Cách triển khai đề tài 'Giảm ô nhiễm nhựa đại dương' thế nào cho hấp dẫn?

Tin nhanh 24hThứ Ba, 02/08/2022 17:00:00 +07:00
(VTC News) -

Vừa qua, Báo điện tử VTC News phối hợp cùng đối tác đã tổ chức khóa tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.

Tham gia chương trình tập huấn, ngoài các thành viên của Ban tổ chức gồm đại diện Báo điện tử VTC News, Ban Quản lý Dự án về “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” tại Việt Nam - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) còn có đông đảo các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trên mọi miền Tổ quốc tham gia trực tiếp và trực tuyến.

Buổi tập huấn có nhiều thông tin bổ ích, thú vị. Những kinh nghiệm làm báo về lĩnh vực môi trường được nhiều chuyên gia chia sẻ được học viên rất tâm đắc, đánh giá cao.

Trong khuôn khổ chương trình, nhà báo Phạm Mỵ, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã trình bày bài tham luận với chủ đề: "Khai thác và triển khai đề tài về Giảm ô nhiễm nhựa, thực thi EPR".

Kính mời quý độc giả theo dõi video:

Theo giảng viên Phạm Mỵ, ngành Tài nguyên và Môi trường là ngành kinh tế - kỹ thuật do vậy đối với phóng viên và biên tập viên khi viết và biên tập những đề tài này cần hiểu một cách kỹ càng về các khái niệm, các thuật ngữ của ngành.

"Chúng ta đã nghe nhiều về Trách nhiệm xã hội, Trách nhiệm môi trường, Trách nhiệm với người tiêu dùng của nhà sản xuất, nhưng một thuật ngữ gần đây được nhắc đến là “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)”. Khái niệm này có nội hàm hẹp hơn Trách nhiệm môi trường.

Vậy EPR là gì và nó được quy định cụ thể trong các văn bản nào? Lộ trình thực hiện của quy định này ra sao? Và tính sẵn sàng đón nhận của doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?", nhà báo Nguyễn My đặt vấn đề.

Theo nhà báo Phạm Mỵ, EPR không phải là quy định mới, từ Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã có quy định này với tên gọi “thu hồi sản phẩm thải bỏ”. Tuy nhiên, trên thực tế, 15 năm qua chúng ta chưa thực hiện được quy định này. Chính vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã kế thừa và quy định rõ hơn, chi tiết hơn về EPR.

EPR và kinh tế tuần hoàn có quan hệ mật thiết với nhau, không thể có kinh tế tuần hoàn nếu không có EPR. Đây là công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam giải quyết vấn đề rác thải đại dương hiện nay và hình thành nền công nghiệp tái chế hiện đại.

Trong Tọa đàm trực tuyến “Thúc đẩy thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) nhằm hỗ trợ phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” được tổ chức vào tháng 11/2021, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khẳng định: “Hiện nay, một số ý kiến cho rằng, EPR là gánh nặng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ khái quát hơn, rộng hơn, EPR là cơ hội chia sẻ gánh nặng của các bên. Cơ hội để doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và môi trường”.

Thực tế cho thấy, EPR là nội dung mới của Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) lần đầu áp dụng tại Việt Nam. Trước khi quy định này được thông qua, nhiều doanh nghiệp không đồng tình khiến Bộ TN&MT (cơ quan soạn thảo Nghị định 08) phải cân nhắc nhiều lần để đưa ra quy định hài hòa, có tính khả thi. Bởi thế, việc triển khai đề tài cần hiểu rõ nguồn gốc.

