Quạt trần không chỉ có tính năng làm mát mà còn có tính trang trí rất cao. Khi lắp đặt quạt trần trong ngôi nhà, bên cạnh việc đảm bảo tính hiệu quả, thẩm mỹ, nhiều người còn muốn đáp ứng các yêu cầu về phong thủy.
Theo quan niệm phong thủy, quạt trần giúp lưu thông khí trong nhà, ngoài ra nó còn đẩy các năng lượng xấu, dòng khí tà uế ra khỏi nhà, cân bằng năng lượng trong không gian nhà ở, từ đó giúp ngôi nhà trở nên thoáng mát, trong lành hơn. Cách đặt quạt trần đúng phong thủy chính là cách bố trí hợp lý để mang lại nguồn năng lượng tích cực cho ngôi nhà.
Cách đặt quạt trần đúng phong thủy
Trước khi treo quạt lên trần, bạn cần chọn được vị trí phù hợp. Thông thường, quạt trần được đặt ở vị trí trần trung tâm của căn phòng, giúp cho cả phòng được mát mẻ khi quạt hoạt động.
Theo phong thủy, khi quạt trần quay, luồng sinh khí sẽ di chuyển theo chiều hướng tích cực, thu hút nguồn năng lượng tốt, đẩy năng lượng xấu ra khỏi căn phòng. Vì vậy, bạn nên chọn vị trí thoáng đãng, phía dưới ít nội thất nhất có thể giúp cho luồng sinh khí lưu lại lâu hơn trong phòng.
Để có thể lắp đặt quạt trần đúng phong thuỷ, trước tiên gia chủ cần hiểu rõ 4 phương vị ngũ hành, bao gồm:
- Chu Tước, ngụ ở phía trước, thường chỉ hướng Nam, về ngũ hành thuộc Hỏa, còn gọi là Tiền Chu Tước.
- Huyền Vũ, ngụ ở phía sau, thường chỉ hướng Bắc, thuộc Thủy, còn gọi là Hậu Huyền Vũ.
- Thanh Long, ngụ ở phía bên trái, thường chỉ hướng Đông, thuộc Mộc, còn gọi là Tả Thanh Long.
- Bạch Hổ, ngụ ở phía bên phải, thường chỉ hướng Tây, thuộc Kim, còn gọi là Hữu Bạch Hổ.
Theo các chuyên gia phong thuỷ, Thanh Long vị là nhuệ thú, có thể thúc đẩy cát khí; còn Bạch Hổ vị là hung thú, thường mang tới tai hoạ. Vì vậy, khi lắp đặt quạt trong nhà nói chung và quạt trần nói riêng, các gia đình nên lắp theo phương vị Thanh Long, tránh Bạch Hổ.
Ngoài ra, nên treo quạt cao gần sát trần để vừa giúp luồng sinh khí di chuyển nhanh hơn, thoáng hơn trong không gian vừa tạo cảm giác an toàn cho người sử dụng. Việc bạn treo quạt quá thấp còn ảnh hưởng đến chuyện đi lại, đến tầm nhìn cũng như vẻ đẹp chung của toàn bộ căn hộ. Độ cao hợp lý nhất để lắp đặt quạt trần là từ 2,5 đến 2,8m tính từ sàn. Tùy thuộc vào chiều cao của căn hộ mà bạn hạ quạt trần để tạo sự cân đối, hài hòa cho không gian.
Những vị trí hông nên lắp quạt trần
Để hạn chế những ảnh hưởng xấu do vị trí lắp đặt quạt trần, bạn cần lưu ý:
Không lắp quạt trần ở nơi thường xuyên có người ngồi
Bạn không nên lắp đặt quạt trần ở những không gian như bàn ăn, bàn trà, bàn làm việc, những nơi có người ngồi thường xuyên.
Theo phong thuỷ, việc lắp đặt quạt trần tại vị trí này có thể gây ảnh hưởng nhất định tới tâm lý, tinh thần và sức khoẻ. Con người dễ cảm thấy cơ thể, tinh thần mệt mỏi, không có năng lượng, ảnh hưởng tới năng suất lao động và chất lượng cuộc sống.
Không lắp quạt trần thẳng hướng cửa ra vào
Vị trí này được xem là vị trí tối kỵ theo nguyên tắc phong thuỷ. Các nhà phong thủy cho rằng việc lắp quạt trần thẳng hướng cửa ra vào sẽ ảnh hưởng không tốt đến luồng khí, từ đó tác động xấu đến con người.
Không để quạt trần thổi thẳng vào giường ngủ
Không ít gia đình lắp đặt quạt trần trong phòng ngủ thay cho điều hòa để trong những ngày nóng nực, họ vừa được hưởng gió mát lại vừa tiết kiệm điện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy, việc lắp đặt quạt trần trong phòng ngủ, nhất là để quạt trần thổi thẳng vào giường ngủ là điều tối kỵ.
Phòng ngủ được coi là nơi mang lại sức khỏe, sự tĩnh tâm, thư giãn cho gia chủ. Do đó, cần tránh sự đè nén, áp chế tại khu vực giường ngủ nói riêng và phòng ngủ nói chung. Việc lắp quạt trần trên khu vực giường ngủ sẽ khiến người nằm có cảm giác lo âu, không thoải mái. Việc lắp đặt quạt trần tại vị trí này cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ làm tăng nguy cơ cảm lạnh, trúng phong...
Không lắp quạt trần ở phương vị Bạch Hổ
Theo phong thuỷ, “Thanh Long vị cát, Bạch Hổ vị hung”, “Thanh Long thiên động, Bạch Hổ thiên tĩnh”. Bạch Hổ trong phong thuỷ là vị trí xấu, không nên lắp đặt quạt trần ở đây.
Để xác định phương vị Thanh Long – Bạch Hổ, chúng ta hãy đứng ở giữa phòng, mặt hướng về phía cửa. Khi đó, tay trái của chúng ta là Thanh Long, tay phải chính là phương vị Bạch Hổ.
(*) Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo.
Bình luận