Xôi là món không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống của người Việt, đặc biệt phải có trong mâm cỗ Tết để thắp hương cho gia tiên, thần linh. Ngoài xôi trắng truyền thống, nhiều gia đình chọn làm xôi gấc có màu đỏ với mong muốn đem lại may mắn cho cả năm. Món này tuy dễ nấu nhưng để thành phẩm thơm ngon mềm dẻo, để lâu không bị cứng thì không đơn giản. Nắm được mẹo nấu xôi ngon, bạn sẽ không cần phụ thuộc vào dịch vụ trong ngày Tết.
Cách nấu xôi ngon
Nguyên liệu
- Gạo nếp: Đây là "linh hồn" quyết định 70% độ ngon của món xôi cho mâm cỗ Tết. Nên chọn loại có hạt màu trắng đục, chắc đều, căng bóng. Tỉ mỉ hơn, có thể nhai thử một vài hạt gạo để chọn loại ngọt tự nhiên, thơm mùi lúa mới. Tuyệt đối tránh loại hạt có màu quá trắng vì đã bị xay xát quá kỹ làm mất đi chất cám chứa nhiều dinh dưỡng.
- Muối
- Dầu ăn hoặc mỡ
- Chõ hoặc nồi nấu xôi
Thực hiện
- Tùy vào từng loại gạo nếp khác nhau mà xác định thời gian ngâm khác nhau. Khâu này giúp cho hạt xôi dẻo và thơm hơn. Thường bạn cần ngâm 6 - 8 tiếng, nếu để quá lâu, gạo sẽ bị chua và lúc nấu sẽ nát, làm mất vị ngon của xôi. Một mẹo nhỏ là khi ngâm, nên bỏ thêm ít muối để khử mùi và tạo hương vị đậm đà khi xôi chín.
- Bước cho gạo vào nồi rất quan trọng nhưng lại ít người để ý đến. Lỗi thường gặp của nồi xôi là nhão lớp giữa, khô lớp trên và khô cả phần đáy, một phần do để lửa không đều, phần khác là do không tạo độ thông thoáng cho hạt nếp. Vì vậy, cần rải đều nếp vào nồi để khi nấu, nếp chín đều. Nên dùng tay bốc từng nắm gạo cho vào nồi thay vì đổ tất cả vào cùng lúc. Trong lúc nấu, có thể dùng đũa chọc 3-4 lỗ to để giúp không khí được lưu thông dễ dàng.
- Lượng nước căn đến 1/3 thành nồi để giúp xôi mềm nhưng không bị nát. Sau khi đổ nước vào, hãy đợi sôi mới đặt chõ lên, sau đó giữ nhiệt độ ổn định. Nhiệt độ quá cao hay quá thấp đều khiến cho xôi không chín đều.
- Đun từ 30-40 phút, cứ 10 phút lại mở nắp một lần, lau khô hơi nước ở nắp nồi, đảo đều gạo để xôi chín và ráo.
- Bước cuối cùng để hoàn thiện món xôi là cho một ít dầu ăn hoặc mỡ vào và đảo đều, hạt xôi sẽ căng bóng và rất mềm mượt, đĩa xôi tổng thể sẽ ngon miệng bắt mắt.
Cách nấu xôi gấc đỏ tươi
Nguyên liệu nấu xôi gấc
- 2 kg gạo nếp (chọn gạo nếp ngỗng hoặc nếp nương để hạt to và ngon hơn)
- 1 quả gấc chín đỏ (nên chọn quả gai thưa và thịt mỏng thì thịt quả sẽ ngon hơn)
- 2 thìa rượu gạo
- Muối, dầu ăn
- Dừa nạo, nước cốt dừa
- Chõ hoặc nồi nấu xôi
Thực hiện
- Gạo nếp vo sạch (không nên vo quá kỹ để tránh mất đi chất dinh dưỡng từ gạo), đem ngâm với nước sạch trong 6 đến 8 tiếng cho xôi thơm và dẻo. Gạo nếp ngâm xong thì rửa lại với nước cho sạch và để ráo. Cho 1 thìa cà phê muối và 20ml dầu ăn vào gạo rồi trộn đều.
- Gấc cắt đôi, gỡ lấy phần thịt bên trong và bỏ hạt. Để gấc dậy mùi thơm và giữ màu đỏ bắt mắt, cho 15 ml rượu gạo vào trộn đều.
- Trộn gấc và gạo nếp đã sơ chế, để trong vòng 1 tiếng để gạo ngấm màu của gấc. Đổ nước đến 1/3 thành nồi, đun cho nước sôi mới đặt chõ lên. Từ lúc này, cần giữ nhiệt độ ổn định. Nhiệt độ quá cao hay quá thấp đều khiến cho xôi không chín đều.
- Thời gian hông xôi tầm 30-40 phút, cứ 10 phút lại mở một lần, lau khô hơi nước ở nắp nồi, đảo đều gạo để xôi chín và ráo. Sau 20 phút thì mở vung, rưới 50 ml nước cốt dừa với dầu ăn lên bề mặt xôi, tiếp tục dùng đũa xới đều lên rồi hông tiếp 20 phút cho xôi chín hẳn. Nhớ đảo đều và đậy nắp, để trong vòng 5 phút rồi tắt bếp.
- Khi nấu xong, lấy xôi bỏ vào khuôn sau đó nén nhẹ và úp ra một chiếc đĩa sạch. Có thể rắc thêm dừa nạo lên trên để thêm phần nổi bật hơn.
Bình luận