Theo thống kê, trong tháng 9, bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM đã tiếp nhận bệnh nhi khám hô hấp ở trẻ em ngoại trú gồm: viêm hô hấp trên 50.343 trẻ, viêm hô hấp dưới 41.701 trẻ. Ngoài ra, bệnh nhi ở nội trú gồm viêm hô hấp dưới có đến 3.020 trẻ và viêm hô hấp trên 843 trẻ.
Bệnh hô hấp ở trẻ thường xảy ra từ tháng 9 đến tháng 11, vì thời điểm này thời tiết đang chuyển mùa khô sang mùa mưa là một môi trường “lý tưởng” cho các loại virus phát triển nên bệnh lý đường hô hấp sẽ tăng cao.
Ngoài ra, với hệ miễn dịch còn non nớt, trẻ sơ sinh và những bé dưới 2 tuổi rất dễ trở thành “miếng mồi ngon” để các loại virus tấn công.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong - Quyền Trưởng khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, đây là thời điểm thuận lợi làm tăng các bệnh ở trẻ, và đặc biệt tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp gia tăng.
Cũng theo bác sĩ Phong, đường hô hấp là nơi nhiều mầm bệnh (virus, vi khuẩn) dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở. Đối với trẻ, đường thở ngắn và hẹp nên mầm bệnh sẽ dễ lây lan hơn.
Đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, bệnh đường hô hấp thường xuyên tấn công do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên sức đề kháng và khả năng miễn dịch kém. Chính vì vậy, trẻ không đủ sức chống đỡ với sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Bác sĩ Phong nói: “Bệnh đường hô hấp thường có những dấu hiệu như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, sốt, chóng mặt, đau đầu và đau họng. Khi phát hiện những dấu hiệu trên, gia đình cần đưa con đến bác sĩ chuyên khoa để khám, chẩn đoán, điều trị và tư vấn kịp thời. Vì có một số loại bệnh cúm diễn biến rất nhanh và ồ ạt có thể khiến bệnh nhân tử vong".
Theo bác sĩ Phong, đường hô hấp có rất nhiều bệnh lý như viêm mũi họng, viêm đường hô hấp trên, viêm thực phế quản, viêm phổi… Trong đó, viêm phổi là bệnh lý nguy hiểm nhất có khả năng tử vong cao.
Để phòng bệnh đường hô hấp ở trẻ em khi đang giao mùa, gia đình cần cho trẻ uống nhiều nước ấm, giữ gìn môi trường xung quanh sạch sẽ, vệ sinh mũi thường xuyên, bổ sung vitamin và khoáng chất, tiêm vắc xin để phòng chống các loại bệnh cho trẻ.
Ngoài ra, khi đưa con đi chơi vào buổi tối, bậc phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ ở một số bộ phận dễ phát bệnh như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu và không nên cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện cúm, viêm đường hô hấp, những chỗ đông người ngột ngạt và khói thuốc lá.
Video: Cô dâu xinh đẹp hô hấp nhân tạo cứu người chết đuối gây sốt cộng đồng mạng
Bình luận