Là một con người bình thường, việc tức giận là một cảm xúc rất đỗi bình thường. Có nhiều cách khác nhau để chúng ta thể hiện sự tức giận: bằng lời nói, hành động. Mặc dù đây là một phản ứng tự nhiên, nhưng đôi khi nó có thể vượt quá tầm kiểm soát và trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Giận dữ luôn khiến chúng ta trở nên mù quáng, các giác quan lúc này gần như chỉ tập trung vào cơn giận của bạn, và làm ảnh hưởng đáng kể đến khả năng đưa ra quyết định sáng suốt.
Điều này là một phần lý giải vì sao những người mất kiểm soát trong một cuộc tranh luận thường có xu hướng nói những câu từ không hay và lặp đi lặp lại cùng một điều. Bởi họ đã bị cơn giận lấn át mọi thứ và không thể suy nghĩ hay làm bất kỳ điều gì khác.
Khi không kiểm soát được các phản ứng của bản thân, chúng ta sẽ nói và làm những điều mà sau này có thể khiên bản thân hối hận - những hành động có thể gây tổn thương cho bản thân và những người xung quanh.
Vậy, làm thế nào kiểm soát cơn giận của bản thân trước một tình huống căng thẳng?
Luôn suy nghĩ trước, nói và làm sau
Thông thường, khi tranh cãi, chúng ta có xu hướng tìm cách làm tổn thương người đối diện hơn là cố gắng giải quyết mâu thuẫn. Chúng ta thường nói những lời lẽ nặng nề, chỉ trích, mang tính xúc phạm, đả kích hơn là cố gắng nói rõ về một vấn đề… Đây là kết quả của việc không suy nghĩ trước khi nói hoặc hành động.
Khi rơi vào tình huống tranh cãi căng thẳng, hãy cố gắng trấn tĩnh và tự hỏi bản thân những điều sau:
"Nói hay làm điều này có giúp giải quyết vấn đề không?"
"Điều mình sắp nói có xúc phạm người khác không?"
“Làm thế nào để mình có thể giải quyết vấn đề và chấm dứt cuộc tranh cãi này?”.
"Mình có thể nói gì để làm dịu tình hình?"
Luôn tự hỏi bản thân “Liệu điều này có đáng để tranh cãi không?”
Nếu như việc điều khiển bản thân phải suy nghĩ trước khi nói như đề cập ở trên quá khó đối với bạn, thì bạn chỉ cần nhớ một câu “thần chú”.
Bất cứ lúc nào, trước khi chuẩn bị bước vào một cuộc cãi vã, hãy tự đặt câu hỏi cho mình rằng liệu điều mình sắp làm có đáng không? Liệu những căng thẳng và tức giận mà cuộc tranh luận này mang đến cho bạn có đáng không? Đó cũng là thời gian để bạn có thể bình tĩnh nhìn nhận sự việc và điều chỉnh cảm xúc cá nhân.
Hãy nói, đừng hét
Vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng hơn nếu như bạn đối đáp một cách bĩnh tình thay vì cao giọng. La hét có thể khiến đối phương cảm thấy bị tấn công, và như một phản ứng phòng thủ, họ có thể lớn tiếng đáp lại và khiến cuộc tranh luận trở nên mất kiểm soát.
Nếu bạn cảm thấy quá khó khăn để tiếp tục câu chuyện bằng tông giọng bình thường, hãy đề nghị tạm dừng cuộc tranh luận. Bằng cách này, bạn tạo ra cho mình thời gian để bình tĩnh suy nghĩ hơn và nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo, thông suốt hơn.
Xin lỗi
Một trong những phần khó nhất nhưng quan trọng nhất là biết khi nào nên nói lời xin lỗi. Tranh luận chỉ để mình trở thành người chiến thắng là điều vô nghĩa. Nếu bạn là người phạm sai lầm, hãy nói lời xin lỗi. Ở phía ngược lại, nếu đối phương là người nhận ra lỗi, hãy rộng lòng đón nhận lời xin lỗi.
Đôi khi, bằng cách xin lỗi, chúng ta có thể cứu vãn các mối quan hệ và làm cho cuộc sống dễ dàng hơn. Xin lỗi có thể hóa giải cơn giận của một người. Lời xin lỗi cũng giúp cho cả hai bên cảm thấy tốt hơn, và từ từ tìm ra được tiếng nói chung.
Lời xin lỗi có thể khó nói, nhưng một khi bạn thực hiện, bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy gánh nặng được trút bỏ.
Bình luận