(VTC News) - Khi mà cuộc đua vào Nhà Trắng đang nóng lên từng ngày, các nhà quan sát của Nga cũng đã có những cái nhìn khái quát về những ứng viên Tổng thống của Mỹ và dự đoán những “chiêu bài” họ sẽ sử dụng với Matxcơva một khi trúng cử.
“Các chuyên gia Nga và công chúng đang theo dõi sát sao diễn biến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng để mường tượng ra quan hệ Nga-Mỹ sẽ đi theo chiều hướng nào sau tháng 11/2016”, Gevorg Mirzayan, nhà phân tích chính trị của Nga nhận định.
Nga cũng đang theo dõi sát sao diễn biến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng |
Bất đồng giữa Nga và Mỹ đã “vô hiệu hóa hầu hết các quy tắc trong mối quan hệ giữa hai quốc gia”, đồng thời nỗ lực buộc Matxcơva tiếp tục sống trong với những nguyên tắc suốt hai năm qua của Washington đã thất bại, đó là lý do điện Kremlin và Nhà Trắng cần phải làm mới mối quan hệ giữa hai bên.
“Đương nhiên, việc này phải xuất phát từ Washington. Một khi Obama đã không sẵn sàng và không thể làm được điều đó, vấn đề này chỉ còn trông đợi vào những người kế nhiệm của ông”.
Khả năng của bà Hillary Clinton
Tại thời điểm này, các cuộc thăm dò đều cho thấy cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang dẫn đầu trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Rõ ràng tất cả đều hiểu rằng, bà Hillary không phải là người kế nhiệm mà Nga mong muốn mặc dù xét trên một số khía cạnh, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ không ủng hộ việc cô lập Nga.
Thực tế, bà Hillary luôn đặt Nga trong thế đối đầu. Chính vì lý do này, cựu Ngoại trưởng Mỹ luôn ủng hộ việc mở rộng NATO trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương vẫn luôn rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Hillary Clinton |
“Trong mọi trường hợp, các chiến lược ngăn chặn Nga không chỉ không hiệu quả mà còn phản tác dụng. Nga không phải là Liên Xô. Vì vậy, nếu Washington muốn cải thiện quan hệ với Matxcơva, bà Hillary phải chấp nhận và nhìn nhận một thực tế rằng Nga là một cường quốc”.
Giới quan sát cũng lo ngại một khi đắc cử, bà Clinton sẽ đi theo con đường của ông Obama, trong đó bao gồm việc tiếp tục các lệnh trừng phạt, đồng thời áp đặt thêm những biện pháp mới đối với Nga.
Nga nhìn nhận về Bernie Sanders như thế nào?
Với ông Mirzayan, sẽ là “thú vị và thuận lợi hơn cho Nga” nếu ông Sanders trúng cử. Cũng giống như bà Hillary, ứng viên Đảng dân chủ cho rằng Nga “sẽ không có những hành động hiếu chiến” ở châu Âu hay các khu vực khác.
“Tuy nhiên, không giống như bà Hillary, thượng nghị sĩ đến từ Vermont không xem Nga là một trong những mối đe dọa đối với Mỹ trong thế giới hiện đại. Thay vào đó, ông coi Triều Tiên mới là mối đe dọa hàng đầu đến an ninh quốc gia.”
Bernie Sanders có vẻ là một ứng viên "hợp ý" với Nga |
Theo ông Sanders, Mỹ nên đóng một vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế nhưng đầu tiên phải thông qua ngoại giao, chứ không phải chiến tranh.
Trước đó, thượng nghị sĩ đến từ Vermont có mối quan hệ khá lâu dài với Nga. Nhưng điều này cũng không ngăn ông chỉ trích Nga sau cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea và kêu gọi cần phải có một biện pháp quân sự để giải quyết “vấn đề Nga” thay vì đàm phán.
Mặc dù vậy, Nga có vẻ sẽ dễ thở hơn nếu ông Sanders nên đắc cử bởi ứng viên Đảng dân chủ “sẽ dùng khoảng thời gian sau khi nhậm chức nếu có thể để xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa theo phong cách châu Âu ở Mỹ” thay vì quá chú tâm đến Matxcơva.
“Chỉ có điều, xác suất chiến thắng của ông Sanders là vô cùng nhỏ”.
Hiện tượng Donald Trump
“Ứng cử viên đảng Cộng hòa cho biết, ông ấy sẵn sàng cải thiện quan hệ với Nga. Ông ấy từng bày tỏ sự ngưỡng mộ với Tổng thống Putin và tỏ ra sẵn sàng hợp tác với Nga để giải quyết các vấn đề chính trị thế giới khác nhau”.
Theo ông Mirzayan, có một sự thật là ông Trump không có ý định phá hỏng mối quan hệ với Nga và “không có ý định tiếp tục các cuộc đối đầu có liên quan đến Matxcơva”.
Ông Trump sẽ là một ẩn số khó lường |
“Tất nhiên, rất khó để kết luận chắc chắn chỉ từ những tuyên bố dùng để tranh cử này đặc biệt là với những người như ông Trump. Tuy nhiên, không giống như bà Hillary, là một doanh nhân, ông ấy sẵn sàng xây dựng mối quan hệ với các đối tác của mình một cách thực dụng. Và điện Kremlin cũng không yêu cầu bất cứ điều gì nhiều hơn thế".
Tuy vậy đây chỉ là quan điểm của ông Mirzayan, còn với chuyên gia Theodore Roosevelt Malloch, một cố vấn uy tín toàn cầu chuyên tổ chức các hội nghị quốc tế, từng làm việc cho Liên Hợp Quốc và giữ nhiều vị trí cấp cao trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông lại có một quan điểm khác.
Theo ông, mặc dù từng khen ngợi ứng cử viên Đảng cộng hòa là "một người cực kỳ tài năng" và là "người dẫn đầu tuyệt đối", nhưng Tổng thống Putin có vẻ nghiêng về bà Hillary Clinton hơn vì ông tin rằng Matxcơva sẽ có một khoảng thời gian dễ dàng hơn với Washington nếu cựu nữ Ngoại trưởng làm chủ Nhà Trắng và bởi “người Nga ngại sức mạnh thực sự và ông Trump không có vẻ sợ đối đầu với bất kỳ ai, kể cả Putin".
Song Hy (theo Sputnik)
Bình luận