(VTC News) – Một xét nghiệm đơn giản giúp bạn phát hiện ra căn bệnh ung thư đã giết chết 9.000 người mỗi năm.
Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 9.000 người ở Anh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy. Đây là loại ung thư phố biến và đứng thứ 11. Trong đó, chỉ có 3% người mắc ung thư tuyến tụy có cơ hội sống sốt, trong khi đó bệnh ung thư vú là 87%, ung thư tinh hoàn là 98%.
Ung thư tuyến tụy đã cướp đi sinh mạng của huyền thoại âm nhạc Italy - Luciano Pavarotti, diễn viên nổi tiếng Patrick Swayze và người sáng lập Apple - Steve Jobs. Mới đây, nam diễn viên Sir John Hurt cũng tiết lộ ông mới được chẩn đoán ung thư tuyến tụy 6 tuần trước.
Dù đây là căn bệnh nguy hiểm nhưng các dấu hiệu biểu hiện của bệnh lại không rõ ràng như vàng da, giảm cân nên rất dễ bị bỏ qua do nhầm lẫn với các bệnh thông thường (stress, khó tiêu, trào ngược axit). Những người mắc bệnh ung thư tuyến tụy thường là do tiền sử gia đình có người mắc bệnh, người nghiện thuốc lá, người béo phì và những người trên 50 tuổi bị bệnh tiểu đường mới khởi phát.
Nhờ 3 loại protein mới phát hiện sẽ giúp sàng lọc sớm bệnh ung thư tuyến tụy. |
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại tại Viện Ung thư Barts, Đại học Queen Mary, London (Anh) đã xác định được 3 loại protein đưa ra dấu hiệu cảnh báo sớm và chính xác căn bệnh ung thư tuyến tụy. Nó cũng giúp phân biệt được ung thư tuyến tụy với bệnh viêm tụy mạn tính với độ chính xác là hơn 90%. Theo đó, bệnh nhân chỉ cần xét nghiệm nước tiểu để sàng lọc nguy cơ phát triển bệnh của bản thân.
Nghiên cứu này dựa trên 488 mẫu nước tiểu. Trong đó, 192 mẫu từ bệnh nhân ung thư tuyến tụy, 92 mẫu từ bệnh nhân bị viêm tụy mạn tính, and 87 mẫu từ những người tình nguyện khỏe mạnh. 117 mẫu từ những bệnh nhân bị bệnh u gan lành tính và ác tính, bị viêm đường mật.
Đây được xem là một xét nghiệm đơn giản, chi phí thấp nhưng giúp phát hiện ra căn bệnh ung thư nguy hiểm, nhờ đó cứu sống hàng trăm người mỗi năm. Các chuyên gia hy vọng phát hiện mới này sẽ giúp nhiều bệnh nhân khi nghiên cứu được nhân rộng và thử nghiệm lâm sàng.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Tatjana Crnogorac-Jurcevic cho biết: “Chúng tôi chú trọng vào việc xét nghiệm chẩn đoán bệnh qua nước tiểu vì nó có những điểm thuận lợi hơn xét nghiệm máu. Nó là xét nghiệm có thể lặp lại và không xâm lấn. Chúng tôi hy vọng có thể phát triển xét nghiệm đơn giản, rẻ tiền này và đưa vào sử dụng lâm sàng trong vài năm tới”.
Đồng tác giả nghiên cứu và là Giám đốc Viện Ung thư Barts, Nick Lemoine cho rằng phát hiện này có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong tỷ lệ người bệnh được cứu sống: “Với ung thư tuyến tụy, bệnh nhân thường được chẩn đoán ở giai đoạn cuối. Nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn 2, tỷ lệ sống sót là 20%, giai đoạn 1 với khối u nhỏ thì tỷ lệ này lên tới 60%”.
Thiên Hoa (Theo Dailymail)
Bình luận