Cho đến thời điểm này, hầu hết các trường học ở Hà Nội đã tổ chức họp phụ huynh và tiến hành thu nhiều khoản tiền đầu năm học. Trong khi nhiều trường thực hiện khá nghiêm quy định của Sở GD-ĐT, không còn tình trạng "ấn định" tiền quỹ phụ huynh lớp, quỹ phụ huynh trường đối với phụ huynh, thì không ít trường vẫn tiến hành thu gộp nhiều khoản tiền trong dịp đầu năm học, hoặc ép phụ huynh nộp khoản thu vô lý, gây tâm lý bức xúc trong dư luận.
Tình trạng lạm thu vẫn tiếp tục diễn ra đầu năm học này |
Ðể tránh tình trạng một số trường tổ chức thu các khoản tự nguyện không bảo đảm quy trình, thiếu phê duyệt của cơ quan quản lý cấp trên, năm học này, Sở GD-ĐT Hà Nội đặc biệt lưu ý đến công tác quản lý thu chi đầu năm học.
Ðây là năm học thứ hai Hà Nội ban hành danh mục và mức trần cụ thể cho các khoản thu thỏa thuận, nhằm tránh tình trạng thu không đúng quy định.
Nhiều phụ huynh phản ánh, năm nay các khoản tiền đóng đầu năm học đã được các trường thu "rụt rè" hơn, có trường đã thu rải rác, "xé nhỏ" một số khoản từ cuối hè.
Nhiều trường thực hiện khá nghiêm túc quy định của Sở GD-ĐT, không còn tình trạng "ấn định" tiền quỹ phụ huynh lớp, quỹ phụ huynh trường đối với phụ huynh, mà kêu gọi các bậc cha mẹ theo hoàn cảnh kinh tế của gia đình "tùy tâm" đóng góp, không đóng cũng không sao.
Tuy đã có nhiều chuyển biến, nhưng ở một số trường vẫn còn tình trạng thu gộp nhiều khoản tiền trong dịp đầu năm học, hoặc ép phụ huynh nộp khoản thu vô lý, gây tâm lý bức xúc trong dư luận.
Chị Hồng Linh, phụ huynh học sinh Trường THCS Thượng Lâm (huyện Mỹ Ðức) phản ánh: "Gia đình tôi làm nông nghiệp, hằng ngày lo sáu, bảy miệng ăn còn chật vật, đầu năm học phải đóng ngót nghét năm, sáu triệu đồng cho hai con ăn học. Chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền đóng cho các con".
"Mà tôi thấy có những khoản tiền rất vô lý như: tiền đóng ủng hộ quỹ vệ sinh là 250 nghìn đồng/em/năm; tiền sao chụp đề kiểm tra tạm thu là 30 nghìn đồng/năm/em, thiếu sẽ thu thêm; tiền khám sức khỏe là 20 nghìn đồng/em; tiền gửi xe đạp là 100 nghìn đồng; điện, nước là 100 nghìn đồng; rồi quỹ lớp, quỹ trường... cứ "vẽ" ra đủ thứ để thu.
Không kể các khoản thu trước khi vào đầu năm học, cộng các khoản thu được quyết định trong buổi họp phụ huynh đầu năm, số tiền phải đóng vẫn lên đến hơn hai, ba triệu đồng/học sinh", chị Linh kể tiếp.
Một phụ huynh học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Hưng Ðạo (quận Thanh Xuân) cho biết, chị vừa đóng khoảng 1,5 triệu đồng/học sinh với quỹ trường, quỹ lớp.
Một phụ huynh có con học Trường tiểu học quận Hoàn Kiếm cho biết, có những khoản thu không thật cần thiết như bảo hiểm thân thể học sinh, nhưng nhà trường vẫn đưa vào danh sách bắt buộc các cha mẹ phải mua.
|
Một số phụ huynh lại phản ánh, có những khoản thu nhà trường không yêu cầu, nhưng ban phụ huynh lớp cứ "vẽ ra" rồi ép mọi người phải theo.
Chị Hà Anh, nhà ở quận Hai Bà Trưng cho biết, tại kỳ họp phụ huynh đầu năm học vừa rồi, ban phụ huynh lớp con chị đề xuất khoản tiền không nhỏ để đóng góp quỹ lớp..., xin ý kiến của các vị phụ huynh. Tuy nhiên, việc xin ý kiến chỉ là hình thức, vì vị trưởng ban phụ huynh yêu cầu "ai không đồng ý thì giơ tay", chính vì vậy, nhiều phụ huynh dù không đồng thuận, vẫn "bấm bụng" nộp tiền.
Chung quanh vấn đề thu - chi các khoản tiền đầu năm học, GS, TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Lạm thu thật sự đã trở thành vấn nạn của giáo dục, đỉnh điểm của lạm thu là vụ việc phụ huynh Trường mầm non Tương Giang 2 (xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đã đồng loạt không cho con đến trường để phản đối các khoản thu vô lý.
"Năm nào Bộ, các sở cũng có công văn chấn chỉnh lạm thu nhưng chẳng có hiệu quả, nếu không có một liều thuốc mạnh tôi e rằng xã hội sẽ không còn tin tưởng vào giáo dục, nhà trường nữa" - Giáo sư Dong nói.
Thanh tra công tác thu - chi
Ðể chấn chỉnh tình trạng lạm thu, cuối tuần qua, Hội tâm lý giáo dục Hà Nội đã xây dựng "Ðề án xây dựng Hội đồng giám sát cộng đồng trường học". Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, cần để phụ huynh trực tiếp tham gia và quyết định vào các khoản thu chi của trường.
Trước đây đã có Ban đại diện cha mẹ học sinh làm công việc giám sát chất lượng giáo dục trường học, giám sát thu chi, tuy nhiên, Ban này lại trở thành "cánh tay" đắc lực của trường trong việc thu tiền cho nhà trường.
Ðề án xây dựng Hội đồng giám sát trong trường học vẫn trao quyền cho phụ huynh, nhưng không chỉ là giám sát, mà còn có quyền quyết định. Thành phần của Hội đồng tuyệt đối không có Ban giám hiệu nhà trường mà bao gồm phụ huynh và đại diện các đoàn thể địa phương nơi trường hoạt động như Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học... Hội đồng này sẽ có tiếng nói quyết định việc thực hiện các khoản thu - chi của trường học.
Khi trường có kế hoạch thu - chi từ nguồn tiền đóng góp của phụ huynh sẽ phải có sự đồng ý của Hội đồng giám sát mới được làm. Chính vì vậy, Hội đồng này cũng phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý Nhà nước nếu có xảy ra lạm thu.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Ðộ cho biết: Năm nay, Sở thực hiện thanh tra về giáo dục theo các nội dung: thanh tra hành chính, thanh tra chuyên môn, chuyên ngành và thanh tra giải quyết đơn thư tố cáo.
"Năm nay cũng tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, những vấn đề nhân dân quan tâm, nhất là các khoản thu đầu năm học. Sở trực tiếp thành lập 20 đoàn thanh tra ở các đơn vị trường học.Trong đó 15 đoàn do các trưởng, phó phòng ban của Sở trực tiếp làm trưởng đoàn, năm đoàn do các Phó giám đốc Sở trực tiếp làm trưởng đoàn thanh tra trực tiếp các hoạt động ở các quận, huyện. Các đồng chí Phó Giám đốc Sở trực tiếp làm trưởng đoàn đi kiểm tra các quận, huyện, theo tinh thần thanh tra các khoản thu đã rõ".
"Sở ban hành hướng dẫn quy trình thu các khoản thu tự nguyện theo bốn bước rất chặt chẽ, nhưng quan trọng là phải rõ khoản thu, rõ nguồn thu, rõ mục đích thu, rõ người hưởng lợi từ việc thu, từ đó rõ sự giải trình nguồn chi, để công khai minh bạch mọi người cùng thấy"- Giám đốc Ðộ nhấn mạnh.
Theo Nhân dân
Bình luận