Phóng viên khi thực hiện đề tài này, có thể triển khai các dạng sau: Quy định EPR với tính ưu việt của nó là bảo vệ môi trường về lâu dài, thông qua ràng buộc trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Từ đây sẽ tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng và nhà sản xuất, dẫn đến thay đổi hành vi sản xuất và tiêu dung; Các quy định xung quanh thực hiện EPR, tính khả thi như thế nào? Vì sao EPR gặp khó ở Việt Nam do đây là lần đầu thực hiện, nên nhận thức của doanh nghiệp chưa đầy đủ hoặc cố tình để giảm chi phí...; Tìm hiểu mô hình Thí điểm áp dụng EPR, từ đó nhận rõ các vấn đề cần giải quyết; Giải pháp để EPR triển khai tốt tại Việt Nam, thông qua tìm hiểu kinh nghiệm thế giới…

Để triển khai tốt các đề tài này, giảng viên Phạm Mỵ nhấn mạnh, phóng viên cần hiểu rõ các khái niệm:

EPR (Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) là gì?

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) là cách tiếp cận của chính sách môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.

EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ. 

Nói các khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà trách nhiệm mở rộng là quản lý chất thải sau tiêu dùng. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất, nơi tạo ra chất thải là hoàn toàn hợp lý thay vì là việc của Chính phủ như trước đây.

Thực trạng ô nhiễm nhựa

Theo nhà báo Phạm Mỵ, khi viết về vấn đề môi trường, phóng viên cần tìm hiểu về thực trạng ô nhiễm. Việt Nam là một trong số 20 quốc qua có lượng rác thải lớn nhất thế giới và là quốc gia có số lượng chất xả thải ra biển nhiều thứ 4 thế giới. Tính trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon.

Mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần nhưng số lượng được xử lý là rất ít.

Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng chất thải nhựa và túi nylon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11-12% số lượng chất thải nhựa, túi nylon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Việc xã hội lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần không chỉ để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người mà còn làm suy giảm nền kinh tế.

Mặc dù Việt Nam vẫn chưa có con số chính thức về chi phí phải bỏ ra để xử lý rác thải nhựa, nhưng các nghiên cứu cho thấy, chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế cao hơn ít nhất 10 lần so với giá thị trường của nhựa nguyên sinh và cách tiếp cận hiện nay để giải quyết cuộc khủng hoảng nhựa đang gặp thất bại.

Theo báo cáo “Nhựa: chi phí đối với xã hội, môi trường và nền kinh tế” năm 2021 của WWF thì chi phí xã hội, môi trường và nền kinh tế đối với nhựa được sản xuất trong năm 2019 là 3.700 tỷ USD, cao hơn GDP của Ấn Độ.

Nếu không có hành động cấp thiết nào được triển khai, các khoản chi phí này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2040, tương đương với 85% chi tiêu toàn cầu cho y tế trong năm 2018, cao hơn GDP của Đức, Canada và Úc năm 2019 cộng lại.

Báo cáo của WWF cũng cho thấy, Chính phủ và người dân các quốc gia đang “vô tình” sa lầy vào một hệ thống sản xuất, tiêu dùng và xử lý nhựa gây ra vô số tác động tiêu cực đến con người và môi trường.

Chi phí xã hội có thể định lượng được của nhựa hiện nay là đáng kể, tuy nhiên đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đặc biệt, chi phí từ các tác động đã được biết đến và tác động tiềm ẩn đối với sức khoẻ con người cũng như tác động đến các hệ sinh thái trên cạn vẫn chưa được định lượng hoặc vẫn còn khó xác định tại thời điểm này.

Triển khai đề tài về EPR cần làm rõ nội dung gì?

Khái niệm EPR lần đầu tiên được đưa ra trong Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2005, với yêu cầu thu hồi một số sản phẩm sau tiêu dùng. Ý tưởng chính để phát triển EPR ở Việt Nam là tìm kiếm một giải pháp tài chính để giải quyết tình trạng ô nhiễm do tái chế không chính thức trong các làng nghề.

Hiện nay, EPR được thực hiện theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ được áp dụng với 05 nhóm ngành hàng gồm (i) Ắc quy và pin; (ii) Thiết bị điện, điện tử; (iii) Dầu nhớt các loại; (iv) Săm, lốp và (v) Phương tiện giao thông. Trong đó, thời hạn thu hồi và xử lý được áp dụng cho phương tiện giao thông từ ngày 1/1/2018 còn các nhóm còn lại từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn tương đối khiêm tốn.

