Ngày 20/8, trả lời phỏng vấn phóng viên VTC News, Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67, Bộ Công an) - người ký văn bản số 1042/C67-P3 về việc “Giả danh nhà báo ghi hình CSGT” khẳng định: “Văn bản trên không cấm người dân chụp ảnh, quay phim CSGT đang làm nhiệm vụ”.
Theo Cục phó C67 Trần Sơn Hà, văn bản này ra đời nhằm hạn chế những người lợi dụng hoặc giả danh nhà báo để quay phim, hình ảnh CSGT với động cơ xấu, nhằm trục lợi cá nhân mà thực tế đã diễn ra.
“Văn bản đấy không có chữ nào cấm cả, quy trình tác nghiệp của báo chí chúng tôi cũng không xâm phạm. Lực lượng CSGT khuyến khích người dân, nhà báo quay phim ghi hình CSGT để công khai minh bạch hoạt động, đặc biệt là những hình ảnh tiêu cực nhưng với mục đích xây dựng, phối hợp để CSGT tốt hơn” – Cục phó C67 lý giải.Đại tá Trần Sơn Hà - Cục phó Cục CSGT đường bộ đường sắt. Ảnh Intetnet.
Cũng theo Đại tá Trần Sơn Hà, lực lượng CSGT cũng đã lập các đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến của người dân về quá trình thi hành công vụ của mình, qua kênh này, lực lượng cũng sẵn sàng tiếp nhận, xử lý những phản ánh, những hình ảnh của người dân và báo chí ghi được với mục đích xây dựng để chấn chỉnh lực lượng.
Cũng liên quan đến các nội dung trong văn bản 1042/C67 – P3, làm việc với báo chí này 20/8, Thiếu tá Phạm Quang Huy, Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông đường bộ - đường sắt thuộc C67 khẳng định, thời điểm ban hành văn bản này có rất nhiều vụ các đối tượng tự xưng là phóng viên, nhà báo thậm chí là nhiếp ảnh gia thường xuyên đến các khu vực CSGT đang làm nhiệm vụ để quay phim, chụp ảnh, ghi hình gây khó khăn cho lực lượng CSGT.
Những người này đã quay phim rồi đưa danh thiếp, xưng là nhà báo làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi xác minh nhiều báo đều khẳng định không có phóng viên, nhà báo có tên như đã ghi trong danh thiếp và không cử phóng viên, nhà báo đi viết bài về CSGT.
“Bên cạnh đó, nhiều đối tượng sau khi quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ đã dùng thủ đoạn đe dọa, tống tiền CSGT. Ví dụ như Công an Thanh Hóa và Bình Thuận cũng đã bắt giữ một số đối tượng giả danh phóng viên, nhà báo để ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ” – Thiếu tá Huy chia sẻ.
CGST dừng xe người vi phạm luật giao thông trên phố. Ảnh minh họa. |
Theo đại diện C67, mục đích của văn bản chỉ muốn nhấn mạnh đối với CSGT phải đề cao tinh thần cảnh giác đối với các đối tượng xấu cố tình lăng mạ, chửi bới CSGT hoặc đe dọa, hành hung CSGT rồi cán bộ, chiến sỹ nào không giữ, kìm nén được là quay phim chụp ảnh để đe dọa, tống tiền chứ không có ý gì khác.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những nội dung trong văn bản dễ gây hiểu lầm cho dư luận, Thiếu tá Huy cho rằng, cần phải đọc toàn bộ nội dung của văn bản thì sẽ hiểu rõ nội dung chứ không nên cắt ghép, ngắt đoạn để nêu không đúng về sự việc, khiến dư luận hiểu sai vấn đề.
“Văn bản 1042 nhằm mục đích xử lý hành vi giả danh nhà báo, chứ không quy định cấm phóng viên, báo chí tác nghiệp. Vì phóng viên, nhà báo tác nghiệp theo quy định của Luật Báo chí” - Thiếu tá Trần Quang Huy khẳng định.
Ngoài nội dung trên, văn bản 1042/C67 – P3 cũng yêu cầu các Trưởng phòng CSGT Công an địa phương chỉ đạo cán bộ chiến sĩ là lực lượng tuần tra kiểm soát phải thực hiện nghiêm túc các quy định về trình tự tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm cũng như tư thế, tác phong theo quy định của Bộ Công an.
Nguyễn Dũng
Bình luận