• Zalo

Cấm chửi bậy trên Facebook: Sở GDĐT Hà Nội nói gì?

Giáo dụcThứ Bảy, 19/01/2013 06:01:00 +07:00Google News

"Tôi thiết nghĩ Facebook có mặt tốt và mặt trái của nó. Chính vì thế cần định hướng để khai thác mặt tốt chứ không nên cấm học sinh sử dụng".

Trước câu hỏi của báo giới về thông tin một số trường học trên địa bàn ra lệnh cấm học sinh sử dụng mạng xã hội Facebook, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, ông Nguyễn Hiệp Thống, nói thẳng: “Tôi thiết nghĩ Facebook có mặt tốt và mặt trái của nó. Chính vì thế cần định hướng để khai thác mặt tốt chứ không nên cấm học sinh sử dụng. Trên thực tế cũng không thể cấm được!”.


Thực tế dư luận Hà Nội đang có những cách hiểu khác nhau về việc Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) vừa đưa ra văn bản “Những điều cấm kỵ khi lên Facebook” dành cho học sinh trong trường.

Đọc kỹ thì văn bản này chỉ cấm học sinh nói bậy, chửi tục trên mạng xã hội chứ không cấm tham gia Facebook. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ học sinh thì lại hiểu khác rằng “tránh voi chả xấu mặt nào” nên cứ cấm cho lành.
 
Trước đó, một học sinh ở miền Trung ra “tuyên ngôn” trên Facebook đã bị thôi học; rồi một tờ báo mạng chuyên về giáo dục cũng khơi mào cho đề tài “có nên cấm mạng xã hội Facebook không?” và đã tạo nên tranh luận lớn.


Ai cũng biết mạng Internet nói chung, Facebook nói riêng là phát minh của loài người, giúp việc chia sẻ thông tin trên phạm vi toàn cầu diễn ra một cách cực kỳ mau chóng, thuận lợi. Chính vì thế nhiều tổ chức, cá nhân đã tận dụng lợi thế này để cung cấp thông tin, hình ảnh của mình với cộng đồng, trong đó có nhiều thông tin tích cực và cũng có nhiều thông tin tiêu cực.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách sáng suốt thì việc phát minh ra mạng xã hội phải được xem như việc con người tìm ra lửa, tức là tìm ra những công cụ hiệu quả: Lửa nếu đem nấu chín thức ăn sẽ giúp tăng sức khỏe, tăng trí thông minh... Nhưng nếu đem lửa đốt nhà thì mọi của cải vật chất sẽ tiêu tan, con người sẽ trở về thời kỳ khổ sở, thiếu thốn…


Trở lại với sự việc của Hà Nội, cần đồng tình với ý kiến của đại diện Sở GD&ĐT rằng Facebook nên được coi là công cụ tích cực. Thậm chí trên Facebook một số học sinh có những phát ngôn thiếu chuẩn mực đã ngay lập tức bị cộng đồng lên án gay gắt. Từ đó người đưa thông tin lên đã phải nhìn nhận lại bản thân, thậm chí có em còn công khai xin lỗi về hành vi thiếu chuẩn mực của mình.

Mạng xã hội không có lỗi, lỗi là ở người sử dụng và những tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ giám sát việc sử dụng ấy

Theo Pháp luật TP.HCM
Bình luận
vtcnews.vn