Với những quy định mới trong Luật BVMT 2020, Nghị định 08/NĐ-CP của Chính Phủ, EPR được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả toàn diện trên cả 3 trụ cột phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường.

Bởi về kinh tế, EPR liên kết các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị tái chế, từ đó tạo thêm nhiều việc làm, tạo cơ hội thị trường cho sản phẩm tái chế và nguyên liệu thứ cấp.

Về xã hội, EPR là công cụ hỗ trợ hữu hiệu để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với rác thải. Qua đó, môi trường được bảo vệ đúng cách, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện.

Về môi trường, EPR giúp quản lý hiệu quả chất thải rắn, đồng thời đặt ra yêu cầu doanh nghiệp không ngừng nghiên cứu, cải tiến sản phẩm theo hướng thuận lợi hơn cho thu gom và tái chế…

Thực tiễn áp dụng ở Hàn Quốc và Đài Loan cho thấy, cơ chế EPR đã phát huy được hiệu quả tích cực trong quản lý chất thải rắn.

Tại Hàn Quốc, khối lượng tái chế tăng 75% trong hơn 10 năm (năm 2003: 1.047.000 tấn lên 1.837.000 tấn năm 2017), trong đó năm 2017: 92% chất thải nhựa được tái chế (năm 2003: 172.000 tấn lên 883.000 tấn năm 2017).

Ở Đài Loan, thì lượng rác thải tính trên đầu người có xu hướng giảm dần (giảm từ 1,15 kg/người năm 1998 xuống 0,87 kg/người năm 2014), tỷ lệ tái chế lại có xu hướng tăng (tăng từ 3% năm 1998 lên 45% năm 2015).

Do đó, để người người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thực trạng rác thải nhựa cũng như vai trò của doanh nghiệp, nhà sản xuất trong việc giảm thải thải rác thải nhựa, thực thi cơ chế EPR thì cần khai thác khai thác đề tài này ở 3 khía cạnh môi trường, kinh tế, xã hội.

Khía cạnh môi trường: EPR sẽ giúp tỷ lệ thu hồi và tái chế riêng rẽ đối với chất thải bao bì cao hơn (nhựa, giấy, bìa cứng, thủy tinh, kim loại); Góp phần vào việc thiết kế bao bì thân thiện với môi trường hơn và giảm dùng quá nhiều bao bì; Giảm thiểu ô nhiễm môi trường như hạn chế nhựa thải bị vứt xuống sông, ngòi, đại dương, ô nhiễm không khí do đốt chất thải bao bì ngoài trời; Gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên thông qua việc tái chế, tái sử dụng để bảo tồn nguồn nguyên liệu thô (ví dụ: dầu, gỗ, kim loại, chất khoáng) và hệ sinh thái tự nhiên (ví dụ: rừng) cho thế hệ con cháu chúng ta; Giảm phát thải khí nhà kính để giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, hạn chế hạn hán, lụt lội và nước biển dâng.

Về kinh tế: EPR xây dựng cơ chế tham gia cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị bao bì; Cải thiện kinh doanh và thu hút đầu tư để phát triển hơn nữa lĩnh vực tái chế và xử lý chất thải; Góp phần tạo ra việc làm và việc làm chất lượng cao trên bình diện thu nhập, trình độ và điều kiện làm việc; Giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu thô và nâng cao sức cạnh tranh của nguyên liệu thô thứ cấp; Hỗ trợ du lịch thông qua môi trường trong sạch hơn.

Về xã hội: EPR góp phần cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về cách phân loại, xử lý rác thải bao bì tại nhà; Mang lại cho các gia đình một môi trường có lợi cho sức khỏe, bao gồm việc giảm nguy cơ trong chuỗi thực phẩm; Đẩy mạnh sự công nhận của xã hội đối với những người làm việc trong lĩnh vực tái chế và xử lý rác thải; Tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động bán chính thức và không chính thức (lao động tự do) trong hoạt động thu gom, tái chế bao bì bằng cách cải thiện điều kiện làm việc và đời sống của họ; Tăng cường tương tác giữa các bên cung cấp nguyên liệu, thiết kế và sản xuất bao bì, kinh doanh hàng tiêu dùng, bán lẻ và xử lý rác thải.

