• Zalo

Cách phát hiện áo ngực chứa chất lạ

Sức khỏeThứ Tư, 31/10/2012 01:53:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chỉ cần bóp vào áo ngực có thể phát hiện ra phía trong có chất lỏng và hạt lạ hay không.

(VTC News) – Chỉ cần bóp vàoáo ngực có thể phát hiện ra phía trong có chất lỏng và hạt lạ hay không.

Truy lùng áo ngực có hạt lạ gắt gao

Sáng 30/10, nhiều người dân ở ngõ 4, đường Hecman, TP. Vinh - Nghệ An phát hiện có nhiều gói thuốc lạ trong áo ngực mua ở các chợ Vinh với giá 35.000-60.000 đồng/chiếc.

Áo ngực Trung Quốc có hạt lđược bán tràn lan tại Việt Nam
Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng đã mời 3 hộ kinh doanh áo ngực mang một số nhãn hiệu của Trung Quốc bán tại chợ Cồn đến làm việc.

Tiến hành rạch một số mẫu áo nghi chứa chất lạ và ghi nhận nhiều áo ngực trong lô hàng của chủ kinh doanh Lê Thành Nhân (ki-ốt 36) và của bà Nguyễn Thị Nò (ki-ốt 11), đội quản lý thấy có chứa dung dịch màu trắng cùng nhiều viên màu trắng.

Bà Huỳnh Thị Thanh Nga, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, cho biết 117 chiếc áo ngực mà đơn vị thu giữ qua kiểm tra đều là hàng nhập lậu mang nhãn hiệu Trung Quốc; không có hóa đơn, chứng từ; không có nhãn phụ bằng tiếng Việt nên sẽ bị tịch thu và xử phạt.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam cũng đã chính thức có văn bản đề nghị tổng kiểm tra ngay tất cả các áo ngực trên toàn tỉnh và khuyến cáo người dân thông báo đến cơ quan chức năng và chỉ rõ người buôn bán mặt hàng này cho cơ quan chức năng dễ kiểm tra hơn.

Ông Trần Ngọc Mỹ, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Nam cho biết, Đội đã tiến hành mở niêm phong 35 áo ngực không rõ nguồn gốc xuất xứ và nghi chứa “thuốc lạ” thu giữ trước đó tại shop Diễm-Trung tâm thương mại Tam Kỳ do bà Huỳnh Thị Thúy Diễm làm chủ.

Theo đó, 6 mẫu trong tổng số 35 áo ngực bị tạm giữ sẽ được mang đi xét nghiệm. “Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Nam sẽ có thông báo cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng”, ông Mỹ nhấn mạnh.

Ở tỉnh Phú Yên, ông Phạm Đình Thi, Chi cục trưởng Chi cục cho biết tỉnh này chưa tạm giữ mặt hàng này, khi nào kiểm tra và xác định hàng không rõ nguồn gốc mới tiến hành xử lý.

Cũng ngay trong ngày 29/10, Đội số 2 Chi cục QLTT TT- Huế kiểm tra và phát hiện tại quầy hàng bán áo quần của bà Nguyễn Thị Mỹ Xuyên ở chợ Bến Ngự (Huế) một áo nịt ngực nhãn hiệu New Marneric có 2 túi dung dịch, trong đó mỗi túi có chứa 3 viên “thuốc lạ”.

 

Khi chọn mua áo ngực, chị em có thể sờ nắn, nếu bên trong chứa dung dịch và thuốc lạ thì sẽ cảm thấy có các hạt nhỏ chạy qua chạy lại.

Bà Huỳnh Thị Thanh Nga, Đội trưởng Quản lý thị trường số 1 Đà Nẵng
 
Tiếp tục kiểm tra lô hàng của bà Xuyên, lực lượng Chi cục QLTT tiếp tục thu giữ 21 áo nịt ngực gồm các nhãn hiệu: Ajiting, Marneric và nhiều loại tiếng Trung Quốc đều có chứa “thuốc lạ”.

Bà Xuyên cho biết, toàn bộ số hàng này được bà mua lại của 1 người bán hàng xách tay với giá 55- 65 ngàn đồng/cái và bà bán lại cho người tiêu dùng từ 90- 110 ngàn đồng/ cái.

Ông Kỳ Hữu Đông - Đội trưởng Đội số 2 Chi cục QLTT tỉnh TT- Huế cho biết, số áo nịt ngực nữ của bà Xuyến không có hóa đơn chứng từ, toàn bộ lô hàng này đều có nguồn gốc xuất xứ tại Trung Quốc, vì thế lực lượng QLTT tạm giữ để làm rõ và gửi túi dung dịch và những viên “thuốc lạ” trong áo nịt ngực đi xét nghiệm tại cơ quan chức năng.

Để bảo vệ người tiêu dùng, trong thời gian tới, lực lượng QLTT tỉnh TT – Huế sẽ tiếp tục kiểm tra ở khắp các chợ trên địa bàn TP Huế. Nếu phát hiện áo nịt ngực có viên “thuốc lạ” sẽ lập tức lập biên bản thu giữ.

Không chỉ ở những tỉnh trên, ở Thái Nguyên, Hà Nội, nhiều chị em cũng phản ánh mua phải áo ngực  Trung Quốc, thậm chí áo ngực đề Made in Vietnam cũng chứa dịch và hạt lạ.

Làm thế nào để tránh?

Áo có chất lỏng và hạt lở phía trong.
Bà Huỳnh Thị Thanh Nga, Đội trưởng Quản lý thị trường số 1 Đà Nẵng tư vấn: Khi chọn mua áo ngực, chị em có thể sờ nắn, nếu bên trong chứa dung dịch và thuốc lạ thì sẽ cảm thấy có các hạt nhỏ chạy qua chạy lại.

Trong khi người tiêu dùng lo lắng thì các ngành chức năng vẫn loay hoay không xác định được việc kiểm định những chiếc áo ngực chứa "dị vật" thuộc về đơn vị nào...

Về trách nhiệm kiểm nghiệm hạt lạ trong áo ngực, ông Phạm Đình Thi, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường (QLTT) TP Tuy Hòa cho biết: Việc kiểm định chất lượng hàng hóa thuộc trách nhiệm của Sở Khoa học Công nghệ, công tác bảo vệ sức khỏe người dân lại thuộc Sở Y tế vì vậy chi cục sẽ mời các đơn vị liên quan đến quản lý hàng hóa thương mại để bàn biện pháp giải quyết. 

Trong khi đó, theo Sở Khoa học Công nghệ, trực thuộc sở này có Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) cũng quản lý việc lưu thông hàng hóa trên thị trường, nhưng phải là hàng hóa có xuất xứ. 

Ông Lê Văn Cựu, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Phú Yên cho biết: Chuyện quản lý mặt hàng áo ngực phụ nữ lâu nay ít được quan tâm, nên chỉ đến khi có thông tin phản ánh của người dân thì đơn vị mới biết. Vấn đề là hiện Chi cục TCĐLCL không đủ năng lực để kiểm nghiệm mà chỉ ở những trung tâm lớn.

 

Khi một dung dịch dính vào da mà gây ngứa thì đó là dị ứng. Nhưng silicone y tế không gây dị ứng nên được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực thẩm mỹ. Chất lạ này khi dính vào da gây ngứa nên cần nghiên cứu, đánh giá xem đó là chất gì.

Bác sĩ Nguyễn Viết Lượng, Trung tâm Điều trị da liễu - thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia
 
Ông Cựu cho biết thêm: Vì số sản phẩm này không có nguồn gốc xuất xứ nên Chi cục QLTT cần tham mưu cho UBND tỉnh để có hướng kiểm tra, giám định loại dung dịch có trong áo ngực là loại chất gì, ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe người sử dụng.

Giữa lúc các cơ quan chức năng chưa thể xác định được trách nhiệm thuộc về ai thì người tiêu dùng vẫn là đối tượng sẽ gánh chịu mọi hậu quả nếu loại dung dịch này có độc hại.

Bà Phan Thị Hồng Thỏa ở Liên Trì 2, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) lo lắng: Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng sớm có kết quả về tác dụng, cũng như ảnh hưởng của “dị vật” có trong áo ngực. Nếu có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì nên công bố cho người dân được rõ để phòng ngừa và điều trị... 

Liên quan đến việc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ông Phan Văn Thiền, Chánh Thanh tra Sở Y tế Phú Yên khẳng định: "Đối với sức khỏe người tiêu dùng thì Sở Y tế cũng có trách nhiệm. Tuy nhiên ngành Y tế cần có sự phối hợp của các cơ quan liên quan, tiến hành lấy mẫu, kiểm định, nếu có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng thì phải tìm cách điều trị cho những người bị ảnh hưởng.

Đồng thời trước khi kiểm định dung dịch này thì Chi cục QLTT phải có biện pháp dừng lưu thông sản phẩm này để chờ kết quả".

PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa - trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết chưa có nghiên cứu nên không thể nói chất lạ có trong áo ngực Trung Quốc dành cho phụ nữ vừa được phát hiện ở nhiều tỉnh, thành là độc hay không.

Tuy nhiên, với một sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì người tiêu dùng nên cảnh giác. Có thể những chiếc áo ngực này sử dụng một dạng polymer để tạo cảm giác thật hơn cho người sử dụng, bởi bản thân những chất lỏng thường mang lại cảm giác thật hơn so với các sản phẩm áo truyền thống chỉ lót bằng xốp. Tuy nhiên, việc kiểm nghiệm chất này sẽ không đơn giản và khá tốn kém.

Theo bác sĩ Nguyễn Viết Lượng, Trung tâm Điều trị da liễu - thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia, về nguyên tắc, khi một dung dịch dính vào da mà gây ngứa thì đó là dị ứng nhưng silicone y tế không gây dị ứng nên được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực thẩm mỹ.

Chất lạ này khi dính vào da gây ngứa nên cần nghiên cứu, đánh giá xem đó là chất gì. Một số bác sĩ thẩm mỹ cũng khẳng định nếu những túi nước lạ chứa hạt nhựa đặt vào trong áo để massage nở ngực, săn ngực thì đó là lừa dối.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Hưng, Tổng Thư ký Hội Da liễu Việt Nam cho biết trong quá trình khám chữa bệnh, có khá nhiều trường hợp bị dị ứng mẩn đỏ, nổi các mụn nước do mẫn cảm với các thành phần thuốc nhuộm, chất bảo quản quần áo nói chung, đặc biệt là quần áo lót trôi nổi.

Vì thế, người tiêu dùng nên thận trọng với quần áo màu mè, dùng quá nhiều phụ kiện bằng kim loại hay những chất lạ chưa có kiểm nghiệm thành phần, chất lượng… đặc biệt là những sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với các phần nhạy cảm của cơ thể.





Nam Anh (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn