Những ngày này, thời tiết Hà Nội nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung thường xuyên nồm ẩm. Đây là kiểu thời tiết đặc trưng của miền Bắc vào mùa xuân, khiến nhà cửa luôn trong tình trạng ẩm ướt, quần áo giặt lâu khô. Tủ quần áo dù đóng kín nhưng vẫn có thể bị ẩm mốc.
Trời nồm, dùng ngay cách này để chống ẩm mốc tủ quần áo
Để tủ quần áo không bị ẩm mốc khi trời nồm, bạn hãy áp dụng đồng thời những giải pháp sau:
Đóng kín cửa nhà
Cách chống ẩm mốc tủ quần áo khi trời nồm đầu tiên và quan trọng nhất là đóng kín các cửa nhà, cửa sổ xung quanh vào để hạn chế thấp nhất gió ẩm lùa vào nhà.
Việc giữ cho không khí trong nhà khô ráo những ngày nồm cũng giúp hơi nước ít xâm nhập vào tủ quần áo, từ đó giúp cho bề mặt cũng như xung quanh tủ khô ráo, các món đồ bên trong không bị mốc hay có mùi hôi.
Không kê tủ sát tường
Những ngày trời nồm, hiện tượng đọng nước không chỉ xảy ra ở sàn nhà mà còn xuất hiện cả trên tường lẫn trần nhà. Do đó, khi kê tủ bạn, nên kê cách tường một đoạn để tránh tình trạng nước đọng trên tường ngấm vào tủ, tạo môi trường để nấm cũng như vi khuẩn phát triển. Đây là một lưu ý quan trọng giúp chống ẩm mốc tủ quần áo khi trời nồm.
Chống ẩm cho tủ quần áo
Trước khi cất quần áo vào tủ, bạn phải đảm bảo chúng đã được giặt sạch sẽ và phơi khô, đừng vội cất đồ còn ẩm hoặc hơi ẩm vào tủ.
Quần áo trước khi cất nên được phân loại rõ ràng, loại nào gấp gọn, loại nào đem treo lên.
Một cách chống ẩm mốc tủ quần áo khi trời nồm khác là treo một túi chè khô hoặc bã cà phê khô vào góc tủ để hút ẩm. Chè và cà phê cũng có tác dụng khử mùi rất tốt. Bạn cũng có thể sử dụng những loại túi hút ẩm, túi thơm mua ở siêu thị.
Lưu ý, nên thay những chiếc túi hút ẩm khoảng 1 - 2 tháng/lần để bảo đảm nó phát huy công dụng tốt nhất.
Ở phía sau tủ - nơi tiếp xúc gần với bề mặt tường, bạn có thể sử dụng giấy báo hoặc bía cứng để lót, giúp ngăn độ ẩm từ tường xâm nhập vào tủ.
Xử lý tủ quần áo bị ẩm mốc
Nếu áp dụng những cách chống ẩm mốc tủ quần áo khi trời nồm nêu trên nhưng tình trạng mốc vẫn xuất hiện, bạn buộc phải xử lý.
Trước tiên, bạn hãy lấy toàn bộ quần áo ra ngoài và kiểm tra thật kỹ từng món đồ, nhất là những món để ở dưới cùng hoặc góc tủ, xem chúng có bị ẩm mốc không.
Tiếp đó, hãy lấy một chiếc khăn mềm thật sạch, thấm dung dịch giấm hoặc chanh, lau toàn bộ tủ, nhớ lau kỹ các ngăn và lau từ trong ra ngoài. Nếu các vết ẩm mốc xuất hiện nhiều, bạn nên sử dụng các loại nước tẩy rửa chuyên dụng.
Sau cùng, bạn lau sạch tủ với nước thường và khăn khô, để thoáng cho khô hẳn rồi mang quần áo để lại vào tủ.
Để tránh nấm mốc xuất hiện trở lại, bạn nên kiểm tra tủ quần áo xem có kẽ hở hay không và xử lý kịp thời.
Bình luận