• Zalo

Cafe Euro: Bóng đá là thứ có thể... nhai được

Tổng hợpThứ Tư, 04/07/2012 08:00:00 +07:00Google News

Tuyển Anh đã khác, tuyển Đức không giống với những gì được mặc định, người Italia cũng thay đổi. Cuối cùng thì chính bạn bị bắt buộc phải yêu sự thay đổi...

Bây giờ, nhiều người vẫn giữ được, nói chính xác là bị một thói quen: Chứng khó ngủ từ nửa đêm tới 5 giờ sáng. Đó là hội chứng hậu Euro.

Nhưng cũng phải thay đổi. Game đã… over. Song thay đổi là một quá trình mà người ta không chắc kiểm soát được nó. Chẳng hề đơn giản như việc chuyển từ bữa tiệc đồ tây mang tên Euro về với “tương cà gia bản” như V.League. Ở đây sẽ là những dịch chuyển về tâm lý, thậm chí nó là sự thách thức đối với tình yêu và sự thủy chung.

Bóng đá là thứ có thể thay đổi.

Một blogger trẻ - Trung rwo- cách đây không lâu đã có bài viết rất thú vị với tiêu đề khá sốc “Không chung thủy là tốt”. Đại ý là trong bộ phim Adaptation, nữ diễn viên chính Meryl Streep đã nói một câu rất hay: “Change is not a choice” - Thay đổi không phải là một lựa chọn, hay đúng hơn là không phải là thứ mà bạn có quyền chọn lựa. Nó chỉ xảy ra, thế thôi và bạn dần thay đổi. Sự thay đổi này thậm chí nằm ngoài ý thức về việc có thay đổi hay không.

Bạn là người yêu đội tuyển Italia, Anh, Đức? Tốt thôi. Khi những đội bóng này thất bại, không ít người muốn gào thật lớn cho tất cả cùng nghe thấy: “Không sao cả, tình cảm của chúng ta vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Không có gì lay chuyển được”. Đó là cách chứng minh tình yêu và lòng chung thủy.

Thực tế thì chính bạn đã bị lay chuyển khi mà đội bóng bạn yêu thích cũng thay đổi để tồn tại và phát triển. Tuyển Anh đã khác, tuyển Đức cũng không giống với những gì được mặc định là tính chất của họ, người Italia cũng thay đổi. Cuối cùng thì chính bạn bị bắt buộc phải yêu sự thay đổi ấy mà cũng chưa chắc đã hiểu vì sao.

Có một sự thật là không ít người chuyển trạng thái từ ghét sang yêu một cách rất tự nhiên. Mario Balotelli là một điển hình. Với những người yêu Italia, Balotelli là cầu thủ có “hàm lượng Italia” thấp nhất, từ màu da, mái tóc, gốc gác đến thái độ thi đấu. Ấy thế nhưng với hai hàng nước mắt sau trận chung kết, Balotelli bỗng biến thành “biểu trưng” của bóng đá Italia. Một người yêu tuyển Italia thuần chất tưởng chừng không thể “yêu” nổi Balotelli đã có thể làm điều ngược lại.

Balotelli - kẻ làm thay đổi và có khả năng giết chết sự nhàm chán.

Bóng đá hay cuộc sống, bản chất của nó là thiếu sự hoàn hảo. Hãy nhìn vào Euro: một đội bóng không cần tiền đạo để vô địch, một tiền đạo không cần được đá chính để trở thành Vua phá lưới và một ngôi sao không cần ghi bàn để trở thành cầu thủ xuất sắc nhất!

Vậy nên cách tốt nhất là đừng tìm cách chứng minh sự thiếu hoàn hảo trong những thứ tưởng chừng là đỉnh cao của sự hoàn hảo.

Cũng chẳng phải có gì là sai trái khi sau Euro này bỗng nhiên cảm thấy “bớt chung thủy” với một đội bóng hay một cầu thủ nào đó để thay đổi, với những đam mê mới.

Đừng coi bóng đá là điều gì đó ghê gớm, đôi khi, nó cụ thể tới mức cảm thấy có thể… nhai được. Vậy thôi!




Song An

Bình luận
vtcnews.vn