• Zalo

Cải cách thủ tục hành chính: Doanh nghiệp kẹp phong bì trong sổ cũng không biết đưa cho ai

Thời sựThứ Sáu, 17/08/2018 10:49:00 +07:00Google News

Người phát ngôn Chính phủ khẳng định, cải cách thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm được tiêu cực và nêu ví dụ với thủ tục hành chính điện tử: 'Doanh nghiệp kẹp phong bì trong sổ cũng không biết đưa cho ai, cảm ơn ai".

Giảm chi phí và tiêu cực

Sáng 17/8, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị “Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2018” tại Hà Nội với những thông tin về gánh nặng thực thi thủ tục hành chính của doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính khẳng định việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm chi phí và đặc biệt là giảm được những tiêu cực nhũng nhiễu trong hành chính công.

“Giả sử có doanh nghiệp kẹp phong bì trong sổ nhưng đem đến cũng không biết đưa cho ai, cảm ơn ai vì tất cả thủ tục hành chính đều làm bằng điện tử. Thì đó là lợi thế của chính sách một cửa, của cái cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử”, ông Mai Tiến Dũng nêu ví dụ.

btmaitiendung

Người phát ngôn Chính phủ khẳng định, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm chi phí và đặc biệt là giảm được những tiêu cực nhũng nhiễu trong hoạt động hành chính công.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ là những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong nhiều năm qua.

“Cải cách tất nhiên sẽ có phản ứng, cải cách mà không có phản đối là cải cách tồi. Cải cách tức là xóa bỏ cái cũ đi, xây dựng cái mới, thì rõ ràng là sẽ có ý kiến, nhưng chúng ta vẫn phải làm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, gánh nặng chi phí thủ tục hành chính là lực cản đối với nền kinh tế. Ông Dũng dẫn chứng, chỉ riêng thủ tục hàng hóa xuất – nhập khẩu chi phí lên đến 14.200 tỷ đồng, đây là con số rất lớn.

Với trọng tâm là 8 nhóm thủ tục hành chính có tác động nhiều tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên cả nước, Báo cáo Chỉ số APCI 2018 được coi là dữ liệu cơ sở phục vụ việc đánh giá tính hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm thủ tục hành chính và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo.

Báo cáo cũng đề xuất những ưu tiên cải cách cho các vùng, địa phương phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế ở từng địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.

Thông điệp mạnh mẽ: Chính phủ nói phải đi đôi với làm

Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2018 gửi những thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về cải cách hành chính và thực thi công vụ.

Thứ nhất, đó phải là một Chính phủ chủ động thiết kế một hệ thống văn bản pháp quy tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển chứ không bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế.

Thứ hai, Chính phủ phải thiết kế được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD.

Thứ ba, Chính phủ nói phải đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, đặc biệt là phải thay ngay cán bộ không đáp ứng được yêu cầu công việc. Cần xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử đến tòa án điện tử... Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2018 cho thấy hiệu quả về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính giữa các vùng, miền địa phương và tỉnh, thành chủ yếu là do cách chính quyền địa phương đã hành động và tổ chức thực thi pháp luật theo định hướng phục vụ, thể hiện sự linh hoạt và sáng tạo của các cơ quan chính quyền cấp tỉnh và địa phương.

Đồng thời, Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2018 cũng xác định yếu tố con người, cụ thể là năng lực và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức nhà nước là rất quan trọng trong việc giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngày mai (18/8), lần đầu tiên Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính được công bố. Đây được coi là chỉ dấu cho các cơ quan nhà nước ở Trung ương tiếp tục thực hiện các phương án kiểm soát thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ phù hợp tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn