• Zalo

Cách nói 'xuống cơ sở, xuống địa phương' khiến dân thấy cán bộ 'quan cách, bề trên'

Thời sựThứ Tư, 27/11/2019 06:28:00 +07:00Google News

Chuyên gia ngôn ngữ cho rằng cách nói “xuống cơ sở, xuống địa phương” khiến người dân thấy cán bộ rất “xa cách, bề trên”.

“Xuống cơ sở, xuống địa phương” là cách nói, cách viết thường được sử dụng hiện nay trong đời sống và trong văn bản hành chính.

Lãnh đạo các cơ quan chính quyền tỉnh/thành, quận/huyện khi nói về việc cử cán bộ đến giải quyết công việc thường nói: Chúng tôi cử anh em xuống cơ sở. Lãnh đạo cấp trên thăm địa phương thường nói: Đi xuống cơ sở, xuống địa phương... Gần như không thấy quan chức cấp trên nào nói "Về địa phương, về cơ sở".

Nhiều người cho rằng, cách nói thể hiện khoảng cách giữa người dân và những người làm việc trong các cơ quan Nhà nước, khiến dân và cấp dưới cảm thấy quan chức, cán bộ xa dân, bề trên.

Trước vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn - Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội) có những chia sẻ với phóng viên báo VTC News.

- Hiện nay, lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương thường hay dùng từ "xuống cơ sở, xuống địa phương". Theo ông, cách nói này bắt nguồn từ đâu?

Cách nói này phản ánh quan niệm chung của người Việt về vận động theo các hướng đối lập từ không gian địa lý (lên núi - xuống biển, lên tầng 4 - xuống tầng 2) đến không gian xã hội (lên trung ương - xuống địa phương, lên tỉnh - xuống huyện).

Tuy nhiên, khi dùng để chỉ các vận động trong không gian xã hội nó có thể nảy sinh các hàm ý không hay.

- Nhiều người cho rằng cách nói này thể hiện thái độ bề trên của người lãnh đạo?

 
pgs-nguyen-hong-con

 

Cách nói "xuống cơ sở" mặc dù không sai về mặt ngôn ngữ, nhưng dễ làm cho người ta có ấn tượng là "cán bộ" ở trên, còn "dân" (cơ sở) ở dưới.

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn

Đúng thế. Người dân đánh giá cán bộ dựa trên cách làm việc, giao tiếp của cán bộ với dân. Vì thế, tôi cho rằng, cách nói "xuống cơ sở" mặc dù không sai về mặt ngôn ngữ, nhưng dễ làm cho người ta có ấn tượng là "cán bộ" ở trên, còn "dân" (cơ sở) ở dưới, trong khi quan niệm đúng đắn thì cán bộ không phải là "quan trên" mà là "công bộc' của dân.

Cách nói "xuống cơ sở", vì vậy, cũng ít nhiều làm cho người dân có cảm giác cán bộ ở trên dân hay xa cách với dân.

- Ngoài cách nói "xuống cơ sở" trong các đơn từ hành chính, người viết đơn hay dùng từ "xin" thay cho "đề nghị". Ví dụ như "Đơn xin xác nhận", "Đơn xin cấp lại giấy CMND"... Phải chăng điều này thể hiện quan niệm về một nền hành chính quan liêu, cửa quyền, hách dịch, thưa ông?

Đây cũng là các cách nói (viết) phản ánh các quan niệm hành chính cũ: Người dân là đối tượng được/bị quản lý chứ không phải là người được phục vụ và cán bộ nhà nước là người quản lý (quan) chứ không phải là người phục vụ (công bộc) của dân.

Tôi nghĩ, cách viết này nên thay đổi, đặc biệt là trong các văn bản, biểu mẫu hành chính, khi chúng ta chủ trương xây dựng một chính quyền "của dân, vì dân và do dân".

Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý rằng, cách nói "xuống cơ sở..." hay cách viết "đơn xin..." phản ánh cách nói, cách viết thường gặp từ trước đến nay trong tiếng Việt. Mặc dù cách nói này ít nhiều thể hiện khoảng cách giữa người cán bộ và dân nhưng không phải cán bộ nào sử dụng cách nói, cách viết này cũng biểu hiện thái độ bề trên hay xa cách dân hoặc có những hành xử đáng tiếc.

Việc cán bộ xa dân, quan cách với dân, thậm chí hành xử như côn đồ với dân có nguyên nhân sâu xa từ suy thoái về phẩm chất đạo đức, nhân cách, sự rèn luyện của mỗi cán bộ và những thiếu sót trong lựa chọn, đào tạo, bồi dường cán bộ của các cơ quan. 

cong an thai nguyen

Một số cán bộ thời gian qua có cách hành xử không đúng, thậm chí có tính chất côn đồ với người dân.

- Bác Hồ từng dạy, mỗi cán bộ, công chức là "công bộc của dân" nhưng dường như lời dạy đó càng phai nhạt trong cuộc sống hiện tại, thưa ông?

Đúng thế. Và điều đáng buồn đó lại xảy ở các bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với nhân dân, làm méo mó hình ảnh độ ngũ cán bộ, công chức, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối Đảng và chính quyền.

Để lấy lại hình ảnh một nhà nước thực sự "của dân, vì dân, do dân”, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền, có nhiều việc cần làm, nhưng có lẽ việc cần làm nhất là xây dựng một đội ngũ cán bộ công chức liêm chính, làm việc, ứng xử như là "công bộc" của nhân dân, theo đúng tinh thần Hồ Chí Minh. 

Xin cảm ơn ông!

Mộc Lan
Bình luận
vtcnews.vn