• Zalo

Các tổng thống Mỹ giấu bệnh thế nào?

Thế giớiThứ Tư, 14/09/2016 21:43:00 +07:00Google News

Hầu hết các tổng thống Mỹ trước đây đều chọn cách giấu tình trạng bệnh của mình để không làm ảnh hưởng tới công việc.

Tổng thống Mỹ đời thứ 34 Dwight Eisenhower trông giống như một ông già ở nhiệm kỳ thứ hai. Ông từng trải qua một cơn đau tim và phải nhập viện điều trị vào năm 1955. Ông sau đấy còn bị đột quỵ. Trong khi đó, trái ngược với người tiền nhiệm, tổng thống Mỹ đời thứ 35 John F. Kennedy trông có vẻ tràn đầy sức sống, theo Washington Post.

Tuy nhiên, thực tế là Eisenhower không già đến vậy, ông mới chỉ 62 tuổi khi đắc cử lần đầu tiên và Kennedy không khỏe mạnh như người ta tưởng. Kennedy gặp hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cả bệnh Addison (suy tuyến thượng thận), song các trợ lý đã che giấu hồ sơ bệnh án của ông.

Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và con gái Anna, tháng 9/1935. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và con gái Anna, tháng 9/1935. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ thường có xu hướng giữ kín tiền sử bệnh trước công chúng bởi các toan tính chính trị. Chẳng hạn, tổng thống Mỹ đời thứ 28 Woodrow Wilson năm 1919 bị đột quỵ nhưng phải nhiều tháng sau dư luận mới hay biết sự việc. Năm 1893, tổng thống Mỹ đời thứ 22 Grover Cleveland đã bí mật tiến hành ca phẫu thuật cắt bỏ khối u trong miệng trên một chiếc du thuyền.

Theo thời gian, tuổi tác của một ứng viên tổng thống Mỹ không còn là tiêu chí đánh giá quá quan trọng đối với các cử tri. Bà Hillary Clinton, 68 tuổi, và ông Donald Trump, 70 tuổi, hiện là hai ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng lớn tuổi nhất lịch sử nước Mỹ.

Vấn đề tuổi tác chưa thực sự gây ảnh hưởng gì nhiều tới thành tích trên đường đua của họ. Nhưng gần đây, công chúng Mỹ bắt đầu chú ý đến điều này hơn sau khi bà Clinton ba ngày trước phải rời một buổi lễ tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố 11/9 sớm vì gặp vấn đề sức khỏe. Bà dường như đã ngã khuỵu và phải nhờ trợ lý dìu lên xe.

Hai ứng viên cũng chưa công bố hồ sơ y tế cá nhân chi tiết. Tỷ phú Trump mới chỉ đưa ra một bức thư ngắn gọn từ bác sĩ, khẳng định rằng nếu đắc cử, ông sẽ là "tổng thống khỏe mạnh nhất" mà nước Mỹ từng có.

Theo nhà sử học Matthew Algeo, mong muốn giữ bí mật tình trạng thể chất bản thân là nguyên nhân khiến rất nhiều tổng thống Mỹ né tránh đến gặp những bác sĩ giỏi nhất. Ông Algeo đã viết về cuộc phẫu thuật ung thư bí mật của tổng thống Cleveland trong cuốn sách "The President Is a Sick Man".

"Hầu hết thời gian, các tổng thống đều không được chăm sóc sức khỏe ở điều kiện tốt nhất", ông Algeo cho biết. "Họ quá lo lắng việc ai đó biết họ có vấn đề sức khỏe".

Theo Algeo, tổng thống Cleveland che giấu cuộc phẫu thuật một phần bởi ung thư là một căn bệnh đáng sợ. Nhưng mặt khác, ông cũng cho rằng tình trạng bệnh của mình không nên là mối quan tâm đối với những người xung quanh. Đặc biệt, tổng thống Cleveland không đặt niềm tin vào báo chí.

donalo

 Hai ứng viên Tổng thống Mỹ cao tuổi nhất từ trước đến nay

Năm 1932, công chúng cũng nắm rất ít thông tin về tình trạng thể chất của Franklin Delano Roosevelt khi ông tranh cử tổng thống Mỹ. Các hãng thông tấn lớn đều tránh đề cập việc ông từng phải dùng xe lăn.

Năm 1944, khi đang chạy đua vào Nhà Trắng cho nhiệm kỳ thứ 4, ông mắc bệnh về tim dẫn tới tình trạng mệt mỏi và khó tập trung. Frank Lahey, bác sĩ phẫu thuật chịu trách nhiệm kiểm tra cho Roosevelt đã viết một bản ghi nhớ nói rằng ông không thể sống sót qua một nhiệm kỳ nữa. Mãi đến năm 2011 thông tin này mới được tiết lộ.

