Không chấp nhận chủ nghĩa khủng bố dưới bất cứ hình thức nào
Theo TTXVN, trong hai ngày 22-23/6, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức thảo luận và thông qua văn kiện Rà soát lần thứ 8 việc thực hiện Chiến lược chống khủng bố của Liên Hợp Quốc.
Tại phiên họp, các nước thành viên đã thông qua Nghị quyết bằng đồng thuận và thảo luận nhiều nội dung quan trọng về triển khai Chiến lược chống khủng bố của Liên Hợp Quốc, trong đó có các mối đe doạ đang nổi lên, các biện pháp nâng cao hiệu quả phòng chống khủng bố, bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế và xây dựng năng lực cho các quốc gia thành viên trong công tác phòng chống khủng bố.
Tham dự và phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, đánh giá chủ nghĩa khủng bố tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển trên phạm vi toàn cầu.
Đại sứ khẳng định việc thông qua văn kiện bằng đồng thuận thể hiện thông điệp thống nhất và mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế không chấp nhận chủ nghĩa khủng bố dưới bất cứ hình thức nào.
Về các biện pháp phòng chống khủng bố, Trưởng Phái đoàn Việt Nam cho rằng cần có cách tiếp cận toàn diện, không chỉ trong các lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật truyền thống, mà cần nỗ lực giải quyết nguyên nhân gốc rễ và yếu tố xúc tác cho sự hình thành, phát triển của chủ nghĩa cực đoan, bạo lực và khủng bố.
Đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hỗ trợ nâng cao năng lực trong phòng chống khủng bố, cũng như sự tham gia rộng rãi của các thành phần xã hội, trong đó có các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin.
Vụ việc xảy ra tại Đắk Lắk là hành vi khủng bố có tổ chức
Đề cập đến vụ việc xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh đây là hành vi khủng bố có tổ chức nhằm vào trụ sở cơ quan nhà nước, cán bộ và dân thường; khẳng định các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện hoặc đứng sau sẽ bị xử lý tương xứng với mức độ vi phạm.
Đại sứ khẳng định lại lập trường của Việt Nam phù hợp với các văn kiện của Liên Hợp Quốc liên quan, lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện, do bất kỳ ai thực hiện, ở đâu và vì bất kỳ mục đích gì.
Việt Nam yêu cầu các nước và các tổ chức quốc tế liên quan hỗ trợ, hợp tác trong công tác điều tra vụ việc cũng như ngăn chặn các hành động tương tự trong tương lai.
Bốn nguy cơ khủng bố từ bên ngoài gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam
Trước đó, ngày 20/6, tại Hội nghị những người đứng đầu các cơ quan chống khủng bố của Liên Hợp Quốc, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh Nội địa của Bộ Công an đã có bài phát biểu nêu rõ bốn nguy cơ khủng bố từ bên ngoài gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam; đồng thời khẳng định hành động của nhóm đối tượng tấn công trụ sở chính quyền và người dân tại tỉnh Đắk Lắk là tội phạm khủng bố có tổ chức.
Cụ thể, trong bài phát biểu, Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt nhấn mạnh: Việt Nam kiên quyết lên án và chống lại hành động khủng bố dưới mọi hình thức và ủng hộ các biện pháp chống khủng bố của các nước, các tổ chức quốc tế phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Tại Việt Nam, chưa xảy ra khủng bố do cá nhân, tổ chức khủng bố quốc tế tiến hành, chưa phát hiện chân rết của chúng hoạt động.
Tuy nhiên, Việt Nam đã xác định các nguy cơ khủng bố từ bên ngoài gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam như:
Thứ nhất, tại Việt Nam có các mục tiêu bị khủng bố quan tâm, như trụ sở ngoại giao nước ngoài.
Hai là, nguy cơ từ dòng phiến quân IS dịch chuyển về Đông Nam Á từ Trung Đông.
Ba là, các nhóm khủng bố, bạo lực cực đoan triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội truyền bá chủ nghĩa cực đoan trên toàn thế giới. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có lượng người dùng internet lớn, nên khả năng bị ảnh hưởng cao.
Bốn là, các tổ chức phản động lưu vong người Việt, các phần tử theo chủ nghĩa cực đoan lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo trú chân tại một số quốc gia thiết lập cơ sở, chân rết, tổ chức huấn luyện cho số đối tượng trong nước và cử người xâm nhập Việt Nam chỉ đạo thực hiện hành động khủng bố ở Việt Nam.
Các tổ chức này lợi dụng các địa bàn các nước Đông Nam Á lập văn phòng trá hình, lôi kéo, tuyển mộ, huấn luyện thành viên; lợi dụng internet và mạng xã hội tuyên truyền, xúi giục, hướng dẫn phần tử xấu trong nước thực hiện các vụ tấn công khủng bố lực lượng thực thi pháp luật và người dân vô tội.
Việt Nam kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế hỗ trợ, hợp tác điều tra vụ khủng bố tại Đắk Lắk
Ngày 11/6 đã xảy ra một vụ khủng bố tại tỉnh Đắk Lắk, 2 nhóm đối tượng trang bị súng và vũ khí tự chế tấn công trụ sở chính quyền và người dân trên đường đi, làm 9 người chết, 2 người bị thương, bắt giữ 3 con tin.
Công an đã bắt giữ 65 nghi phạm, trong đó có đối tượng là thành viên của một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, nhận lệnh chỉ đạo từ tổ chức này xâm nhập về Việt Nam và dàn dựng vụ tấn công.
Đây là hoạt động khủng bố có tổ chức, được trang bị các loại vũ khí; hành vi rất manh động, liều lĩnh, man rợ, mất nhân tính.
Việt Nam mạnh mẽ lên án các cá nhân, tổ chức đã dung túng, hậu thuẫn, chỉ đạo cũng như số đối tượng đã trực tiếp gây ra vụ việc này.
Đồng thời, Việt Nam kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong điều tra vụ việc cũng như đấu tranh đối với các hoạt động tương tự.
Cuộc chiến chống khủng bố đòi hỏi nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Chỉ thông qua đoàn kết, hợp tác và cùng chia sẻ trách nhiệm, chúng ta mới có thể giải quyết hiệu quả mối đe dọa toàn cầu này, thúc đẩy hòa bình và an ninh của mỗi quốc gia và thế giới.
Chiến lược chống khủng bố của Liên Hợp Quốc được thông qua năm 2006 và được tổ chức sơ kết 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2009.
Đây là văn kiện quan trọng của Liên Hợp Quốc được các nước đồng thuận thông qua và triển khai thực hiện với bốn trụ cột chính, gồm: (i) Các biện pháp giải quyết các vấn đề là điều kiện dẫn đến khủng bố; (ii) Các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh chống khủng bố; (iii) Các biện pháp nâng cao năng lực cho các nước trong phòng chống khủng bố; (iv) Các biện pháp bảo đảm nhân quyền và pháp quyền.
Bình luận