không?
Trả lời cho những ý kiến này, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.Hồ Chí Minh, ngành giáo dục thành phố sẽ bắt đầu cấm việc dạy thêm và học thêm trong nhà trường từ đầu năm học 2016 – 2017.
Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với quyết định 21 của UBND thành phố về dạy thêm, học thêm không cấm vấn đề này, thành phố đã có kiến nghị Bộ điều chỉnh thông tư 17, nhưng Bộ đã trả lời không điều chỉnh trên phạm vi cả nước, mà cho phép thành phố do tính đặc thù được phép tự quyết.
Thông tư 17 không có ý giáo viên đi dạy kèm phải xin phép, mà chỉ được dạy ở trung tâm, nhưng quyết định 21 của UBND thành phố lại yêu cầu giáo viên đi dạy phải xin phép người đứng đầu trường, và Hiệu trưởng quản lý trực tiếp giáo viên đó phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, cho đến nay, khi quyết định cấm dạy thêm học thêm trong nhà trường, thì điều 5 – quyết định 21 này của UBND thành phố cũng được bãi bỏ. Có nghĩa rằng, giáo viên chỉ được phép đến trung tâm dạy thêm, có hưởng lương, chứ không được tổ chức tại nhà.
Giải pháp để thực hiện việc này, theo ông Lê Hồng Sơn, trách nhiệm là phải thực hiện, nên trong bối cảnh kiến thức, chương trình của sách giáo khoa có quá nhiều nội dung hàn lâm, mà áp lực, mục tiêu thi cử ngày càng cao, học sinh đều phải trải qua kỳ thi chung ở lớp 12 do Bộ tổ chức, đề thi ngày càng phân hóa cao, nên trong thời gian tới, Sở sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, TP.Hồ Chí Minh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng biệt, theo chương trình và chuẩn chung của Bộ đưa ra, trong đó hướng tới là sẽ giảm tải những kiến thức không cần thiết, tăng cường tính thực hành, ứng dụng, phân tích.
Ngoài ra, thành phố cũng đã được đồng ý cho phép không tham gia vào kỳ thi trung học phổ thông chung của Bộ tổ chức, mà sẽ tổ chức và đánh giá riêng. Mục tiêu mà ngành giáo dục hướng tới là chương trình nhẹ nhàng, giảm số môn, giống như các trường quốc tế đang thực hiện.
Đối với các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, ngoại ngữ ngoài giờ, ông Lê Hồng Sơn khẳng định rằng, việc cấp phép cũng sẽ do Sở Giáo dục hay phòng Giáo dục hay UBND các quận huyện cấp và quản lý, dựa trên rất nhiều các tiêu chí khác nhau.
Ví dụ: Phòng ốc phải đảm bảo mức tối thiểu, nội dung an toàn phòng cháy chữa cháy, trình độ giáo viên, ùn tắc giao thông hay không…
“Việc cấp phép có điều kiện chắc chắn sẽ khó khăn hơn là không có điều kiện, nhưng thực ra cũng rất khó tìm được cơ sở nào có đến 40 – 50 phòng học, ngoài các trường hiện nay đáp ứng được” – ông Lê Hồng Sơn nói tiếp.
Cấp phép này sẽ được tổ chức 2 chặng, bao gồm cấp phép về mặt tổ chức và hoạt động. Sau đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra và tăng cường công tác giám sát cũng sẽ được thực hiện nghiêm ngặt.
Người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo của thành phố cũng thừa nhận, hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm và học thêm là có, nhưng số lượng rất ít. Hiệu trưởng các trường là những người sâu sát nhất với giáo viên nếu phát hiện có thì sẽ phải xử lý.
Thế nhưng, không phải vì thế mà có những suy nghĩ không hay về chất lượng của ngành Giáo dục và Đào tạo của thành phố.
Về nhu cầu gửi con trong dịp hè là việc có thật, là nhu cầu của phụ huynh, nên Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh đã yêu cầu các trường mầm non mở cửa lại bắt đầu từ ngày 15/6.
Còn các trường trung học phải luôn mở cửa thư viện, các sân chơi trong trường cho học sinh, nhưng nhiều phụ huynh vẫn muốn học sinh được đi học sớm, có thầy cô kèm, được bồi dưỡng kiến thức trong hè, nên Sở luôn tổ chức kiểm tra, rà soát, phát hiện có sai phạm là sẽ xử lý nghiêm.
Phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn này, Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh – bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định, dạy thêm học thêm nếu có tiêu cực thì không ai ủng hộ, nhưng quan điểm “Không quản được thì cấm” cũng không được.
Chính vì vậy, bà Tâm cho rằng, chủ trương này cần phải được sự ủng hộ và đồng thuận từ phía thầy cô, nhà trường và học sinh. Vấn đề này phải có cái nhìn thực tiễn và khoa học.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã nêu lên lo ngại: Nếu cấm dạy thêm học thêm trong nhà trường, mà cho dạy ở trung tâm. Nếu nó nở rộ mà không quản lý được thì còn tai hại hơn là để cho các trường tổ chức, mà chúng ta lại quản lý được.
HĐND TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục quay trở lại vấn đề này trong kỳ họp cuối năm nay, sau khi thực hiện được vài tháng, khi năm học mới sẽ bắt đầu trong tháng 9 sắp tới.
Video: Hình ảnh cô giáo cầm kéo cắt tóc học sinh trong lớp học gây 'bão mạng'
Bình luận