Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ sẵn sàng ứng phó bão Conson

Thời sựThứ Sáu, 16/07/2010 08:59:00 +07:00

(VTC News) – Đến thời điểm này, BCH PCLB các tỉnh cho biết, những địa phương dự báo có khả năng bão đổ bộ đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão Conson...

(VTC News) – Trước tình hình cơn bão số 1 (bão Conson) diễn biến phức tạp và có cường độ mạnh, Chính phủ đã có công điện khẩn gửi các Bộ, ngành, địa phương ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão. Đến thời điểm này, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh cho biết, những địa phương dự báo có khả năng bão đổ bộ và càn quét đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với bão

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương (TTDBKTTV TW) cho biết, bão Conson đang diễn biến phức tạp. Ngày mai (17/7), tâm bão sẽ vào khu vực ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Tuy nhiên, toàn bộ vùng biển từ Quảng Ninh tới Quảng Trị sẽ có gió mạnh, sóng biển kết hợp với triều lên cao 2-4 m. Với tốc độ 20 km/giờ, sáng mai bão sẽ vào đến vịnh Bắc Bộ với sức gió cấp 10, giật cấp 12-13, bán kính vùng gió mạnh nguy hiểm lên tới 300 km.

Dự báo hướng di chuyển và những khu vực ảnh hưởng bởi bão Conson.
 Ảnh: NCHMF

Ông Trần Ngọc Thân – Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão & tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB&TKCN) tỉnh Nam Định cho biết: “Conson là cơn bão mạnh có tốc độ di chuyển nhanh, chính vì vậy, UBND tỉnh Nam Định đã họp và ra công điện chỉ đạo UBND các huyện kêu gọi các tàu thuyền về nới trú ẩn (Nam Định có 2.200 tàu thuyền đánh cá). Cho đến thời điểm này, tỉnh đã kêu gọi đủ số thuyền về nơi trú ấn. Tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra đê điều theo kế hoạch đã duyệt đồng thời kêu gọi người dân chằng chống nhà cửa, các công trình xây dựng cẩn thận. Tỉnh Nam Định cũng đã yêu cầu ngành điện lực lưu ý, tránh để xảy ra rò điện.

Trong sáng nay (16/7), Chủ tịch UBND tỉnh đã cử 3 phó Chủ tịch về 3 huyện ven biển để trực tiếp chỉ đạo chống bão.

Hiện toàn tỉnh Nam Định đã cấy được 60% lúa mùa nên tỉnh rất chú trọng công tác phòng chống bão và lên các phương án tiêu thoát nước để cứu lúa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện ven biển nuôi thủy sản có phương án bảo vệ và yêu cầu nhân dân lùi sâu vào đất liền tránh bão. Những trường hợp nào cố tình sẽ bị cưỡng chế. Đến thời điểm này, tại Nam Định trời bắt đầu đổ mưa và gió đang ở cấp 6. Kinh nghiệm từ cơn bão số 7 năm 2005, hiện tỉnh Nam Định đã sẵn sàng và có nhiều phương án cho việc chống bão Conson”.

Lúc 19h30, tình hình thời tiết tại tỉnh Quảng Ninh vẫn diễn biến bình thường. Cho biết về công tác phòng chống bão số 1, ông Phạm Đình Hòa - Chánh văn phòng BCH PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động đối phó với cơn bão số 1 từ ngày 13/7. Theo chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, tất cả các tàu thuyền đánh bắt xa bờ hay gần bờ đều được thông báo về nơi trú ẩn. Tỉnh có 159 tàu thuyền đánh bắt xa bờ và hơn 11.000 tàu đánh bắt gần bờ đã về nơi an toàn. Thực hiện chỉ đạo của Ban phòng chống lụt bão Trung ương, bắt đầu từ ngày 15/7 tỉnh đã cấm tàu thuyền ra khơi cho đến khi hết bão.

Chiều nay (16/7), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã xuống kiểm tra công tác phòng chống lụt bão của tỉnh. Bộ trưởng đánh giá cao việc ứng phó chống bão của địa phương”.

Ngay từ đầu giờ chiều, các tàu vận tải đã về cảng Vân Đồn tránh bão an toàn.( Ảnh: Trần Minh)

Tại tỉnh Thanh Hóa, được dự báo bão Conson sẽ gây ảnh hưởng nên công tác phòng chống bão tại Thanh Hóa được lãnh đạo tỉnh hết sức chú trọng. Theo BCH PCLB tỉnh, cho đến giờ phút này (20h ngày 16/7 - p/v) mọi công tác cũng như các phương án đã được tỉnh chuẩn bị kỹ. Các tàu thuyền đã được kêu gọi về nơi trú ẩn, chỉ còn số ít đánh bắt xa bờ hiện chưa về kịp nhưng cũng đã lánh tạm vào các tỉnh bạn để tránh bão.

Những cư dân sống ven biển đã được tỉnh yêu cầu lùi sâu vào đất liền. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, lần này Chủ tịch tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ven biển cương quyết đối với những cá nhân không tuân thủ sự chỉ đạo của tỉnh, cần có biện pháp cưỡng chế để không thiệt hại về người và của.

Chiều nay, đoàn công tác của Ủy ban tìm kiếm cứu nạn Trung ương đã về và kiểm tra, rà soát công tác phòng chống bão của tỉnh. Có thể nói, tỉnh Thanh Hóa đã sẵn sàng đối phó khi bão đổ bộ vào.

Cho đến 20h tối nay, tình hình thời tiết tại tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa có thay đổi.

Hải Phòng: Khẩn cấp sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Sáng ngày 16/7, BCH PCLB&TKCN TP.Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống cơn bão số 1.

Cuộc họp đã khẩn cấp nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và bằng mọi biện pháp kiểm đếm, thông tin hướng dẫn cho các tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn. Nhanh chóng sắp xếp tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi neo đậu, tiếp tục nắm chắc số lượng tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển và các tàu hiện chưa liên lạc được để kịp thời ứng cứu.

BCH PCLB Hải Phòng ra lệnh, sơ tán nhân dân khỏi khu vực nguy hiểm do nước biển dâng, sóng lớn và các khu nhà xung yếu; không để người ở chòi canh khu nuôi trồng thủy sản ngoài đê, trên tàu thuyền, lồng bè, khu vực bãi tắm biển.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng, chiều ngày 16/7, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đã phối hợp kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho 3.523 tàu thuyền với 11.642 lao động và 594 lồng bè với 1.765 lao động di chuyển về nơi trú tránh. Và đến 15h ngày 16/7, không còn phương tiện  nào hoạt động trên biển.

Huyện Cát Hải đã triển khai phương án sơ tán tại chỗ cho 1.910 người của các xã, thị trấn trũng thấp ven biển. Tại huyện Tiên Lãng, BCH đã triển khai sơ tán 1.417 người ở khu vực ngoài đê, ven đê về trụ sở UBND xã, các trường học, nhà kiên cố. Huyện Vĩnh Bảo sơ tán 1.429 người ở khu vực xung yếu về nơi an toàn.

Đến 20h tối ngày 16/7, toàn thành phố đã hoàn thành công tác sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Người dân Hải Phòng đang sẵn sàng trước “giờ G” đón bão đổ bộ.

Dương Lãng Hoàng

Trường Sơn

Bình luận
vtcnews.vn