Cách nhận biết vạch kẻ đường cấm đỗ xe, dừng xe
Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT hiện đang quy định 2 loại vạch kẻ đường cấm đỗ xe, dừng xe gồm vạch 6.1: “Vạch cấm đỗ xe trên đường” và vạch 6.2: “Vạch cấm dừng xe, cấm đỗ xe trên đường”.
Vạch 6.1 - “Vạch cấm đỗ xe trên đường” là vạch đứt khúc màu vàng được sơn tại một trong 2 vị trí sau:
1. Trên bó vỉa sát mép mặt đường phía cấm đỗ xe.
Bề rộng phần sơn vàng của vạch 6.1 được lấy bằng bề rộng viên đá vỉa hoặc tối thiểu 15 cm. Ngoài ra bề rộng phần sơn vàng được kéo dài trên toàn bộ mặt vát hoặc mặt đứng của viên đá vỉa phía tiếp giáp với mặt đường.
2. Trên mặt đường khi không có bó vỉa sát mép mặt đường.
Vạch 6.1 được sơn trên mặt đường phía cấm đỗ xe, cách mép mặt đường 30 cm với bề rộng vạch là 15cm.
Vạch 6.2 - "Vạch cấm dừng xe, cấm đỗ xe trên đường" là vạch nét liền màu vàng được sơn tại các vị trí sau:
1. Trên bó vỉa sát mép mặt đường phía cấm dừng xe hoặc đỗ xe.
Khi vạch 6.2 được bố trí trên bó vỉa, bề rộng phần sơn vàng được lấy bằng bề rộng viên đá vỉa hè hoặc tối thiểu 15cm. Ngoài ra bề rộng phần sơn vàng được kéo dài trên toàn bộ mặt vát hoặc mặt đứng của viên đá vỉa phía tiếp giáp với mặt đường.
2. Trên mặt đường phía cấm dừng/đỗ xe khi không có bó vỉa sát mép mặt đường.
Vạch 6.2 được sơn cách mép mặt đường 30cm với bề rộng là 15cm.
Ý nghĩa vạch cấm đỗ xe, dừng xe trên đường
Vạch 6.1 có ý nghĩa báo hiệu không được phép đỗ xe bên đường. Vạch này được sử dụng độc lập hoặc phối hợp với ký hiệu chữ “Cấm đỗ xe” trên mặt đường và biển báo “Cấm đỗ xe”.
Ngoài ra, tùy vào nhu cầu về giao thông ở từng đoạn đường mà có thể đặt thêm biển báo phụ ghi rõ thời gian cấm đỗ xe và phạm vi, đối tượng cấm đỗ xe.
Vạch 6.2 có ý nghĩa báo hiệu không được phép dừng xe, đỗ xe bên đường. Vạch này có thể sử dụng phối hợp với ký hiệu chữ “cấm dừng, đỗ xe” trên mặt đường và biển báo “Cấm dừng, đỗ xe”.
Ngoài ra, tùy vào nhu cầu về giao thông ở từng đoạn đường mà có thể đặt thêm biển báo phụ ghi rõ thời gian cấm dừng đỗ xe và phạm vi, đối tượng cấm dừng đỗ xe.
Bình luận