Chương trình, quy định giảm thiểu ô nhiễm nhựa, thực thi EPR

Những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa mà thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa không đúng cách. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa.

Cùng chung nỗ lực với các nước trên thế giới hướng đến mục tiêu chung: Toàn cầu không có rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030, Việt Nam đã triển khai chiến dịch “Nói không với ống hút nhựa” với nhiều hoạt động truyền thông ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa và khuyến khích người tiêu dùng.

Từ tháng 6/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trong toàn dân. Từ đó, hàng loạt địa phương, đơn vị đã ban hành và triển khai hàng loạt chương trình hành động giảm thiểu, nói “không” với rác thải nhựa...

Đã có 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với cùng chung mong muốn góp phần vì Việt Nam xanh-sạch-đẹp, thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn…

Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam"…

Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý quan trọng liên quan đến hoạt động tái chế quản lý. Luật Bảo vệ môi trường 2020, đã đưa ra nguyên tắc cơ bản yêu cầu các nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ bắt buộc dựa vào khối lượng hoặc đơn vị bao bì đóng gói sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra thị trường và phải tuân thủ quy cách tái chế bắt buộc.

Quy định này sẽ ảnh hưởng đến 6 nhóm ngành hàng: pin và ắc quy, điện và điện tử; săm lốp, dầu nhờn, ô tô và xe máy, bao bì. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (ngày 10/1/2022) với các chương về quản lý chất thải, Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và việc kết hợp lộ trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Mục tiêu của EPR là tác động làm thay đổi thói quen của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong sử dụng nguyên liệu và thiết kế sản phẩm để có thể giảm dần và tối ưu hóa chi phí thu gom cũng như tái chế sản phẩm, bao bì sau sử dụng.

Chương trình EPR bắt buộc đối với bao bì sẽ có hiệu lực vào năm 2024. Có hai nhóm đối tượng phải thực hiện trách nhiệm mở rộng gồm: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì (thực hiện trách nhiệm tái chế) và nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì (phải đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải).

Hiện nay Liên minh Tái chế bao bì (PRO Việt Nam) đã được thành lập để đón đầu và hỗ trợ các thành viên trong liên minh thực hiện nghĩa vụ EPR khi quy định có hiệu lực pháp luật.

Để thực hiện EPR, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu có trách nhiệm báo cáo thông tin dự kiến về số lượng, khối lượng, chủng loại của từng sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu vào năm sau để có cơ sở thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Có thể lựa chọn 3 hình thức tự thực hiện, thuê hoặc ủy quyền thực hiện; trường hợp không tự thực hiện tái chế thì lựa chọn kê khai, nộp tiền vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ tái chế. Dự thảo Nghị định cũng quy định điều kiện của tổ chức, đơn vị tham gia tổ chức tái chế hoặc tái chế trong khuôn khổ thực hiện trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Xung quanh EPR, nhiều vấn đề phóng viên cũng cần hiểu rõ để khi triển khai đề tài không gặp khó khăn như Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) 2020 có hai quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, gồm: Điều 54 quy định trách nhiệm tái chế chất thải và Điều 55 quy định trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải.

Theo đó, tại hai điều luật này có quy định đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam tương ứng là đóng góp để hỗ trợ tái chế và đóng góp để hỗ trợ xử lý chất thải. Hai cơ chế đóng góp tài chính này là khác nhau, áp dụng cho các nhóm sản phẩm, bao bì khác nhau và cơ chế quản lý, vận hành cũng khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay đang có hiểu nhầm và nhầm lẫn giữa hai quy định này.

Luật BVMT 2020 đã quy định đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động tái chế hoặc xử lý chất thải.

