Hoa địa lan được rất nhiều người yêu thích nhờ vẻ đẹp rất nổi bật cả về hình dáng và màu sắc, đầy vẻ sang chảnh, đài các. Bông địa lan có kích thước cũng lớn hơn hẳn phong lan, số lượng bông hoa cũng nhiều và dày đặc. Một cành địa lan có khoảng 6-12 bông, nở thành chùm, tạo nên sức sống cho không gian.
Màu sắc địa lan rất đa dạng như vàng, tím, xanh, hồng..., giúp các gia chủ dễ dàng chọn loại phù hợp với không gian sống của mình.
Hoa địa lan thường rất bền, thời kỳ ra hoa của nó kéo dài đến 4 tháng. Do thời điểm nở hoa trùng vào mùa xuân nên địa lan rất được ưa chuộng để trưng trong nhà các dịp Tết đến, xuân về. Nhiều người cũng tìm hiểu cách trồng địa lan như một thú vui tao nhã hoặc liệu pháp giảm căng thẳng trong cuộc sống.
Cách trồng địa lan ra hoa nhiều, bông to đẹp
Để trồng địa lan ra hoa nhiều và đẹp, bạn cần lưu ý 5 vấn đề.
Chậu trồng địa lan khá đặc biệt
Do cây cần độ thoáng khí cao, bạn cần tránh các chậu sứ sâu vì sẽ không đủ thông gió và thoát nước. Tốt nhất là dùng chậu nhựa xốp hoặc chậu gạch có lỗ thoát nước tốt.
Địa lan cần được thay chậu 1-2 năm một lần. Nếu cây tương đối khỏe mạnh và chậu đã chật thì cần thay chậu mỗi năm khi cây lớn hơn. Nếu chậu không được thay kịp thời, các chồi mới sẽ không còn chỗ để phát triển và khó nảy mầm. Khi đổi chậu, bạn có thể tỉa bớt rễ thối, rễ thừa và cành yếu, kém phát triển, sau đó khử trùng và thay cây vào chậu lớn hơn.
Khi thay chậu, đất cũng sẽ trở nên tơi xốp, thoáng khí và giàu dinh dưỡng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho địa lan phát triển và ra hoa.
Trồng địa lan không dùng đất thường
Không giống các loại cây khác, địa lan không thể trồng bằng đất thông thường. Bạn cần chọn đất mùn lá hoặc đất có than vụn, rễ dương xỉ, than củi, khối vỏ cây, gạch vỡ... nhằm tăng độ thoáng khí. Đất kém thoáng khí và thoát nước có thể dẫn đến thối rễ.
Đối với cây địa lan mới trồng, bạn nên phun một ít nước lên lá để giữ ẩm cho cây mà không cần tưới nước hay bón phân. Đợi cho đến khi rễ mới mọc ra thì có thể tăng dần lượng nước tưới và phân bón để cây phát triển.
Lưu ý yếu tố ánh sáng
Để trồng địa lan ra hoa nhiều và to đẹp, bạn cần nhớ rằng dây là loại cây ưa ánh sáng mạnh, cần ánh nắng để phát triển và nở hoa. Ánh sáng không đủ hoặc quá tối sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành nụ. Tuy nhiên, không nên để cây cố định ở nơi có ánh nắng trực tiếp vào mùa xuân và mùa hè vì có thể khiến cây bị cháy lá. Vào mùa thu, tốt nhất nên để địa lan ở nơi có khoảng 50% ánh sáng mặt trời. Vào mùa đông, bạn có thể đặt nó ở ban công hướng nam, nơi có nhiều nắng.
Cách bón phân và chăm sóc
Vào mùa cây sinh trưởng mạnh, tốt nhất nên bón phân lỏng pha loãng hai tuần một lần, hoặc bón một ít phân bón hỗn hợp. Bạn phải chú ý nhiệt độ sinh trưởng thích hợp cho địa lan và tránh để cây chịu lạnh vào mùa đông. Thông thường, nhiệt độ khoảng 25 độ C là thích hợp nhất cho sự phát triển của cây.
Trong tiết trời lạnh giá mùa đông, tốt nhất nên giữ nhiệt độ môi trường ở khoảng 10 độ C. Bằng cách này, bạn có thể đảm bảo cây có thể nở hoa thuận lợi vào tháng 2 và tháng 3. Sau tháng 4 và tháng 5, sau khi hoa tàn, bạn có thể nhân giống bằng cách chia nhánh và trồng.
Tưới nước
Khi tưới nước cho địa lan, bạn cũng nên chú ý kiểm soát việc tưới nước vào mùa đông và không tưới quá nhiều. Nhiệt độ càng thấp thì càng ít tưới nước. Với địa lan trồng trong nhà, nên tưới ít hơn. Trong thời kỳ sinh trưởng, cần giữ cho đất hơi ẩm, tăng lượng nước tưới và duy trì đủ độ ẩm để cây phát triển.
Với hướng dẫn trồng địa lan trên đây, bạn có thể tự tay tạo ra những chậu hoa đẹp để trưng trong nhà hoặc làm quà tặng.
Bình luận