Thành phố Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp nằm giữa sông Tiền và sông Hậu là đầu mối giao thông thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ. Khai thác tiềm năng công nghiệp của thành phố là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Đồng Tháp.
Một trong ba khu công nghiệp (KCN) lớn nhất của tỉnh phải kể đến KCN Sa Đéc. Đây là KCN đi vào hoạt động từ năm 2003 và đã tạo ra sự sôi động, nhộn nhịp cho vùng kinh tế khu vực phía Nam sông Tiền. Với vị trí thuận lợi và nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, KCN Sa Đéc với tổng diện tích 132 ha đã nhanh chóng mời gọi được hơn 40 doanh nghiệp, 42 dự án đầu tư với tổng số vốn lên đến 4.762,7 tỷ đồng.
Năm 2019, tổng doanh thu của các doanh nghiệp ở KCN Sa Đéc ước đạt 13.437 tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước, giá trị xuất khẩu ước đạt 185 triệu USD.
Các dự án ở KCN Sa Đéc đều mang tính đặc thù như: Công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, công nghiệp hàng tiêu dùng, công nghiệp nhựa chất dẻo, công nghiệp cơ khí, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ kỹ thuật, vẫn tải..., do vậy, KCN Sa Đéc và ban lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp luôn chú trọng đến bảo vệ môi trường, trong đó, việc nâng cấp và cải tạo hệ thống xử lý chất thải là một trong những yêu cầu cấp bách để đáp ứng với yêu cầu phát triển của KCN Sa Đéc trong thời gian sắp tới.
Nhằm mục tiêu tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và báo cáo đánh giá tác động của môi trường được Bộ Tài nguyên Môi trường phê duyệt ngày 31/12/2019, cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu về việc tiếp nhận và xử lý nước thải có nồng độ ô nhiễm cao hơn của các doanh nghiệp, phục vụ lâu dài cho KCN Sa Đéc, ngày 13/2/2020, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà và khu công nghiệp Đồng Tháp (HIDICO) tiến hành lễ khởi công cải tiến công nghệ xử lý nước thải tập trung Khu C&C mở rộng, KCN Sa Đéc – thành phố Sa Đéc – tỉnh Đồng Tháp.
Phạm vi, quy mô và công suất của dự án:
Nâng cấp, điều chỉnh công nghệ Module 1 (công suất 1.500 m3 /ngày.đêm) và Module 2 (công suất 1.500 m3 /ngày.đêm) với tổng công suất xử lý nước thải công nghiệp là 3.000 m3 /ngày.đêm nằm trong Nhà máy xử lý nước thải tập trung khu C và C mở rộng Khu công nghiệp Sa Đéc.
Trong đó bao gồm:
Hạng mục công trình chính: Cải tạo hệ thống xử lý nước thải hiện có của module 01 và module 02 với tổng công suất 3.000 m3 /ngày.đêm.
Hạng mục công trình phụ trợ: Lắp đặt hệ thống điện động lực cho module 01 và module 02.
Xây dựng mới hồ sự cố của hệ thống xử lý nước thải tập trung dung tích 19.006 m3, được chia thành 6 ngăn chứa. Hồ sự cố có chiều sâu chung là -4m, thành hồ được trải lớp lót bằng HDPE trước khi kè đá, đáy hồ được xây bằng bê tông cốt thép và trải lớp lót bằng HDPE để lưu chứa toàn bộ nước thải trong trường hợp trạm xử lý nước thải tập trung gặp sự cố.
Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát liên tục lưu lượng và các thông số của Nhà máy xử lý nước thải tập trung, hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục trước cửa xả ra ngoài môi trường của Nhà máy xử lý nước thải tập trung (bao gồm thiết bị quan trắc tự động, liên tục và thiết bị lấy mẫu tự động), có camera theo dõi, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp theo quy định của pháp luật. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 30.000.000.000 đồng . Trong đó:
· Dự án cải tiến công nghệ xử lý nước thải tập trung là: 20.399.909.200 đồng (Hai mươi tỷ, ba trăm chín mươi chín triệu, chín trăm lẻ chín nghìn, hai trăm đồng)
· Dự án hồ sự cố của hệ thống xử lý nước thải tập trung 9.000.000.000 đồng. (Chín tỷ đồng)
Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần nâng cao hiệu suất quản lý, vận hành hệ thống thu gom, thoát nước mưa và xử lý nước thải của KCN Sa Đéc, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của dân cư ngoài KCN.
Các Đơn vị tham gia dự án:
- Chủ đầu tư: Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà và Khu công nghiệp Đồng Tháp (HIDICO)
- Đơn vị hỗ trợ tài chính: Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam
- Đơn vị thực hiện: Công ty CP Công nghệ ANZ & Cty UNI SANPOL (Thái Lan)
- Đơn vị vận hành: Công ty TNHH Khoa học Công nghệ HIDICO (HIDITECH)
Bình luận