"Cái quần què gì vậy?", "như cái quần què"... là những câu mà chúng ta vẫn nghe đâu đó trong cuộc sống hàng ngày hay trên mạng xã hội. Cảm giác của phần lớn mọi người khi nghe từ này là nó có vẻ tiêu cực, hàm ý thiếu tôn trọng, thiếu thiện cảm.
Quả thật là hiện nay, từ này thường được dùng với ý nghĩa đánh giá tiêu cực, hoặc là câu cảm thán phủ nhận công việc của người khác, phủ nhận chất lượng một sản phẩm nào đó. Câu nói quen thuộc "Cái quần què gì đây?" biểu hiện sự thất vọng trước món đồ quá xấu hoặc quá tệ; hay câu "Đồ ăn ở nhà hàng này nuốt không nổi, như cái quần què" có ý nhận xét món ăn quá tệ. Từ "quần què" được thêm vào trong câu nói để nhấn mạnh sự chê bai.
Nhiều người đoán rằng quần què có nghĩa là chiếc quần có hai ống không cân nhau, ống thấp ống cao, tóm lại là "chiếc quần không lành lặn" và hàm nghĩa tiêu cực xuất phát từ đó.
Tuy nhiên, nghĩa gốc ban đầu của từ "quần què" lại không phải như vậy. Trong phương ngữ của dân miền Tây Nam bộ, nó quả thật là từ chỉ một loại quần của phụ nữ thời xưa: Quần hòe. Do cách phát âm đặc trưng của dân địa phương, âm "h" thường được đọc thành "qu" (như "hoàng thượng" đọc thành "quàng thượng") nên từ này mới thành "quần què".
Ngày xưa, quần hòe được người phụ nữ Nam Bộ sử dụng khi tới ngày "đèn đỏ". Từ "hòe" được cho là có nguồn gốc từ hoa hòe - một loại hoa mà Đông y dùng làm thuốc với tác dụng cầm máu.
Với cách dùng biến nghĩa ngày nay, từ "quần què" có thể được sử dụng giữa bạn bè, anh em thân thiết với sắc thái suồng sã, nhưng với những người kém thân thiết thì có thể mang ý nghĩa xúc phạm. Vì vậy, bạn nên cân nhắc các tình huống và sắc thái giao tiếp khi sử dụng.
Ngon nhức nách là gì?
Ngoài "cái quần què", cụm từ "ngon nhức nách" cũng rất phổ biến và khiến nhiều người thắc mắc về nguồn gốc, ý nghĩa. Nhiều ý kiến cho rằng, câu "ngon nhức nách" phát sinh từ thế kỷ trước, khi máy nổ, xe hơi, máy Kohler, xe Honda hai bánh bắt đầu được nhập ồ ạt vào miền Nam. Khi đó, những người thợ sửa máy miền Nam không có nhiều thiết bị hỗ trợ.
Trong lúc sửa xe, nếu cần thử bộ đánh lửa, các anh thợ thường dùng một tay cầm vào dây bugi để thử độ mạnh/yếu của tia điện. Máy Kohler thời xưa còn thô sơ, có bình xăng hình trụ nằm ngang ở phía trên để thuận tiện cho việc tiếp nhiên liệu, với bánh quay ở mặt trước, có rãnh để quấn dây vào giật cho máy khởi động.
Máy nổ phát điện Kohler được sử dụng nhiều ở miền Nam nhiều năm về trước.Những người thợ dùng cách thử như sau: Một tay cầm vào đầu giây bugi và tay kia quay bánh quay, nếu điện giật nhẹ dưới bắp tay là tia điện yếu, càng giật mạnh lên cao hơn chứng tỏ tia điện mạnh hơn. Nếu bị giật một phát nhức lên thấu nách tức là tia điện mạnh tối đa, là tia đánh lửa tốt nhất. "Ngon nhức cả nách rồi" - anh thợ thốt lên hài lòng. Từ đây ra đời khái niệm “ngon nhức nách”, tức là rất tốt, hạng nhất, số một.
Lý do miền Bắc không phổ biến cụm từ này vì không dùng máy nổ nhiều như miền Nam. Tuy nhiên về sau, "ngon nhức nách" đã dần phổ biến trên cả nước.
Bình luận