Tháng 11 năm đó, Roosevelt chiến thắng cuộc tổng tuyển cử. Nhưng đúng như những gì bác sĩ dự đoán, tháng 4/1945, ông qua đời, bàn giao nhiệm vụ khép lại Chiến tranh Thế giới thứ II cho người kế nhiệm Harry Truman. Truman không biết gì về kế hoạch nghiên cứu, chế tạo bom nguyên tử mang tên Dự án Manhattan và đã phải ra quyết định khó khăn là ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản.

Vấn đề sức khỏe của tổng thống Eisenhower ban đầu cũng được giữ kín. Thời điểm ông lên cơn đau tim đầu tiên, thông tin mà cánh nhà báo, phóng viên có chỉ là ông gặp "vấn đề về tiêu hóa trong đêm", theo ghi chú trích từ cuốn sách "Whistlestop" của tác giả John Dickerson.

Tổng thống Kennedy thì phải tiêm steroids cùng một số loại thuốc khác để hạn chế các triệu chứng bắt nguồn từ căn bệnh Addison nhưng ông cũng làm việc này bí mật.

"Trong chiến dịch tranh cử năm 1960, đối thủ của Kennedy nói ông mắc bệnh Addison. Nhưng các bác sĩ đã đưa ra một thông báo diễn đạt khéo léo rằng ông không bị Addison do lao và vụ việc lập tức chìm vào quên lãng. Kennedy đã đột quỵ hai lần bởi căn bệnh này", báo Los Angeles Times đưa tin.

Ông John F. Kennedy, lúc này vẫn là một thượng nghị sĩ, tiếp xúc với những người ủng hộ bên ngoài khách sạn Concourse Plaza ở Bronx tháng 11/1960. Ảnh: New York Times

Ông John F. Kennedy, lúc này vẫn là một thượng nghị sĩ, tiếp xúc với những người ủng hộ bên ngoài khách sạn Concourse Plaza ở Bronx tháng 11/1960. Ảnh: New York Times

Nhà sử học Robert Dallek đánh giá việc công bố tình trạng sức khỏe có thể khiến Kennedy đánh rơi cơ hội vào Nhà Trắng. Nhưng ông cũng đưa ra một góc nhìn khác về những thách thức mà các lãnh đạo chính trị phải đối mặt. Theo ông, vẫn có thể chấp nhận một số vấn đề sức khỏe.

"Franklin Roosevelt từng bị liệt nhưng ông vẫn phụng sự đất nước suốt 12 năm. Kennedy gặp nhiều vấn đề sức khỏe như vậy nhưng ông vẫn hoàn thành tốt công việc của một tổng thống", Dallek nhấn mạnh.

 
Franklin Roosevelt từng bị liệt nhưng ông vẫn phụng sự đất nước suốt 12 năm.

Tổng thống Mỹ đời thứ 40 Ronald Reagan năm 1994 bị chẩn đoán mắc chứng Alzheimer. Báo giới cũng như các nhà nghiên cứu lịch sử nghi ngờ ông bắt đầu xuất hiện triệu chứng bệnh ở nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, lúc đã ngoài 70. Đây vẫn là một chủ đề gây tranh cãi song rất nhiều cố vấn cho Reagan khẳng định ông không hề mắc bệnh trong quãng thời gian điều hành Nhà Trắng.

Tu chính án thứ 25 cho phép tổng thống Mỹ chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống trong trường hợp ông không có khả năng đảm đương công việc. Tổng thống George W. Bush từng hai lần giao quyền điều hành cho phó tổng thống Dick Cheney vào các năm 2002 và 2007 để đi nội soi định kỳ. Quá trình trên chỉ kéo dài vài giờ.

Những tình huống kiểu như vậy chỉ ra một sự thay đổi tinh tế trên chính trường Mỹ, Nicole Hemmer, phó giáo sư nghiên cứu về tổng thống từ Trung tâm Miller thuộc Đại học Virginia, nhận định. Theo bà, phó tổng thống ngày nay được tuyển chọn kỹ hơn và tham gia sâu hơn vào các hoạt động của chính phủ so với cách đây một thế kỷ. Điều này có nghĩa việc tổng thống phải chuyển giao quyền lực vì một nguyên nhân nào đó không phải biến động quá nghiêm trọng. Và việc cải thiện những biện pháp chăm sóc y tế sẽ giúp các tổng thống vượt qua khủng hoảng về sức khỏe tốt hơn.

"Sức khỏe của một ứng viên tổng thống ngày nay mang nhiều ý nghĩa về mặt cảm quan hơn so với trước đây song nó lại không mấy quan trọng nếu xét trên khía cảnh khả năng thực tế để nắm giữ chức vụ này", bà Hemmer quả quyết.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn