Trước đó, theo Korea Times, khi đoàn thể thao Triều Tiên xuất quân, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt chỉ tiêu với các VĐV nước này là ít nhất 5 chiếc HCV và 12 tấm huy chương khác.
Nhưng sau 16 ngày tranh tài tại Rio, 31 vận động viên Triều Tiên tham gia thi đấu trong 9 nội dung tại Thế vận hội chỉ hai lần bước lên ngôi cao nhất, ba lần giành được vị trí á quân và hai lần nhận được tấm huy chương đồng, một kết quả thất vọng so với những gì mà họ làm được cách đây 4 năm ở London với 4 HCV và 2 HCĐ.
Ví dụ điển hình cho sự trồi sụt phong độ này là Om Yun-chol, VĐV cử tạ hạng 56 kg từng mang tấm huy chương vàng danh giá về cho Triều Tiên ở London 2012.
Video: Á quân người Triều Tiên khóc như mưa khi nhận huy chương bạc
Nhưng năm nay, đô cử 25 tuổi này đã không thể vượt qua cái bóng quá lớn của chính mình và để mất ngôi vị số một vào tay đối thủ người Trung Quốc Long Qingquan.
Thất vọng với màn trình diễn của mình, Om ngay lập tức gửi lời xin lỗi tới toàn thể người dân Triều Tiên và đặc biệt là nhà lãnh đạo Kim Jong-un, người mà theo đô cử này đã tạo cho anh “động lực để anh phấn đấu cống hiến hết mình cho đất nước”.
Theo giáo sư Toshimitsu Shigemura của Đại học Waseda, Tokyo, những người có thành tích thi đấu tốt trong mùa Olympic sẽ được chính quyền trao tặng những phần thưởng xứng đáng với những nỗ lực của họ.
“Đó có thể là những căn nhà mới khang trang hơn, cũng có thể là những món quà mang giá trị lớn về vật chất. Nhưng ông Kim chắc chắn sẽ không hài lòng về thành tích lần này”, Shigemura cho hay.
Cũng theo vị giáo sư này, “những người làm ông Kim thất vọng nhiều khả năng sẽ phải bị chuyển đến sống ở các ngôi nhà với chất lượng thấp hơn, đãi ngộ thấp hơn và thậm chí còn có thể bị gửi đến các mỏ than vì thành tích đi xuống của mình”.
Trước đó, hồi năm 2010, cũng xuất hiện một số tin đồn các thành viên ban huấn luyện và một số cầu thủ của đội tuyển bóng đá quốc gia Triều Tiên bị gửi đến các trại cải tạo hoặc các hầm mỏ sau trận thua bẽ bàng 0-7 trước Bồ Đào Nha trong khuôn khổ World Cup năm đó.
“Những người bị gửi tới làm việc ở hầm mỏ sẽ được phép trở lại sau một cho đến hai năm. Và điều này rất có thể xảy đến với các vận động viên tham gia Rio năm nay”, ông Shigemura nói.
Tuy nhiên, ông Kim Myong-chol, giám đốc điều hành Trung tâm hòa bình Mỹ - Triều Tiên kiêm người phát ngôn không chính thức cho chính quyền Bình Nhưỡng khẳng định, các vận động viên vẫn sẽ được chào đón nồng nhiệt và đối xử như người hùng ở quê nhà.
“Những người giành được huy chương sẽ được thưởng xứng đáng với nỗ lực mà họ bỏ ra”, ông Kim cho hay và không quên nhấn mạnh sẽ không có bất cứ hình phạt nào với các vận động viên dù thành tích của họ ở Olympic năm nay không được như kỳ vọng.
Thay vào đó, họ sẽ được khuyến khích và tạo điều kiện để “phục thù” vào Thế vận hội tiếp theo.
Bình luận