Luật BVMT 2020 không quy định khoản đóng góp này là thuế hay phí bảo vệ môi trường. Bản chất thì tiền đóng vào Quỹ BVMT Việt Nam là để thực hiện trách nhiệm tái chế hoặc xử lý các sản phẩm, bao bì khi chúng trở thành chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; khoản tiền này không nộp vào ngân sách nên không thể gọi là thuế hay phí môi trường.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã triển khai cơ chế này đều không coi khoản đóng góp này là nguồn thu ngân sách, sử dụng trực tiếp cho hoạt động tái chế, xử lý chất thải; cơ quan nhà nước không quản lý, sử dụng khoản đóng góp này mà chỉ thực hiện vai trò giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng bảo đảm hiệu quả, minh bạch, đúng mục đích và đúng pháp luật.

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và các văn bản dưới Luật đưa ra quy định về tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế chính là chìa khóa để thực hiện hiệu quả chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh (Hiệp hội nhựa Việt Nam) cho rằng, việc quy định tỷ lệ bắt buộc thấp sẽ không thể đạt được mục tiêu tái chế đề ra trong Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số Quyết định 1316/2021 QĐ-TTg.

Đồng thời, không thu hút được nguồn đầu tư vào ngành công nghiệp tái chế và không đảm bảo việc chia sẻ lợi ích và tận dụng được hiệu quả thu gom, phân loại của hệ thống dân lập. Tỷ lệ tái chế bắt buộc trong 3 năm đầu tiên được quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và được điều chỉnh 3 năm một lần theo hướng tăng dần.

Tỷ lệ tái chế bắt buộc cao nhất được áp dụng đối với bao bì nhôm, chai nhựa PET ở mức 22% và thấp nhất là phương tiện giao thông ở mức 0,5%. Quy cách tái chế bắt buộc, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định, quy cách tái chế bắt buộc là các giải pháp tái chế được lựa chọn kèm theo yêu cầu tối thiểu về lượng vật liệu, nhiên liệu được thu hồi đối với tái chế sản phẩm, bao bì.

Quy cách bắt buộc đối với từng sản phẩm, bao bì là khác nhau. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo thu hồi 40% khối lượng của sản phẩm, bao bì được tái chế theo tỷ lệ bắt buộc.

Trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 cũng đã quy định: Phạt nặng và công khai doanh nghiệp vi phạm quy định tái chế, xử lý chất thải; thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các loại sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó tái chế như: thuốc bảo vệ thực vật, kẹo cao su, tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần, thuốc lá và đồ nhựa dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, quần áo, đồ da, giày dép, đồ chơi và túi nilon khó phân hủy kích thước nhỏ... đều phải nộp bản kê khai trước ngày 31/3 và nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải trước ngày 20/4/2022 về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải.

Trong đó, các doanh nghiệp có một trong các hành vi như: không thực hiện tái chế; không nộp tiền đóng góp hỗ trợ tái chế; không nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải; nộp tiền đóng góp hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải quá thời hạn 91 ngày trở lên; tái chế phế liệu nhập khẩu để tính vào tỷ lệ tái chế bắt buộc của nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc sử dụng một kết quả tái chế cho nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc hoặc sử dụng kết quả tái chế cho nhà sản xuất, nhập khẩu để đề nghị được hỗ trợ tái chế sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.

Không những bị phạt nặng, các doanh nghiệp có các hành vi vi phạm như trên còn bị công khai tên doanh nghiệp vi phạm trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia.

Việc Sử dụng minh bạch, hiệu quả nguồn tài chính đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu cũng đã được nêu trong Luật và Nghị định thi hành Luật…

Phóng viên, biên tập viên khi được phân công đi viết hoặc biên tập về các đề tài, đặc biệt về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường cần cập nhật liên tục những kiến thức mới của ngành, khảo sát và phản ánh thực tiễn từ doanh nghiệp, nhà sản xuất… để có những bài viết mang tính phản biện và phản ánh trung thực Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, thúc đẩy sản xuất phát triển hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Thảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn