Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ đạo Phật, được nhắc đến trong kinh Vu-lan-bồn (Ullambana Sutra) với hình ảnh "trái cây năm màu". 5 màu tượng trưng cho "ngũ thiện căn" theo quan niệm nhà Phật, gồm: tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).
Mâm ngũ quả ngày Tết là món quà dâng tặng ông bà tổ tiên và mang đậm màu sắc tín ngưỡng, tâm linh. Do vậy, các gia đình cần hiểu rõ về phong tục cũng như ý nghĩa các loại quả để bày sao cho đúng và thể hiện đầy đủ ý nghĩa.
Việc lựa chọn 5 loại quả bày lên mâm ngũ quả tùy thuộc vào quan niệm văn hóa cũng như đặc trưng về sản vật của các vùng miền. Mỗi loại quả có những ý nghĩa riêng, thể hiện qua hình dáng, hương vị, màu sắc hay thậm chí là cả cách đọc tên.
Cách trang trí mâm ngũ quả ngày Tết có thể theo Ngũ hành, 5 loại quả với 5 màu sắc tượng trưng cho 5 nguyên tố tạo nên trời đất là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Tuy nhiên đây không phải là nguyên tắc bắt buộc.
Ở miền Bắc, mâm ngũ quả thường có chuối xanh, bưởi, Phật thủ, cam, quất, táo, lựu... Trong đó, nải chuối xanh với hình dáng như bàn tay xòe ngửa được đặt ở dưới cùng, tượng trưng cho sự chở che, nâng đỡ. Ở vị trí chính giữa và nhô cao là quả bưởi hoặc Phật thủ. Những loại quả nhỏ khác được bố trí xen kẽ tạo thành kết cấu hài hòa về màu sắc và bố cục.
Trong khi đó mâm ngũ quả miền Nam thường được mô tả bằng câu nói "cầu vừa đủ xài sung". Tương ứng với đó là 5 loại quả có cách phát âm tương tự là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung. Dưa hấu, thanh long, dứa (thơm) cũng thường được người miền Nam đặt lên mâm ngũ quả.
Trái với miền Bắc, mâm ngũ quả miền Nam không có chuối, cam và quýt. Chuối có cách đọc gần với "chúi", mang ý nghĩa đi xuống nên được coi là không tốt. Trong khi đó cam và quýt lại gắn với câu "quýt làm cam chịu".
Bên cạnh đó, các gia đình còn có thể bày các loại quả theo nhiều cách khác. Thậm chí có thể trang trí thêm bằng các loại hoa để mâm ngũ quả thêm màu sắc.
Bình luận